ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI YÊU CẦU RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH NHẰM TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ THUẬN LỢI, HIỆU QUẢ TRONG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

24/08/2022

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi.). Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1366/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Trong đó nêu rõ yêu cầu rà soát, sửa đổi các quy định bảo đảm thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lưu ý tiếp thu đầy đủ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề cơ bản vừa bảo đảm kết cấu, phạm vi, đối tượng, cách tiếp cận, vừa bao quát, cụ thể và lưu ý về tính khả thi của dự án luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ các nội dung cần tiếp tục rà soát:

Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là các Chỉ thị của Ban Bí thư: số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Trong đó, cần lưu ý các nội dung về “bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng”; “rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và khả năng thực thi hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng thống nhất, đồng bộ và phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học, công nghệ và xu hướng phát triển các giao dịch thương mại điện tử”.

Hai là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt là đảm bảo quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe, an toàn và tính mạng của người tiêu dùng, năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế gắn chặt với đảm bảo môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích của người sản xuất, phân phối; tuân thủ pháp luật Việt Nam, phù hợp với tập quán tiêu dùng của người dân và thông lệ quốc tế, không vi phạm các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ba là, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa Luật này với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, xác định vị trí, mối quan hệ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các luật chuyên ngành, hệ thống pháp luật hiện nay. Đề nghị lưu ý các vấn đề liên quan đến pháp luật về dân sự, bảo vệ dữ liệu cá nhân, công tác dân tộc và bảo vệ người yếu thế, xử lý vi phạm hành chính, giao dịch điện tử, tố tụng hình sự và giải quyết tranh chấp; tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm và hàng hóa; quảng cáo, cung ứng dịch vụ công, các điều ước quốc tế và hợp tác quốc tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại phiên họp

Bảo đảm các quy định áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các luật có liên quan một cách rõ ràng, cụ thể, khả thi, bao quát thực tiễn phát sinh và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, các phương thức kinh doanh và tiêu dùng mới để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch điện tử, các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh nội dung số qua mạng Internet, các giao dịch đặc thù như giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục, bán hàng đa cấp, bán hàng không phải là địa điểm giao dịch thường xuyên…

Bốn là, bảo đảm quy định của Luật phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế đồng thời có các biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng; quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp các phương thức giải quyết tranh chấp (thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án) để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong giải quyết tranh chấp, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không bảo đảm an toàn; phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ người tiêu dùng; quy định để khuyến khích, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là sự tham gia của tổ chức xã hội.

Năm là, bảo đảm rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng đối với các quy định về giải thích từ ngữ, các khái niệm; quy định chặt chẽ phù hợp với Hiến pháp, pháp luật về thu thập, sử dụng, đảm bảo an toàn thông tin của người tiêu dùng; tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng về các nội dung cơ bản của hợp đồng mẫu, kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, trách nhiệm của bên thứ 3 (bảo quản, vận chuyển…); quy định về sản phẩm hàng hóa có khuyết tật, trách nhiệm thu hồi, bồi thường thiệt do sản phẩm hàng hóa có khuyết tật gây ra;

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đóng góp ý kiến tại Phiên họp

Quy định để bảo đảm quyền lợi, quyền được đối xử công bằng của người tiêu dùng là người yếu thế, người có thu nhập thấp, người già, trẻ em, cân nhắc đối tượng là người nghèo, các hộ nghèo và cận nghèo; quy định rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp để các quy định bảo vệ người tiêu dùng được thực thi một cách thực chất, hiệu quả; rà soát các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định mới. Lưu ý vấn đề đạo đức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và trách nhiệm về tiếp thu, giải trình của doanh nghiệp đối với các vấn đề có liên quan đến chất lượng của sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

Sáu là, cụ thể hóa tối đa trong dự thảo Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất là luật hóa các quy định trong các nghị định đã áp dụng hiệu quả trong thời gian qua, bảo đảm hiệu lực thi hành ngay của Luật và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật kể cả các quy định về giao nhiệm vụ cụ thể hóa luật tại văn bản quy định chi tiết.

Bảo Yến