TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TRONG CÔNG TÁC MUA SẮM, ĐẤU THẦU, QUẢN LÝ GIÁ THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

02/10/2022

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh đang là vấn đề nan giải, đươc nhiều cử tri và nhân dân quan tâm trong các phiên tiếp xúc cử tri. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội ra Nghị quyết Kỳ họp đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”. Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm đảo bảo đủ thuốc khám chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Thành phố Hải Phòng

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ vấn đề thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh đang là vấn đề nan giải, đươc nhiều cử tri và nhân dân quan tâm trong các phiên tiếp xúc cử tri. Tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, do nhiều nguyên nhân nên nước ta gặp một số khó khăn, thiếu hụt về thuốc và trang thiết bị, vật tư y tế. Do đó, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội ra Nghị quyết Kỳ họp đã giao Chính phủ “tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế”. Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng thuốc, nhằm đảo bảo đủ thuốc khám chữa bệnh. Nhờ vậy, khó khăn đang từng bước được giải quyết, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã giảm, công tác đấu thầu thuốc đang tích cực được triển khai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4 cũng đề xuất đưa thuốc vào mặt hàng Nhà nước định giá (trước đây, thuốc chỉ là mặt hàng kê khai giá). Luật Đấu thầu cũng được sửa đổi theo hướng công khai, minh bạch để cán bộ vận hành thuận tiện theo đúng quy định, không sợ sai. Hiện nay, các cơ quan hữu quan đang bàn xây dựng luật về trang thiết bị y tế. Quốc hội đang giao Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Quốc hội quyết định việc có triển khai tiếp hay không sau khi Nghị quyết hết hiệu lực. Có thể một số nội dung sẽ tiếp tục được gia hạn, nhất là các nội dung chính sách để bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhân dân.

Cung cấp thông tin về vấn đề này tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngày 05/8/2022, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp 03 gói thầu  thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia giai đoạn 2022-2023 để kịp thời cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế với tổng giá trị trúng thầu là 6.292 tỷ đồng, tỷ lệ giảm giá là 17,52% (tương đương với 1.337 tỷ đồng) so với giá kế hoạch. Kết quả đấu thầu lần này góp phần giảm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương thời gian qua khiến người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, việc công bố kết quả đấu thầu lần này có tác động tích cực đến tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị được giao chủ động tự đấu thầu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, đối với tháo gỡ khó khăn liên quan đến đấu thầu tại các bệnh viện, hiện Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực cũng như hiệu quả của công tác mua sắm, đấu thầu, đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế, nhất là đối với các thuốc hiếm. Đẩy nhanh tiến độ các gói thầu đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cũng như danh mục thuốc đàm phán giá.

Bộ Y tế cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế công tác quản lý trang thiết bị y tế và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Dược, nghiên cứu để đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết điều trị các bệnh hiếm gặp, để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị tại các cơ sở y tế, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp dược trong nước sản xuất thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc để theo dõi nguồn cung của thuốc, qua đó có căn cứ để điều tiết kịp thời việc nhập khẩu, kinh doanh thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho quá trình điều trị. Tăng cường hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thuốc có cùng hoạt chất, có tác dụng tương đương để điều trị. Ngoài ra trong thời gian qua, Bộ cũng đã phối hợp để tăng cường kiểm tra, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra để thúc đẩy mua sắm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, qua đó hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt hơn công tác mua sắm, đấu thầu.

Trước đó, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng, thực tế thời gian qua việc đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan luên quan làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế tập trung thời gian qua có những vấn đề gì khiến việc tổ chức thực hiện khó khăn, khiến tình trạng khan hiếm thuốc vẫn diễn ra dù đã có những chỉ đạo quyết liệt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cân làm rõ nguyên nhân của tình trạng này để có cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy định pháp lý.

Giải trình vấn đề này tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết có nhiều nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế, trong đó có cả chủ quan, cả khách quan. Cụ thể, Bộ Y tế khi thầu tập trung phải mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp lại số liệu trên toàn quốc. Nguyên nhân thứ hai, sau dịch Covid-19 nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng cao (từ 40 tới 60%) nên dự tính, dự trù không sát, vượt nhu cầu so với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình dịch bệnh trên toàn thế giới có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng; có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu của một số đơn vị; một số đơn vị của Bộ Y tế quá tập trung vào công tác phòng, chống dịch, trong khi Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi đó việc thì nhiều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn

Ngoài ra, có bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đấu thầu về việc đàm phán giá, đó là vừa phải thực hiện quy trình theo đúng thầu thông thường thì lại phải thêm một quy trình trong đàm phán nữa. Như vậy, vô hình trung sẽ kéo dài thời gian trong việc đàm phán giá. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc vừa qua, Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm mua sắm tập trung đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; với thuốc biệt dược đã đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược, còn lại 46 thuốc dự kiến trong tháng 9 và tháng 10 tới sẽ hoàn thiện. Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa thông tư, đặc biệt Thông tư 15, theo đó cũng phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới, đồng thời thu nhỏ danh mục, thay vì 106 thuốc thì tới đây chỉ tập trung vào vài chủng loại, còn lại có thể phân cấp cấp dưới.

Quan tâm đến thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều bệnh viện hiện nay, TS.Nguyễn Huy Quang, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng cơ chế pháp lý của chúng ta đang còn những tồn tại, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Một phần do hiện nay đang khởi tố rất nhiều vụ án nên dẫn đến có tâm lý e ngại trong đấu thầu. Về phía các doanh nghiệp cung ứng hiện nay không tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận, do giá thuốc tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu giá lại thấp hơn.

Theo TS.Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Đấu thầu quốc gia, việc thiếu thuốc, vật tư y tế không phải vấn đề mới mà từ rất lâu nhưng tình trạng thiếu ở mức độ nào, thiếu ra sao cần phải có số liệu cụ thể mới có giải pháp khắc phục. Thực tế cho thấy cũng có những danh mục thuốc thừa. Ví dụ trong đấu thầu thuốc quốc gia, các đơn vị khi lập kế hoạch phải cam kết dùng 80% nhưng có những thuốc nhu cầu sử dụng chỉ 20%. Vừa qua, Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc cung ứng thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 5/9/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Nội dung Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, trước bối cảnh dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác mới phát sinh, có diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh. Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc quyền; Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Minh Hùng