ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UBTVQH VỀ SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ, NGÀNH

30/08/2022

Ngày 30/8, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” có buổi làm việc với các bộ, ngành về nội dung liên quan đến Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Tọa đàm cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính

Toàn cảnh Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” làm việc với các bộ, ngành.

Dự buổi làm việc, về phía lãnh đạo Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát; Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Đoàn giám sát. Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí là thành viên Đoàn giám sát, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện một số Đoàn ĐBQH; cùng đại diện các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, đại diện một số vụ chuyên môn của các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp…

Thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” đã ban hành Kế hoạch giám sát chi tiết, xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và UBND, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 báo cáo. Đến nay, Đoàn giám sát đã nhận được đầy đủ báo cáo của các cơ quan theo yêu cầu.

Đoàn giám sát cũng tổ chức 3 đoàn công tác làm việc trực tiếp tại 6 tỉnh; làm việc với Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, luận cứ phục vụ việc xây dựng Báo cáo kết quả giám sát. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực phụ trách đã tham gia ý kiến về các nội dung của chuyên đề giám sát. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo riêng về công tác tuyên truyền, vận động người dân và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” đã tiến hành hoạt động gần 1 năm, các thành viên của Đoàn giám sát đã nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan. Đến nay, chương trình, kế hoạch của Đoàn giám sát đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, một số công việc vượt tiến độ. Theo kế hoạch, đến giữa tháng 9, Đoàn Giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến và ban hành nghị quyết về giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại buổi làm việc này, Đoàn giám sát làm việc với các bộ, ngành liên quan để lắng nghe ý kiến về các nội dung trong dự thảo báo cáo kết quả giám sát. Theo đó, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát gồm 2 phần lớn. Phần 1 về Kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019; Phần 2 Kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị đại diện các bộ, ngành cho ý kiến về các vấn đề bộ, ngành phụ trách. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môt trường góp ý kiến liên quan đến bản đồ địa giới hành chính; Bộ Tài chính cho ý kiến về tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng tài sản công, tài chính công. Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho ý kiến về chuyển đổi giấy tờ cho người dân, sắp xếp con dấu, bố trí chức danh công an xã, phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch, hộ khẩu; Bộ Y tế và Bộ Giáo dục cho ý kiến về sắp xếp hệ thống trường học, trạm y tế, chế độ chính sách đối với cán bộ y tế, giáo viên ở cơ sở; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho ý kiến về cơ chế, chính sách cho các đối tượng là người nghèo, người có công, các xã đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo, xã nông thôn mới; vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân…

Sau khi sắp xếp, cả nước đã giảm 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.

Dự thảo lần 2 Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” gồm 2 phần: Những kết quả nổi bật trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cáp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đánh giá chung về hiệu quả của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ: Qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và khảo sát thực tế tại các địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và đạt được những kết quả tích cực.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giúp tinh gọn một bước tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Sau khi sắp xếp, trên cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách.

Thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương có cơ hội rà soát, sàng lọc, một bước trên cơ sở đó bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp và cả những đơn vị hành chính khác còn thiếu người làm việc.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, góp phần sàng lọc đội ngũ, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã giảm được chi ngân sách nhà nước, góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dân có cơ hội tiếp cận thiết bị hiện đại, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng thực hiện các thủ tục hành chính. Theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng… Qua đó, đã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu công tác đã đề ra. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giúp các đơn vị hành ch tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để mở rộng không gian phát triển. Việc sắp xếp đơn vị hành ch góp phần phát triển và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa; quy hoạch, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ…

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát nêu cụ thể những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc và tác động, ảnh hưởng không mong muốn của việc sắp xếp đơn vị hành chính; Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc; 6 bài học kinh nghiệm. Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc, bất cập trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021; Nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030; đề xuất nhóm giải pháp về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030.

Bổ sung phần "đánh giá cao nỗ lực của các địa phương tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính".

