LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) PHẢI XÁC ĐỊNH ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA ĐẤT SÁT VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG
Quang cảnh Hội thảo.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, đại diện Trường đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khách quan, cụ thể và đầy đủ các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến đấu thầu dự án đã, đang bộc lộ sự bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn để đưa vào sửa đổi trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 sửa đổi vì, hiện tại Dự thảo mới chỉ quy định về các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất, còn các nội dung cụ thể sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết.
Bà Nguyễn Thị Nga phân tích, theo quy định tại Điều 20, Điều 22 Luật Đấu thầu 2013, hình thức lựa chọn đầu tư đối với dự án có sử dụng đất bao gồm: Hình thức chỉ định thầu (chỉ định nhà đầu tư); Hình thức đấu thầu rộng rãi.
Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013, mọi dự án đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nếu thuộc trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện thì áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Trong khi tại Điều 10 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 quy định khi lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất thì chỉ áp dụng hình thức chỉ định thầu nếu “Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn”.
Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tuân thủ theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Như vậy, với trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là, nếu áp dụng theo Luật Đấu thầu 2013 thì sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ định thầu mà không đấu thầu rộng rãi.
Đây sẽ là một kẽ hở của pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư là “sân sau” của mình. Cụ thể, các tiêu chí quá cao hoặc không cần thiết sẽ bị lồng vào để hạn chế nhà thầu tham dự; việc cài cắm các tiêu chí này cũng có thể nhằm tới ưu thế của một doanh nghiệp nào đó đã được định sẵn và loại bỏ các doanh nghiệp khác vốn rất có năng lực. Đồng thời, quy định này vô hình chung tạo cho các đối tượng áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.
Điều này mang lại lợi ích nhóm cho nhà đầu tư nhưng hệ quả để lại làm biến tướng, méo mó tính ưu việt của hoạt động đấu thầu, gây thất thoát rất lớn cho Ngân sách nhà nước.
Trường hợp, nếu áp dụng Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ khi chỉ có một nhà đầu tư đăng ký đủ điều kiện đăng ký đấu thầu dự án có sử dụng để lựa chọn nhà đầu tư thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan. Do vậy, sẽ không có nhà đầu tư trúng thầu, nhà đầu tư sẽ không được áp dụng trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Để được giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Việc phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất để thực hiện dự án.
Điều này khiến nhà đầu tư sẽ phải tìm cách để tiếp cận đất đai dễ dàng hơn, các hành vi “thông đồng”, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu sẽ phổ biến hơn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tham ô, tham nhũng vì lợi ích nhóm, có nguy cơ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Đó là chưa kể, sau khi trúng thầu, nhà đầu tư sẽ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo trình tự, thủ tục được quy định.
Giá đất trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất hiện chưa có quy định riêng mà thực hiện theo giá đất Nhà nước, cụ thể là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trúng thầu xác định.
Điều này đã loại bỏ đi tính thị trường trong việc xác định nghĩa vụ tài chính cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án nhà ở, công trình thương mại, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư khi bản thân khâu xác định giá đất cụ thể hiện nay còn tiềm ẩn rất lớn lợi ích nhóm, chưa phù hợp với giá thị trường.