TĂNG LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH, ƯU TIÊN KIỂM SOÁT LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ

02/10/2022

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc mức lãi suất hợp lý trong cả ngắn và dài hạn, vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa trước nhiều biến động. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành so với trước đây

ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CÁC CHÍNH SÁCH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Chia sẻ tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đoàn Thái Sơn cho biết, 9 tháng qua nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá hàng hóa cũng như lạm phát ở nhiều quốc gia tăng rất cao và trong thời gian gần đây FED – Ngân hàng Trung ương Mỹ đã liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát.

Trong bối cảnh đó, để đối phó với lạm phát và giảm bớt tác động từ bên ngoài, Ngân hàng Trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành. Tính từ đầu năm 2022, có 262 lượt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước. Điều này cho thấy cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra rất quyết liệt và Ngân hàng Trung ương các nước rất kiên quyết để thực hiện nhiệm vụ này.

Về phía chúng ta, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đoàn Thái Sơn

Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này. Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Fed, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, theo Quyết định số 1606/QĐ-NHNN quy định về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài: lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Theo Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường. Như vậy, sau 2 năm giữ nguyên lãi suất điều hành (thực hiện theo các Quyết định số 1728/QĐ-NHNN và Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Thống đốc NHNN), NHNN đã chính thức tăng lãi suất điều hành.

Động thái này của NHNN đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất lần thứ năm trong năm 2022 và là lần tăng thứ ba liên tiếp với mức tăng mỗi lần là 0,75 điểm phần trăm. Dự kiến đến cuối năm 2022, FED sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023. Theo đánh giá của NHNN, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của FED gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Mục tiêu của việc này là bảo đảm ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Về giải pháp bình ổn lãi suất cho vay những tháng cuối năm, Phó Thống đốc NHNN cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo về mặt nguyên tắc, NHNN khi điều chỉnh lãi suất này cũng đã tính đến mục tiêu này. Do đó, trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng các tổ chức tín dụng (TCTD) cần nghiên cứu đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Một số giải pháp khác được NHNN đặt ra trong điều hành chính tiền tệ trong thời gian tới là tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, theo dõi điều hành tỷ giá ổn định và can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Trong nước, tình hình giá cả xăng dầu, vật tư xây dựng…tuy đã được kiểm soát, song vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp. Tác động vòng 2 của chi phí đẩy do giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng gây áp lực lên lạm phát. Trong bối cảnh này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Cơ quan quản lý ngành ngân hàng vẫn sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro; điều hành tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Trước đó, chia sẻ quan điểm về vấn đề này tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, kết quả của lựa chọn chính xác này là khi tình hình quốc tế có biến động mạnh, tình hình tài khóa của nước ta vẫn vững vàng, thu ngân sách tám tháng đầu năm tăng cao, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện nới tài khóa, cẩn thận và linh hoạt với chính sách tiền tệ.

TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM

Về chính sách tiền tệ, TS.Võ Trí Thành cho rằng con số 14% là hợp lý về cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Nếu nới lỏng hơn thì áp lực lên tỷ giá còn lớn, gây áp lực lên lãi suất, tạo nguy cơ chảy máu vốn. Tăng tín dụng của Việt Nam lên 14% không phải quá nới lỏng, nhưng cũng không phải thắt chặt, tỷ lệ tín dụng trên GDP là 124%, mức rất rủi ro, nhưng các hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng vốn để đảm bảo an toàn. Đó sẽ là cơ sở để tính toán mức tăng tín dụng hợp lý. TS.Võ Trí Thành cho rằng cần vận dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nữa, tập trung vào sản xuất kinh doanh, hạn chế các lĩnh vực rủi ro, kiểm soát chặt chẽ phần đầu tư cho trung, dài hạn, để bổ sung cho một số lĩnh vực kinh doanh phù hợp tùy theo chu kỳ kinh doanh của ngành.

Bình luận về những giải pháp kiềm chế lạm phát, TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam khẳng định, tình hình lạm phát toàn cầu là một hiện tượng phổ biến. Thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao; làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Sau đại dịch Covid-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải: giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng. Bên cạnh đó, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên. Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng, TS.Trương Văn Phước khuyến nghị lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất.

Về tỷ giá, TS.Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là “phòng tuyến sông Cầu”, nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6 và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. TS. Trương Văn Phước cho rằng, sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

Minh Hùng