Tại buổi làm việc, đại diện Thường trực Đoàn giám sát nêu những vấn đề cần tập trung thảo luận, góp ý. Các ý kiến của các bộ, ngành cơ bản thống nhất với các nội dung cơ bản của dự thảo lần 2 của Đoàn giám sát. Nội dung báo cáo đã bám sát các nghị quyết của Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Báo cáo, phản ánh đầy đủ thông tin liên quan đến kết quả, tình hình sắp xếp đơn vị hành chính của 45 tỉnh, thành phố trong cả nước; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, kiến nghị, giải pháp; các nhận xét, nhận định được nêu trong báo cáo sát với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc sắp xếp đơn vị hành chính phải tuân thủ nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, bản chất của việc sắp xếp đơn vị hành chính phải đảm bảo nguyên tắc tinh gon, hiệu lực hiệu quả. Nghị quyết của Trung ương cũng nêu rõ việc sắp xếp căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm về phương án sắp xếp. Đối với ngành y tế, việc sắp xếp phải tuân thủ nguyên tắc chăm sóc sức khỏe cho người dân, ít nhất tốt bằng hoặc tốt hơn khi chưa sát nhập. Đối với vấn đề Đoàn giám sát nêu về những khó khăn trong sắp xếp trạm y tế tại cơ sở, nhất là đối với xã vùng sâu, vùng xa, khoảng cách xa, giao thông đi lại khó khăn có thể thành lập mô hình điểm trạm y tế, như mô hình điểm trường trong ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định: Việc các địa phương phản ánh không duy trì được điểm trạm y tế vì vướng con dấu là chưa thỏa đáng, bởi việc sắp xếp căn cứ theo mật độ dân số, không căn cứ vào địa giới hành chính. Thực tế ở một số địa phương như Quảng Ninh, Hưng Yên đang thực hiện mô hình điểm trạm y tế và việc hoạt động tốt. Điều quan trọng là phương thức, cách làm của địa phương, sắp xếp như thế nào để tạo thuận lợi nhất cho người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cũng đóng góp ý kiến, đề nghị bổ sung nguyên nhân của các vướng mắc, bất cập, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; đồng thời làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát nêu liên quan đến bất cập trong quản lý thông tin về phần mềm quản lý hộ tịch; triển khai hiện đại hóa hệ thống bản đồ địa giới hành chính, hồ sơ địa giới hành chính; đánh giá tác động ngân sách sau khi sáp nhập; giải pháp khắc phục hậu quả tình trạng trụ sở bị bỏ không sau sát nhập; giải pháp đơn giản hóa thủ tục thanh lý tài sản công; bổ sung trong báo cáo về thời gian chuyển tiếp trong thực hiện chính sách…

Bên cạnh đó, một số ý kiến tại buổi làm việc cũng nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cho thấy chủ trương đúng đắn, có tác động lâu dài góp phần làm tinh gọn bộ máy, tuy nhiên giai đoạn tới cần cân nhắc thời điểm tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính vì liên quan đến con người. Các địa phương tiến hành sắp xếp cần đánh giá kỹ tác động, khó khăn, vướng mắc, đặc biệt chú ý sau sắp xếp cần có nguồn kinh phí đầu tư phát triển, nếu không sẽ lãng phí tài nguyên. Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát cũng kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn, nhưng không phải khó khăn nào trung ương cũng có thể hỗ trợ, mà cần sự chủ động của địa phương. Có ý kiến đề nghị bổ sung trong báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng cần lưu ý đến phong tục, tập quán ở từng địa phương, tránh xáo trộn, khó khăn cho công tác quản lý…

Một số ý kiến cũng đề nghị báo cáo cần nêu bật các kết quả đạt được so với tồn tại, hạn chế, bởi thực tế việc sắp xếp đơn vị hành chính ở các địa phương đạt được thành công. Đối với những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân làm căn cứ để khắc phục cho giai đoạn 2022-2030.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung trong dự thảo Báo cáo về việc đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong diện thực hiện sắp sếp theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi đây là vấn đề nhạy cảm, khó khăn, nhưng việc sắp xếp tại các địa phương thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực.

Trong phần bài học kinh nghiệm, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung bài học phương án sắp xếp phải gắn với kế hoạch và điều kiện đảm bảo cho việc sắp xếp hiệu quả. Bên cạnh đó, mục tiêu, lộ trình sắp xếp cần cân nhắc đến tính thi, bởi qua giám sát cho thấy, các địa phương trông chờ Đoàn Giám sát của Quốc hội sẽ tháo gỡ khó khăn trong sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp huyện, cấp xã.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua ý kiến phát biểu của lãnh đạo Bộ, thành viên Đoàn giám sát đều cơ bản thống nhất dự thảo Báo cáo. Đoàn Giám sát đánh giá cao bộ phận giúp việc, tổ biên tập đã tổng hợp các số liệu cơ bản đầy đủ, chính xác, kết cấu báo cáo hợp lý, kiến nghị, đề xuất cụ thể. Các ý kiến tại phiên họp góp ý một số nội dung trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng cao hơn. Qua các ý kiến phát biểu có thể khẳng định đến nay Đoàn Giám sát về cơ bản được thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu, nội dung giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Qua giám sát cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 có kết quả, hạn chế, nhưng kết quả là cơ bản.

Chiều ngày 30/8, Đoàn Giám sát tiếp tục làm việc với lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng; thành viên Đoàn giám sát tiếp tục thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện báo cáo chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 9 tới.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu buổi làm việc giữa Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” với các bộ, ngành.

Thành viên Đoàn giám sát, đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ngành tại buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu một số vấn đề cần tập trung thảo luận, góp ý.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo Báo cáo kết quả cần bổ sung nêu bật những kết quả đạt được trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.

Đại diện Bộ Tư pháp để nghị bổ sung vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát những vướng mắc bất cập, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị các địa phương đánh giá kỹ tác động khi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là nguồn lực con người và kinh phí đầu tư phát triển.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương phát biểu tại buổi làm việc.

Đại diện Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát.

Toàn cảnh Đoàn giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 -2021” làm việc với các bộ, ngành.

Lan Hương - Minh Thành