THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: QUY ĐỊNH RÕ RÀNG, CỤ THỂ CƠ CHẾ CHỈ ĐẠO, CHỈ HUY PHÒNG THỦ DÂN SỰ THEO HƯỚNG TẬP TRUNG, THỐNG NHẤT

06/10/2022

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có thông báo kết luận số 1506/TB-TTKQH về nôi dung này.

NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG, LÀM RÕ CÁC QUY ĐỊNH CÓ TÍNH ĐẶC THÙ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG THỦ DÂN SỰ

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN (LẦN 2) DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thông báo kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự án Luật đã được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Thông báo số 1357/TB-TTKQH ngày 19/8/2022, kịp thời thể chế Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm tra sơ bộ dự án Luật khách quan, toàn diện, chặt chẽ và đúng quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và nội dung Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Quốc phòng; đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật bước đầu được chỉnh lý theo hướng quy định những vấn đề chung nhất và những nội dung chưa được quy định trong các luật chuyên ngành về phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, dự thảo Luật còn có một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo, thiếu thống nhất, khó phân định với quy định của pháp luật có liên quan. Để bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề:

Một là, nghiên cứu, thể chế đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định những nguyên tắc, vấn đề chung nhất, những nội dung đặc thù và những nội dung còn thiếu trong hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự; luật hóa các quy định liên quan đến phòng thủ dân sự trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm là khả thi, hiệu quả.

Hai là, xây dựng các nguyên tắc phòng thủ dân sự bao quát và thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng và các luật khác có liên quan; hoàn thiện khái niệm “Phòng thủ dân sự”; làm rõ và quy định cụ thể về thảm họa, sự cố, các dạng thảm họa, sự cố cho phù hợp, bao quát, dễ hiểu, thống nhất với pháp luật có liên quan; rà soát quy định về đánh giá mức độ rủi ro thảm họa, sự cố; các căn cứ, tiêu chí xác định cấp độ phòng thủ dân sự; thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự để không chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi; bổ sung đánh giá tác động đối với một số quy định mới được bổ sung trong dự thảo Luật, nhất là tác động về tổ chức, về nguồn lực, kinh phí, ngân sách.

Ba là, tiếp tục làm rõ và quy định cụ thể cơ chế chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự theo hướng gọn, tập trung, thống nhất, nhưng rõ cơ quan đầu mối, phát huy được vai trò của người đứng đầu chính quyền, các cơ quan; bảo đảm vai trò tham mưu, chủ trì của các cơ quan đầu mối phụ trách chuyên môn, chuyên ngành; đồng thời có sự phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng; không làm thay, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự. Tiếp tục hoàn chỉnh quy định về lực lượng phòng thủ dân sự, làm rõ vai trò của từng lực lượng gắn với cơ chế “4 tại chỗ” nhưng cần tăng cường cơ chế phối hợp, phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong những tình huống cụ thể.

Bốn là, làm rõ quy định về tổ chức quỹ phòng thủ dân sự, bảo đảm hoạt động không chồng chéo, có hiệu quả và phù hợp với quy định của pháp luật; nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các chính sách đầu tư nguồn lực để xây dựng các lực lượng chuyên trách, trang bị phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng thủ dân sự trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Bảo Yến

Các bài viết khác