THIẾU TÁ PHAN HỮU MẠNH: XÂY DỰNG LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ TẠO CƠ SỞ BẢO ĐẢM CUỘC SỐNG BÌNH YÊN CHO NHÂN DÂN

13/10/2022

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đang được các cơ quan chức năng triển khai, hoàn thiện, lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây. Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho rằng, đây là bộ luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ: LÀM RÕ CĂN CỨ XÂY DỰNG LUẬT VÀ BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1

Tại Khoản 1, Điều 13 Luật Quốc phòng nêu rõ: Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Như vậy, phòng thủ dân sự là một bộ phận hợp thành quan trọng trong các biện pháp phòng thủ quốc gia, được tiến hành cả thời bình và thời chiến. Nhiệm vụ của phòng thủ dân sự gồm nhiều nội dung; trong đó, tập trung vào: bảo vệ nhân dân, phòng, tránh tác động, tàn phá của các phương tiện chiến tranh; những tổn thất do thảm họa, thiên tai, dịch bệnh,… gây ra, bảo đảm cho đời sống nhân dân, nền kinh tế hoạt động ổn định, bền vững trong các tình huống đặc biệt; tiến hành cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thảm họa…

Với ý nghĩa quan trọng đó, trong những năm qua, công tác phòng thủ dân sự luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thể chế về công tác phòng thủ dân sự từng bước được hoàn thiện với việc ban hành một số đạo luật về ứng phó, khắc phục sự cố trong từng lĩnh vực, như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Bảo vệ môi trường… Tổ chức hoạt động ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn cơ bản được hoàn thiện từ cơ quan quản lý nhà nước đến các bộ, ngành, địa phương; lực lượng ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã từng bước được củng cố theo hướng chuyên môn hóa, xây dựng lực lượng chuyên trách gắn với tập huấn, bồi dưỡng lực lượng kiêm nhiệm; năng lực ứng phó sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn đã được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đáp ứng được một phần quan trọng về công tác phòng thủ dân sự.

Lấp khoảng trống pháp lý

Phóng viên: Thưa ông, hiện nay dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đang được các cơ quan chức năng triển khai, hoàn thiện và dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ông có đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự án Luật này?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1: Có thể nhận thấy, hoạt động phòng thủ dân sự ở nước ta thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được kết quả quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân ngày càng chủ động với hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã cuốn hút được nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào phòng thủ dân sự. Công tác xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự bước đầu đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành và phối hợp lực lượng khi có tình huống xảy ra. Lực lượng chuyên trách được quan tâm về tổ chức, trang bị cũng như nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng thủ dân sự còn có những hạn chế cần khắc phục. Năng lực dự báo, cảnh báo rủi ro, thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất... Công tác di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn còn chậm; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người hiệu quả chưa cao. Trang bị, phương tiện của lực lượng chuyên trách vẫn còn thiếu về chủng loại cũng nhưng số lượng so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh lực phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát dự báo, cảnh báo để ứng phó rủi ro, thiên tai, thảm họa chưa đồng đều ở các khâu và chưa tạo được đột phá trong công tác quản lý…

Có thể thấy, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua tồn tại một số hạn chế, như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; một số cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được với yêu cầu công tác phòng thủ dân sự; công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển, tính tổng thể, liên ngành, liên vùng; chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực thực hiện; công tác dự báo, cảnh báo mặc dù có nhiều bước tiến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, có lúc thiếu chính xác, không kịp thời, nhất là các loại hình thảm họa như lũ quét, sạt lở đất… nên gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo phòng chống và chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó. Hệ thống kết nối dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động thông tin phòng thủ dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết cấu hạ tầng một số công trình chưa gắn kết chặt chẽ với công trình, thiết bị phòng thủ dân sự. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ dân sự hoặc khi xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính lưỡng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng khi xảy ra các thảm họa, chiến tranh. Tổ chức quản lý nhà nước và phân công, phân cấp, phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự tinh, gọn, hiệu quả; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao…

Đặc biệt hiện nay, quy định về phòng thủ dân sự còn tản mác trong 75 văn bản quy phạm pháp luật, thiếu quy định chung nhất mang tính hệ thống từ giai đoạn phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Các đạo luật chuyên ngành cũng thiếu quy định về phân cấp, phân quyền; phân loại cấp độ rủi ro hay các biện pháp của Nhà nước nhằm ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả do chiến tranh, thiên tai, sự cố, thảm họa gây ra.

