DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): BỔ SUNG, HOÀN THIỆN NHIỀU QUY ĐỊNH MỚI TRÊN CƠ SỞ TIẾP THU TỐI ĐA Ý KIẾN CỦA UBTVQH

13/10/2022

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Để hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9. Đến nay, dự án Luật trình Quốc hội so với dự án Luật trước đó đã có nhiều bổ sung, thay đổi rõ nét.

THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI): TRÌNH QUỐC HỘI 2 PHƯƠNG ÁN TÊN GỌI CỦA LUẬT

UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ: SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT KỊP THỜI THỂ CHẾ HÓA CHỦ TRƯƠNG ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ TẬP THỂ

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây

Sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành

Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ngày 06 tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-TTg giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan, Chính phủ đã hoàn thiện Dự án Luật HTX (sửa đổi). Dự thảo dự án Luật trình Quốc hội gồm 12 Chương, 111 Điều  trong đó: bãi bỏ 03 Điều , sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật HTX năm 2012, bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật HTX hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc CMCN lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác, thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác mạnh; giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Phiên họp Chuyên đề Pháp luật Tháng 9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn tại Nghị quyết số 20-NQ/TW

Trên cơ sở Kết luận của UBTVQH, Chính phủ tiến hành rà soát, tiếp thu, giải trình các nội dung trọng tâm về: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, Tên dự luật sửa đổi; Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng;  tính thống nhất trong quy định của dự án Luật này với các luật khác có liên quan; Về tổ chức đại diện, về vai trò, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của hệ thống Liên minh HTX; …

Theo báo cáo của Chính phủ, nội dung dự thảo Luật về cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 08 nhóm chính sách được nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW. Chính phủ có Báo cáo rà soát việc thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW. Hiện nay chỉ còn hai vấn đề không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này nên không được đưa vào dự án Luật, cụ thể: (1) Chủ trương yêu cầu đánh giá đóng góp về mặt kinh tế, xã hội của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê nghiên cứu theo hướng đánh giá đầy đủ đóng góp của thành viên, tổ hợp tác (viết tắt là THT) vào tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tập thể. (2) Các nội dung liên quan đến xây dựng bộ máy, tổ chức quản lý nhà nước, kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia về kinh tế tập thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX; xem xét chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan ở các cấp để bảo đảm có hệ thống quản lý nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương có hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể hóa chính sách ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp

Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy Ban Kinh tế tại phiên họp thẩm tra, đưa Chương X về Chính sách phát triển của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (sau đây viết tắt là TCKTHT) lên Chương II để thể hiện sự ưu tiên, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các TCKTHT.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể nguồn vốn thực hiện chính sách (Điều 18), tiêu chí hỗ trợ (Điều 17); quy định miễn giảm thuế TNDN đối với TCKTHT khi tham gia liên kết với cá nhân, pháp nhân khác hình thành các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức vì mục tiêu phát triển bền vững theo quy định pháp luật về thuế (khoản 3 Điều 19); phí bảo hiểm xã hội cho người lao động (khoản 4 Điều 19); ưu tiên TCKTHT có nhiều thành viên là người dân tộc thiểu số (khoản 2 Điều 17); vay vốn ưu đãi (khoản 4 Điều 19); quy định Ủy ban nhân dân các cấp phải quan tâm bố trí để cho các TCKTHT tiếp cận được đất đai, tích tụ ruộng đất, huy động nguồn lực đất đai từ các thành viên (khoản 4 Điều 19).

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, dự thảo Luật đã quy định một số chính sách ưu tiên, như hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu, hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ giá thuê mặt bằng để làm nhà kho, cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được cụ thể hóa tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật các TCKTHT.

Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 02 phương án về tên dự Luật

Liên quan đến đề nghị trình Quốc hội 02 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến về tên dự luật sửa đổi, Chính phủ tiếp thu, tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 02 phương án tên Luật. Trên cơ sở đánh giá tác động, phân tích ưu nhược điểm 02 phương án, Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Về Tổ hợp tác, Dự thảo quy định 04 điều cơ bản (từ Điều 102 đến Điều 105) để định vị rõ địa vị pháp lý cho THT và làm căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về THT. Chính phủ đã rà soát, sửa đổi không hạn chế quyền thành lập, tham gia quản lý của người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi  phù hợp với Bộ luật Dân sự (điểm a khoản 1 Điều 104); điều kiện, thủ tục chuyển đổi thành HTX (Điều 105); bổ sung chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ THT thành HTX (khoản 9 Điều 19).

