Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021
KTNN đề xuất kiểm toán chuyên đề với 141 nhiệm vụ
Báo cáo tại phiên họp, Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, về kiểm toán chuyên đề, trong 8 tháng đầu năm 2022, KTNN đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”; chuyên đề “Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.
KTNN đã chuyển hồ sơ 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại thành phố Hải Phòng, 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác; 1 vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp – tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Tại cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ ngành, địa phương. Báo cáo cũng nêu, kết quả kiểm toán cho thấy có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao. Tổng KTNN cũng đã yêu cầu toàn ngành tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và trong hoạt động kiểm toán.
Hiện KTNN đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán”, phối hợp Ủy ban Kiêm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Phó Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, KTNN sẽ tập trung kiểm toán lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đơn vị có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro và xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách; các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia; việc triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, gắn với kế hoạch giám sát của Quốc hội, UBTVQH.
Phó Tổng Kiểm toán phụ trách Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 2023, KTNN dự kiến lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, cụ thể như: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, của UBTVQH (như 3 chương trình mục tiêu quốc gia); Chuyên đề về kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học công nghệ; Chuyên đề về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách…
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, KTNN lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các công trình trọng điểm, giao thông liên vùng khu vực Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển, theo Quyết định 129/QĐ-TTg…
KTNN cũng lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022 kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.
Với định hướng như trên, KTNN dự kiến kiểm toán 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm 2022.
Cắt giảm bớt số lượng, chủ đề kiểm toán; tập trung cho kiểm toán phục vụ quyết toán NSNN
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đa số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước.
Cụ thể, về kiểm toán chuyên đề, Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung thêm nội dung kiểm toán: “Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và việc nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao các kết quả nghiên cứu”, theo đề xuất của Đoàn giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường
Đối với chuyên đề: “Về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” và “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương”, đa số ý kiến đề nghị không thực hiện kiểm toán do các quỹ này nguồn vốn nhỏ, ít hoạt động và đề nghị bổ sung, thay thế hai chuyên đề kiểm toán các quỹ nêu trên bằng chuyên đề kiểm toán: “Việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin, các hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin”.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung kiểm toán chuyên đề tổ chức các giải thi đấu thể thao sử dụng NSNN giai đoạn 2020-2022.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, đa số ý kiến đề nghị KTNN tập trung kiểm toán các dự án hoàn thành có quy mô từ nhóm A trở lên; không tổ chức kiểm toán các dự án mới bắt đầu triển khai thực hiện, đang triển khai dở dang và các dự án có quy mô từ nhóm B trở xuống (trừ các dự án Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm toán ngay trong năm 2023). Các dự án dở dang có quy mô từ nhóm A trở lên và các dự án có quy mô từ nhóm B trở xuống trường hợp cần thiết phải kiểm toán, đề nghị lồng ghép trong quá trình kiểm toán việc thực hiện dự toán và quyết toán NSNN hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, đa số ý kiến đề nghị rà soát, cắt giảm số lượng để các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển, chỉ lựa chọn một số ít doanh nghiệp ít chịu sự tác động của đại dịch để tổ chức kiểm toán.
Bên cạnh đó, Uỷ ban TCNS cũng lưu ý KTNN rà soát danh sách lựa chọn các bộ, ngành, địa phương tại các cuộc kiểm toán để tránh chồng chéo, tối đa một bộ, ngành, địa phương không quá 2 chuyên đề/năm và 3 cuộc kiểm toán/năm và hạn chế trong cùng một thời điểm có nhiều cuộc kiểm toán tại bộ, ngành và trên địa bàn.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý kiến
Qua thảo luận, các ý kiến trong UBTVQH cũng cơ bản cho rằng, KTNN cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tổng kết việc thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán từ xa; có giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc cụ thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân…
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán như KTNN đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị KTNN tiếp tục tập trung tăng cường thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội; tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư, kinh phí chuyển nguồn ngân sách…/.