Hiện nay, công tác phòng thủ dân sự đã có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành như: Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29-3-2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 2/1/2019 về PTDS; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai... Các bộ luật như: Phòng, chống thiên tai; đê điều; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng cháy, chữa cháy... cũng mới chỉ dừng ở từng phạm vi, lĩnh vực cụ thể.

Trong khi đó trước đòi hỏi của thực tiễn, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và đời sống nhân dân như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các sự cố môi trường khó lường... có thể gây ra những thiệt hại lớn cho đất nước, nhân dân. Đặc biệt, trước sự xuất hiện của dịch Covid-19 (cuối năm 2019), nhanh chóng phát triển thành đại dịch - một trong những thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có trong lịch sử nhân loại nói chung, và Việt Nam nói riêng. Do đó, việc giảm nhẹ, khắc phục thảm họa do chiến tranh, công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo vệ nền kinh tế quốc dân là những vấn đề lớn.

Các trường hợp xảy ra thảm họa, sự cố hiện nay rất đa dạng, ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, để thực hiện tốt công tác PTDS, tôi cho rằng, cần phải điều động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc, đòi hỏi cơ chế vận hành phải được luật hóa. Việc xây dựng đạo luật về PTDS là rất cần thiết nhằm bổ khuyết vào những khoảng trống của pháp luật hiện hành, bao quát đầy đủ hơn về hoạt động PTDS, khắc phục sự phân tán, riêng lẻ của các văn bản luật và các văn bản dưới luật, bao quát các quy định pháp lý về PTDS nâng thành một đạo luật để áp dụng thống nhất; thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; hoàn thiện hành lang pháp lý tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra. Việc xây dựng Luật nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống thảm họa do thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; bảo vệ cho người dân, cơ quan, tổ chức, kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường…; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Tôi cho rằng, mục tiêu giảm nhẹ, khắc phục hậu quả của các sự cố, thảm họa và bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân là những vấn đề rất quan trọng bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân và tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong lĩnh vực phòng thủ dân sự rất cần được thể chế hóa thành văn bản luật, để nâng cao hiệu quả thực hiện trong lĩnh vực này.

Bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân

Phóng viên: Theo ông, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cần đảm bảo những yếu tố cơ bản nào?

Thiếu tá Phan Hữu Mạnh – Giảng viên Trường Sĩ quan Lục quân 1: Tôi cho rằng, quá trình xây dựng Luật Phòng thủ dân sự cần bảo đảm tạo được khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường. Đồng thời, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ phòng thủ dân sự; tăng cường tính chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức điều hành; bảo đảm các nguồn lực thực hiện; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về phòng thủ dân sự, đồng thời bổ sung những vấn đề mới để đáp ứng yêu cầu về phòng thủ dân sự; nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn về tổ chức và hoạt động phòng thủ dân sự của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, các quy định về phòng thủ dân sự phải đảm bảo hoạt động này được chuẩn bị từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố; thực hiện phương châm phòng là chính; chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời, tăng cường, củng cố năng lực phòng thủ dân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên…

Qua theo dõi tôi được biết, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 77 điều, được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và các cơ quan, tổ chức, địa phương. Theo dự thảo luật, chương 1 và chương 7 đề cập các quy định chung và điều khoản thi hành; chương 2 đề cập về hoạt động phòng thủ dân sự, chương 3 về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng phòng thủ dân sự; chương 4 quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; chương 5 về nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; chương 6 quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự. Các chương của dự thảo luật tập trung đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố do thiên tai và chiến tranh (nếu xảy ra), luật hóa việc phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố; quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự...

Theo đó, chương 2 quy định rõ hoạt động phòng thủ dân sự thông qua những vấn đề như: Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự; kế hoạch phòng thủ dân sự của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống công trình, trang bị phòng thủ dân sự; công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, diễn tập về phòng thủ dân sự... Với các quy định tại chương này, dự thảo luật nêu rõ yêu cầu hoạt động phòng thủ dân sự phải được các cấp tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, trong trạng thái bình thường cho đến khi có nguy cơ xảy ra và giai đoạn khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.

Với những quy định cụ thể về công tác phòng thủ dân sự, tôi cho rằng, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự nếu được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho triển khai các hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Để Luật này sau khi được ban hành có sức sống trong thực tiễn, tôi cho rằng các văn bản hướng dẫn, thông tư dưới luật cũng cần ra đời nhanh chóng, dễ hiểu, dễ áp dụng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương