ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI GIÁM SÁT CÁC HOẠT ĐỘNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TẠI QUẢNG TRỊ

12/09/2022

Chiều 12/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và các sở, ngành liên quan về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài; đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động, học tập ở nước ngoài, các cá nhân là người lao động trở về nước, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trở về nước, các nhà đầu tư là người Việt Nam trở về đầu tư trong nước.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng tham dự làm việc.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: MĐ

Đối với Quảng Trị, hiện có khoảng gần 3.000 người Việt Nam ở nước ngoài có gốc Quảng Trị, trong đó 85% đang sinh sống tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ (Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Canada). Từ năm 2009 đến nay có 2 trường hợp xin thôi quốc tịch Việt Nam; 4 trường hợp yêu cầu cấp giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam. Từ năm 2016 đến nay có 193 trường hợp phụ nữ cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị kết hôn có yếu tố nước ngoài (kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Về người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào thuộc tỉnh Savannakhet, Salavan hiện có 493 người. Tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần trao đổi với chính quyền các tỉnh của Lào để cấp hộ tịch, quốc tịch và cư trú cho người Việt Nam di cư được phép ở lại nơi cư trú nước bạn.

Từ đầu năm 2022 đến nay đã cấp 100 lượt chứng nhận tạm trú, tiếp nhận và xử lý 10 hồ sơ xin thường trú; hỗ trợ, hướng dẫn 20 hồ sơ xin giấy miễn cấp thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam...

Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực lao động, tính từ năm 2012 đến 6 tháng đầu năm 2022 có 11.149 lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổng số tiền người lao động gửi về cho gia đình khoảng 5.131 tỉ đồng. Về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo…được triển khai thực hiện tốt.

Trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, tiếp tục cải cách hành chính về đầu tư nhằm thu hút người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư vào các chương trình trọng tâm, trọng điểm, các dự án mà tỉnh đang thu hút đầu tư; tổ chức theo dõi tình hình hoạt động của các doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: MĐ

Các thành viên của Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi và tìm hiểu về một số nội dung như: công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tuyển dụng và xuất khẩu lao động; công tác đầu tư kinh doanh của người Việt Nam ở nước ngoài; di cư hợp pháp, an toàn; bảo vệ quyền của người di cư... Đại diện một số sở, ngành tỉnh Quảng Trị đã làm rõ các ý kiến mà đoàn giám sát quan tâm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan cũng như chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ thủ tục giải quyết các vụ việc lãnh sự có yếu tố nước ngoài và bảo hộ công dân ở nước ngoài và báo cáo kịp thời cho các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được biết để giải quyết kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động tại địa phương được chú trọng. Quảng Trị đã thực hiện nhiều chính sách, hoạt động nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài vào địa phương nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh, mục đích của đợt giám sát lần này của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội là nắm bắt các thông tin, những tâm tư, nguyện vọng, các giải pháp, kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Trị cũng như các địa phương khác để nhằm hình thành một hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ liên quan về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài của tỉnh Quảng Trị, trong đó, có nhiều cách làm hay, nổi bật và hiệu quả. Dựa trên báo cáo và trao đổi tại buổi làm việc, đề nghị tỉnh chỉ đạo bổ sung thêm các giải pháp, kiến nghị, đề xuất một cách rõ ràng, cụ thể hơn của địa phương để đoàn giám sát kịp thời nắm bắt, báo cáo với Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Quảng Trị)