PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: NHỮNG THÀNH TỰU CỦA QUỐC HỘI ĐƯỢC BẮT NGUỒN TỪ 05 YẾU TỐ CƠ BẢN

30/08/2022

Chiều 30/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách” đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến đối với hồ sơ và nội dung Đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Đề án tăng cường chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách” 

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập, các cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hơn 76 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động và hiện tại đang là nhiệm kỳ thứ XV; Quốc hội đã luôn không ngừng đổi mới để phát huy vai trò, vị trí là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng đất nước. Từ đó đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, những thành tựu đạt được của Quốc hội, bắt nguồn từ 05 yếu tố cơ bản. Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Hai là, sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri. Ba là, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Bốn là, sự đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Năm là, sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân các nước trên thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, xoay quanh hoạt động của Quốc hội, để bảo đảm kết quả hoạt động của Quốc hội có sự kế thừa, đổi mới và vượt bậc qua mỗi kỳ, hơn bao giờ hết, mỗi đại biểu Quốc hội được coi là trung tâm; trong đó đại biểu Quốc hội chuyên trách là hạt nhân trung tâm. Do đó chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội chính là thước đo quan trọng làm nên thành tựu, dấu ấn của Quốc hội qua mỗi nhiệm kỳ.

Yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ hoàn thiện về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng luôn xuyên suốt, nhất quán trong quan điểm, chủ trương của Đảng, được khẳng định tại các nghị quyết, văn kiện của Đảng qua các khóa; đồng thời là yêu cầu, nhiệm vụ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra 107 nhiệm vụ, đề án trong đó có Đề án về “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dù đây là Đề án không mới, nhưng luôn có sức thu hút ở mọi nhiệm kỳ; luôn nhận được sự quan tâm đông đảo không chỉ từ phía người trong cuộc; mà còn là sự mong đợi, kỳ vọng từ phía cử tri, Nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cấp, các ngành.... Thông qua Đề án này, giải pháp về sự "tăng cường, nâng cao" đó không dừng ở khẩu hiệu, mà phải là thực chất, đột phá, khả thi, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Tại phiên họp các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án báo cáo khái quát, quá trình xây dựng Đề án và một số nội dung chính của dự thảo Đề án và thảo luận tập trung về các sự cần thiết, cơ sở xây dựng Đề án, phạm vi nghiên cứu của Đề án; thực trạng chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách, các quan điểm, giải pháp và sự tương thích nội dung của Đề án với các Đề án khác Đảng đoàn Quốc hội đã và đang chỉ đạo triển khai.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Đề án nghiên cứu chất lượng, năng lực đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa XIII đến nay, với các nhóm nội dung về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội; chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, thể hiện ở sự tham gia các hoạt động tại kỳ họp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu trong lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát, giữ mối liên hệ với cử tri; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực của đại biểu Quốc hội: chế độ, chính sách; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; cung cấp thông tin, dịch vụ nghiên cứu, chuyên gia; bộ máy tham mưu, giúp việc; đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, vướng mắc, hạn chế và đề xuất các giải pháp phù hợp. Đề án đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách theo các nhóm giải pháp như: hoàn thiện quy định về đại biểu Quốc hội; nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, chuẩn bị nhân sự Quốc hội Khóa XVI; quy hoạch đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn; điều kiện bảo đảm giúp nâng cao năng lực đại biểu Quốc hội…

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và cơ bản tán thành với nhiều nội dung của Đề án; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, phân tích làm rõ một số nội dung trọng tâm, trọng điểm. Nhiều ý kiến cho rằng Đề án cần có thêm đánh giá thực trạng và có kiến nghị, đề xuất để làm rõ địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương, cùng với đó là các cơ chế để bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Các đại biểu đều ghi nhận thời gian qua, chất lượng của đại biểu Quốc hội không ngừng được nâng lên thể hiện rõ nét tại kỳ họp Quốc hội được dư luận và cử tri cả nước đánh giá cao. Tuy nhiên thực tiễn hoạt động của đại biểu Quốc hội tại địa phương còn những tồn tại, hạn chế. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Lã Thanh Tân đặt vấn đề cần khẳng định và nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương và Đoàn đại biểu Quốc hội, bởi đây là cơ sở để các đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình nhất là trong thực hiện giám sát tại địa phương. Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý đến các giải pháp chú trọng công tác quy hoạch, phát triển nguồn đại biểu Quốc hội.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại phiên họp

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cũng cho rằng quy định về địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương chưa rõ dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đại biểu nhất là thực hiện giám sát tại địa phương, cùng với đó việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách, công tác thi đua khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng đối với đại biểu cũng gặp những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu nhấn mạnh trong bối cảnh yêu cầu đòi hỏi công việc ngày càng cao nếu không được xác định địa vị pháp lý tương xứng thì đại biểu rất khó thực hiện nhiệm vụ và bảo đảm điều kiện hoạt động. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng bảo đảm chất lượng đại biểu cần đi từ công tác quy hoạch, chú trọng đại biểu chuyên trách tại địa phương từ đó có bồi dưỡng, đào tạo từ sớm để khi đại biểu trúng cử sẽ phát huy được hết năng lực.

Kết luận phiên họp, ghi nhận các ý kiến góp ý vào dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Đây là Đề án nhận được sự quan tâm không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà của cả cử tri và Nhân dân cả nước. Do đó, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo với tinh thần khẩn trương tích cực đóng góp cho Đề án bảo đảm tiến độ và chất lượng Đề án.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bám sát nội dung yêu cầu của Đề án để tiếp tục rà soát, hoàn thiện Đề án đúng trọng tâm, trọng điểm, cân đối giữa lý luận, thực tiễn và đánh giá thực tiễn, nguyên nhân và đề xuất giải pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với tình hình, trên tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ quy trình", có đổi mới, đột phá để chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội thực sự được nâng lên hơn nữa trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hải phòng Lã Thanh Tân 

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám góp ý vào dự thảo Đề án

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp Cao Mạnh Linh

Bảo Yến - Nghĩa Đức