THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI): XÁC ĐỊNH LUẬT GIÁ LÀ LUẬT GỐC VỀ QUẢN LÝ GIÁ

06/10/2022

Tại phiên chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo kết luận số1479/TB-TTKQH về nội dung này.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022

Thông báo kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị dự án Luật Giá (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách được đầu tư, xây dựng kỹ lưỡng, cụ thể, rõ ràng. Để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một số nội dung.

Một là, Dự thảo luật cần quán triệt, thể chế hóa đầy đủ các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự quản lý, điều tiết của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh về giá, tôn trọng quyền tự định đoạt về giá, quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường. Xác định Luật Giá là luật gốc về quản lý giá, quy định nguyên tắc căn bản trong quản lý nhà nước về giá; quy định mức độ, biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước.

Hai là,  Báo cáo tổng kết thực hiện Luật cần có tính thuyết phục, nhận định cần đầy đủ căn cứ, cơ sở pháp lý để đề xuất các nội dung nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa nhận định và sửa đổi, bổ sung. Đánh giá căn cơ các nội dung quản lý về giá hiện hành để làm rõ những bất cập, hạn chế và nguyên nhân; nêu rõ cơ sở hoàn thiện các chính sách trong Dự thảo Luật; đảm bảo việc quản lý giá vừa chặt chẽ, hiệu quả, vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt trong nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Nhà nước.

Ba là, Rà soát, đánh giá kỹ tác động của từng chính sách sửa đổi, bổ sung, đảm bảo hiệu quả, khả thi, không gây khó khăn, vướng mắc, tạo kẽ hở, khoảng trống pháp luật trong quản lý giá. Đồng thời, đảm bảo việc quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá để khắc phục hạn chế, tiêu cực của thị trường với biện pháp phù hợp, chủ yếu bằng biện pháp gián tiếp vĩ mô, phù hợp với các cam kết quốc tế, bảo đảm bao quát, thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá, thực hiện thi hành luật. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện luật phù hợp với các Hiệp định Việt Nam đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Rà soát lại Dự thảo Luật để bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, những quy định về thẩm quyền đã được nêu tại Luật khác thì không quy định tại Luật này để bảo đảm không trùng lặp, không cứng nhắc, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại phiên họp

Bốn là, về các quy định về phân cấp: Luật Giá hiện hành đã có bước tiến lớn về phân cấp, phân quyền và quản lý Nhà nước, vì vậy cần đánh giá kỹ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện thời gian qua, trong đó cần làm rõ vướng mắc do quy định của luật hay do tổ chức thực hiện để đề xuất cụ thể những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Đối với việc thay đổi thẩm quyền so với luật hiện hành, cần đánh giá kỹ tác động, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, tính tích cực và tác động tiêu cực khi thay đổi; bảo đảm thuyết phục, khả thi của phương án thay đổi, nhất là các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ. Việc phân cấp thẩm quyền phải đảm bảo tính thống nhất, tương thích với phạm vi điều chỉnh của Luật, giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho việc điều hành giá, song phải chặt chẽ, đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cách thức quy định của các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan, bảo đảm xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương; không chỉ tập trung vào phân cấp, thông thoáng về thủ tục mà xem nhẹ kiểm tra, kiểm soát.

Năm là, về các quy định về bình ổn giá: Cần cân nhắc cẩn trọng, quy định cụ thể các mặt hàng Nhà nước bình ổn giá tại Dự thảo Luật. Đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về các danh mục, tiêu chí xác định các danh mục, biện pháp, trách nhiệm, thẩm quyền quy định và điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Cần có cơ chế xử lý khi áp dụng biện pháp bình ổn giá trong từng trường hợp; trường hợp khẩn cấp cần lưu ý các biện pháp chủ yếu để bình ổn giá là điều hòa cung cầu, điều hòa sản xuất trong nước, nhập khẩu, xuất khẩu, tổ chức lưu thông hàng hóa, áp dụng các giải pháp tài chính, tiền tệ; đánh giá cụ thể những vướng mắc, tồn tại do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính linh hoạt.

Việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trường hợp giữ Quỹ cần cân nhắc theo hướng quy định việc thành lập Quỹ là biện pháp bình ổn giá bổ sung, không phổ biến. Chỉ thành lập Quỹ trong trường hợp bất khả kháng và cần quy định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập Quỹ; việc thành lập Quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể Quỹ khi hoàn thành mục tiêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận tại phiên họp

Sáu là, về các quy định về định giá: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải quy định ngay trong Luật; trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định; giữa hai kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phương pháp định giá. Các quy định cần cụ thể, tránh cách hiểu khác nhau hoặc chung chung dẫn đến việc áp dụng tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, không tạo lỗ hổng trong quản lý và phòng, tránh tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, tham nhũng trong hoạt động quản lý giá, nhưng không gây ách tắc hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Cần đánh giá kỹ đối với các mặt hàng chuyển từ phí sang giá, trong đó có các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá.

 Bảy là, hoàn thiện các quy định về phạm vi hiệp thương, tổ chức hiệp thương giá, thực hiện kê khai giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, trường hợp phải kiểm tra yếu tố hình thành giá, thẩm định giá, dịch vụ thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá, thẩm định giá của Nhà nước, Hội đồng thẩm định giá, trường hợp thẩm định giá của nhà nước, giá trị và pháp lý của chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá. Rà soát kỹ từng điều khoản của luật để đảm bảo rõ ràng, cụ thể, khả thi khi áp dụng và đảm bảo tính thống nhất của các điều khoản trong Dự thảo Luật. Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất các quy định trong các văn bản dưới luật đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, đảm bảo hiệu lực thi hành ngay của Luật.

Tám là, cần nêu rõ trong Tờ trình đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau,  có thuyết minh, giải trình và lựa chọn phương án đề xuất cụ thể. Tiếp tục rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các lĩnh vực đặc thù có các quy định cụ thể về quản lý giá được điều chỉnh bởi các luật khác; cần có quy định dẫn chiếu cụ thể và rà soát kỹ các quy định áp dụng luật, điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung trong Dự thảo Luật các trường hợp ngoại lệ (như về thời hiệu của các quy định quản lý về giá để đảm bảo tính cấp thiết).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để khẩn trương hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Bảo Yến

Các bài viết khác