KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ BÁO CÁO CÔNG TÁC NĂM 2022 CỦA TANDTC, VKSNDTC, CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, VI PHẠM PHÁP LUẬT
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo
Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022 tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong thời gian qua, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, tăng 8,3% ; số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận tăng nhiều (tăng 20,3%) và vượt chỉ tiêu của Quốc hội (vượt 3,6%).
Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận, đạt 80% và vượt 10% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, qua đó kịp thời phát hiện, kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật.
Tham gia thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với công tác điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm. Theo báo cáo, năm 2022, chưa để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tỷ lệ điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều giảm mạnh so với năm 2021 và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.
Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, các đại biểu cũng cho rằng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính vẫn còn hạn chế, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận tiếp tục giảm và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Tại một số Viện Kiểm sát địa phương, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ít phát hiện được vi phạm, mặc dù có các bản án hành chính sơ thẩm bị hủy, nhưng trong nhiều năm Viện Kiểm sát không có kháng nghị nào.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ rõ, trong công tác thi hành án hình sự vẫn còn một số Viện Kiểm sát nhân dân chưa kịp thời phát hiện vi phạm về quản lý người bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Trong thi hành án hành chính, một số Viện Kiểm sát nhân dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Vừa qua, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Chỉ thị số 05/CT-VKSND. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật là công tác trọng tâm, đột phá.
Theo quy định mới của pháp luật, toàn Ngành đã nỗ lực thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể là: các văn bản tố tụng của Tòa án được kiểm sát chặt chẽ từ khi nhận đơn khởi kiện; chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến rõ rệt; vi phạm, thiếu sót của Tòa án và các cơ quan, tổ chức có liên quan cơ bản được phát hiện kịp thời, chính xác; kháng nghị, kiến nghị tăng cả về số lượng và tỷ lệ được chấp nhận; chú trọng kiến nghị phòng ngừa; qua đó đã tạo được sự tin cậy đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và lòng tin của nhân dân...
Bên cạnh những chuyển biến tích cực nêu trên vẫn còn ở một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để có cơ sở giải quyết vụ, việc từ cấp sơ thẩm; chưa phát hiện hoặc phát hiện không chính xác vi phạm; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm còn thấp trong số bản án, quyết định bị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án, sửa án; vẫn còn kháng nghị phải rút hoặc không được chấp nhận...
Nguyên nhân chính là do vụ án hành chính, vụ việc dân sự ngày càng tăng và phức tạp hơn trong khi công tác kiểm sát này còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức cả về số lượng, chất lượng của đội ngũ Kiểm sát viên làm công tác này; công tác bồi dưỡng, phân công kèm cặp chưa tốt; quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với Tòa án chưa hiệu quả.
Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, biện pháp như: Quán triệt và chỉ đạo toàn thể Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định và quy chế nghiệp vụ của Ngành; khẳng định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự vẫn là công tác trọng tâm, chủ đạo của chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong thời gian tới.
Chỉ thị yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật; tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp để khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chất lượng khâu công tác này của Viện kiểm sát cấp mình.
Bên cạnh đó, cần lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên có bản lĩnh, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức bảo đảm đáp ứng được yêu cầu công việc, ổn định, có tính kế thừa. Chỉ luân chuyển, điều động Kiểm sát viên giỏi của khâu công tác này khi đã có nhân sự có năng lực tương đương thay thế; Kiểm sát viên giỏi, có nguyện vọng được gắn bó lâu dài với công tác này thì xem xét chưa luân chuyển, điều động. Trường hợp điều kiện, tiêu chuẩn tương đương thì ưu tiên chọn Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát án hành chính, dân sự để quy hoạch, bổ nhiệm. Từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi trong công tác này ở Viện kiểm sát các cấp.
Chỉ thị nêu rõ, cần tiếp tục sắp xếp bộ máy kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hướng đến tổ chức bộ máy chuyên sâu theo loại án ở những nơi có số lượng án nhiều và đủ nhân lực. Kiểm sát viên, công chức nắm chắc quy định của pháp luật, của Ngành liên quan đến công tác, áp dụng đầy đủ, chính xác trong những vụ, việc mình đang giải quyết. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, có tinh thần vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi Kiểm sát viên, công chức không những phải làm tốt công việc của mình mà còn có trách nhiệm góp phần đào tạo cán bộ trẻ, kế cận.
Ngoài ra, cần bảo đảm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đánh giá kết quả công tác theo yêu cầu của Quốc hội và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chỉ tiêu nào không đạt phải báo cáo rõ lý do và có biện pháp khắc phục ngay; việc thực hiện chỉ tiêu phải thực chất, tránh hình thức. Quá trình thực hiện nhiệm vụ và khi áp dụng pháp luật phải đặt lợi ích của Nhà nước, của nhân dân lên trên hết, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất.