NÂNG CAO BẢN LĨNH VĂN HÓA, SỨC ĐỀ KHÁNG VĂN HÓA

24/08/2022

Phát biểu tại Hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, để có được nhân cách, phẩm chất, năng lực bền vững, chúng ta cần phải nâng cao bản lĩnh văn hóa và sức đề kháng văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hoá học đường

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Xây dựng môi trường văn hoá trong trường học là chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã yêu cầu: “xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng”; “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: Một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhà trường là môi trường quan trọng để hình thành, bồi đắp những giá trị, phẩm chất tốt đẹp, là nơi rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những người sống có hoài bão, khát vọng và lý tưởng tốt đẹp. Văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, xây dựng và phát triển văn hoá học đường cần phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường. Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc “dạy người” làm nội dung trọng tâm.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Các đại biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, văn hóa là phạm vi rất rộng lớn và hết sức quan trọng. Sự rộng lớn ấy dẫn đến khó khăn vì dễ rơi vào mơ hồ, không biết làm từ đâu và cần phải làm gì. Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ đã giải tỏa điều này khi xác định được những điểm rất quan trọng, cụ thể và chỉ rõ những việc cần làm.

Đối với ngành Giáo dục, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vấn đề văn hóa thực ra còn rộng lớn hơn, với 2 phương diện được xác định, đó là phương diện giáo dục văn hóa và phương diện văn hóa giáo dục. Vấn đề bàn trong hội nghị hôm nay - văn hóa học đường - là một phần giáo dục văn hóa, với tư cách là những gì ngành Giáo dục tác động vào, hướng đến và tạo ra.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, muốn có giáo dục văn hóa tốt, văn hóa giáo dục phải được tạo lập trên một cơ sở bao quát và rộng lớn; điều này không chỉ riêng ngành Giáo dục có thể làm được. Từ đó, Bộ trưởng mong muốn thúc đẩy sự hợp tác, để cùng vì mục tiêu rất rộng lớn này.

Cho biết các nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa học đường đã được nêu rất rõ trong Chỉ thị 08, tại hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn lãnh đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tập trung lưu ý một số nội dung cụ thể. Trước hết là triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những vấn đề thuộc về hệ giá trị đã nêu ra trong Chương trình mới đều đã có. Đặc biệt lưu ý triển khai tốt những môn học mới và giáo dục về thẩm mĩ, những yếu tố giáo dục rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Làm thật tốt đều này là một bước quan trọng của gây dựng, phát triển văn hóa học đường từ góc độ nội dung cốt lõi.

Bên cạnh đó, cần rà soát để chuẩn hóa, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường; đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Đồng thời, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác. Đồng thời, cần tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo, đúng với tinh thần “mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, văn hóa học đường, người hưởng thụ không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy.

Để thực hiện điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực cho học sinh noi theo. Mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện cho học sinh noi theo. Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Không thể phó thác chỉ cho thầy cô làm gương.

Nhấn mạnh chúng ta cần quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để cho đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất, và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất, đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất và năng lực bền vững. Từ đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững./.

Thu Phương

Các bài viết khác