Về thành lập doanh nghiệp trong TCKTHT có tư cách pháp nhân: Dự thảo luật trình Quốc hội đã bổ sung quy định các TCKTHT có tư cách pháp nhân được thành lập doanh nghiệp theo loại hình là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần; quy định cụ thể 03 điều kiện để các TCKTHT có tư cách pháp nhân được thành lập doanh nghiệp (khoản 1, Điều 65); quy định về mối quan hệ của doanh nghiệp được thành lập với các TCKTHT có tư cách pháp nhân theo các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu các loại hình công ty này theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy khả năng liên kết sản xuất, huy động vốn và tiêu thụ sản phẩm cho các TCKTHT.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật

Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ đã tiếp thu, rà soát 256 Bộ luật, Luật, trong đó có 7 Luật  có liên quan và để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 111: “3. Các quy định dẫn chiếu đến Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hiệu lực thì tiếp tục áp dụng theo quy định của Luật này.”.

Dự thảo đã chỉnh lý một số quy định của dự thảo Luật về THT để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự; bổ sung làm rõ khái niệm hoạt động “tín dụng nội bộ” (Điều 4) khác với quy định về hoạt động tín dụng của ngân hàng tại Luật Các tổ chức tín dụng; quy định một số nguyên tắc cơ bản, đặc thù về chính sách thuế cho TCKTHT phù hợp pháp luật về thuế (Điều 19). Đã luật hóa tối đa các nội dung đã được áp dụng ổn định, thực tiễn kiểm nghiệm của văn bản dưới luật. Tuy nhiên, Dự thảo Luật quy định nhiều đối tượng mới (THT, liên đoàn), quy định nhiều nhóm chính sách hỗ trợ, bổ sung kiểm toán,... vì vậy để bảo đảm kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn bám sát với điều kiện thực tiễn, trong từng thời kỳ, các nội dung này và các vấn đề mang tính kỹ thuật như việc đặt tên, trình tự cụ thể,... của đăng ký kinh doanh cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Ngoài ra, Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi thuật ngữ “cơ cấu tổ chức” thành “mô hình quản trị”; quy định 02 mô hình quản trị (Chương IV), trong đó đều có Ban Kiểm soát hoặc Kiểm soát viên (Điều 50, Điều 56) được áp dụng cho tất cả các quy mô và loại hình HTX; sửa đổi quy định về người đại diện theo hướng Điều lệ tự quy định (Điều 41).

Giữ quy định về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực một số chức danh lãnh đạo TCKTHT

Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, giữ quy định (Điều 46) về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực một số chức danh lãnh đạo TCKTHT nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém về trình độ quản lý, điều hành của các tổ chức này hiện nay. Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định này tại văn bản dưới luật bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh gây khó khăn cho các TCKTHT trong quá trình thực hiện.

Chính phủ cũng đã tiếp thu, bổ sung quy định nội dung cơ bản về “tín dụng nội bộ” (khoản 31 Điều 4) để làm rõ nội hàm, phân biệt với hoạt động tín dụng của ngân hàng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và làm cơ sở Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, cách thức triển khai, nguyên tắc hoạt động, cơ quan hướng dẫn tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn sau này. Quy định này cũng tương tự như Luật HTX năm 2003, các Luật HTX năm 2003 và năm 2012 quy định nội dung cơ bản HTX được quyền hoạt động tín dụng nội bộ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 06/2004/TT-NHNN, Thông tư số 04/2007/TT-NHNN, Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN năm 2014 hướng dẫn chi tiết về hoạt động tín dụng nội bộ.

Không quy định về phân phối thu nhập đối với phần lợi nhuận từ giao dịch bên ngoài

Bên cạnh đó, Chính phủ đã tiếp thu, không quy định về phân phối thu nhập đối với phần lợi nhuận từ giao dịch bên ngoài (Điều 68), bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chỉ quy định đối với phân phối lợi nhuận của phần lợi nhuận từ giao dịch nội bộ theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ là chủ yếu, để bảo đảm giữ vững bản chất của TCKTHT (khoản 2 Điều 68).

Chính phủ cũng đã tiếp thu, sửa đổi làm rõ điều kiện các TCKTHT phải thực hiện trước khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài là “đáp ứng tối đa nhu cầu của thành viên đã đăng ký trước khi phục vụ khách hàng bên ngoài không phải là thành viên” (khoản 4 Điều 10) của dự thảo Luật.

Bổ sung quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về các TCKTHT tại địa phương

Về hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, phân định rõ và cụ thể cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương đối với các loại hình kinh tế tập thể, HTX để phân công nhiệm vụ quản lý, giám sát, chịu trách nhiệm về hoạt động của các tổ chức này, Chính phủ đã tiếp thu, bổ sung quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về các TCKTHT tại địa phương (khoản 1 Điều 109). Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tăng cường nguồn lực bảo đảm triển khai công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, ngày 20 tháng 9 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 năm 2022 và ngày 26 tháng 9 năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội thông báo Kết luận số 1483/TB-TTKQH của UBTVQH tại Phiên họp này về dự án Luật HTX (sửa đổi)./.

Lê Anh