PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC TRẦN THỊ HOA RY: CÁC VĂN BẢN ĐÃ BAN HÀNH XUẤT PHÁT TỪ THỰC TIỄN VÙNG ĐỒNG BÀO DTTSMN, NHẤT LÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẤP THIẾT, BỨC XÚC CỦA ĐỒNG BÀO

19/10/2022

Báo cáo Kết quả công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023 của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, các văn bản mà Thường trực HĐDT ban hành đã bám sát các chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và xuất phát từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là những vấn đề cấp thiết, bức xúc của đồng bào. Đồng thời chất lượng văn bản được nâng lên, có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cho UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, đơn vị liên quan.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ VÀ PHÁT BIỂU CHỈ ĐẠO PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 5 CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC

Các văn bản được ban hành đã bám sát chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và xuất phát từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS&MN

Báo cáo Kết quả công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023 của Hội đồng Dân tộc tại Phiên họp toàn thể lần thứ 5 mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, năm 2022 mặc dù tình hình Covid diễn biến phức tạp, khối lượng công việc lớn, tuy nhiên cùng với tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng của các thành viên đã giúp HĐDT cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, UBTVQH và các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội, UBTVQH về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Thường trực HĐDT đã ban hành các văn bản bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân tộc và xuất phát từ thực tiễn vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là những vấn đề cấp thiết, bức xúc của đồng bào; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy trí tuệ tập thể, vai trò cá nhân các đồng chí Thường trực HĐDT và năng lực tham mưu của công chức Vụ Dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nhấn mạnh, chất lượng văn bản được nâng lên, có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cho UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, đơn vị liên quan, nổi bật là: triển khai nghiêm túc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, HĐDT và chuẩn bị cho các kỳ họp Quốc hội khóa XV; chuẩn bị các nội dung liên quan trình các phiên họp của UBTVQH; xây dựng dự thảo kế hoạch, đề cương phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội đối với 03 CTMTQG trọng tâm là CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030; thẩm tra, tham gia ý kiến các dự án luật, các CTMTQG, các văn bản do các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ gửi đến lấy ý kiến; hoàn thành 02 chuyên đề giám sát, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN.

Các thành viên HĐDT chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động của HĐDT, nhất là các phiên họp của HĐDT; tham gia đầy đủ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, dự kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân tại các địa phương…góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐDT.

Vẫn còn một số hạn chế trong công tác của HĐDT

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cũng chỉ rõ một số hạn chế trong công tác của Hội đồng Dân tộc như một số thành viên chưa tham gia đầy đủ các phiên họp toàn thể, các hội nghị của HĐDT; Việc gửi tài liệu, công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Hội đồng đến các thành viên của HĐDT và đến các đại biểu Quốc hội nói chung tuy đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; Chất lượng một số hoạt động, nội dung một số báo cáo, văn bản góp ý chưa sâu, toàn diện.

Chỉ ra nguyên nhân của một số hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho rằng, trong 3-4 tháng đầu năm, do bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội của đất nước, hoạt động của cả hệ thống chính trị phải thay đổi, thích ứng, nhất là việc tổ chức hội nghị, họp trực tuyến, thông tin qua mạng…, do đó công tác tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết còn bị động do hồ sơ tài liệu gửi đến HĐDT còn chậm và thời gian yêu cầu hoàn thành gấp.

Nhiều thành viên HĐDT mới tham gia Quốc hội lần đầu, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên việc nghiên cứu, tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội, HĐDT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời; một số hoạt động của HĐDT tổ chức trùng với lịch công tác ở địa phương của thành viên HĐDT hoặc khó khăn về điều kiện đảm bảo hoạt động.

Năng lực tham mưu, giúp việc của một số công chức của Vụ Dân tộc tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng có từng việc, từng lúc chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chất lượng còn hạn chế do số lượng biên chế của Vụ giảm nhưng việc tuyển dụng chậm, không kịp thời đã làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, phục vụ.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022

Đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị cần tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội; kết luận của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH (hoàn thành thủ tục hồ sơ “Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của HĐDT”, trình HĐDT xem xét thông qua và tổ chức triển khai thực hiện).

Chủ động tiếp cận tài liệu, nghiên cứu nội dung các dự án Luật đã được thông qua để nâng cao chất lượng báo cáo tham gia thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; Tập trung nghiên cứu để nâng cao chất lượng các báo cáo tham gia thẩm tra, nhất là những dự án luật quan trọng: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)…phục vụ cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội đồng Dân tộc.

Cùng với đó, hoàn thiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2016 - 2021” gửi UBTVQH, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV.

Về hoạt động hợp tác với Unicef và Bộ Giáo dục Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, tiếp tục tiến hành khảo sát tình hình triển khai thực hiện một số chính sách giáo dục đào tạo trên địa bàn vùng DTTS, MN (6 tỉnh).

Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của HĐDT

Thời gian tới, đối với công tác lập pháp, HĐDT sẽ tập trung triển khai Kế hoạch 208/KH-HĐDT15 ngày 20/12/2021 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của UBTVQH. Đồng thời nghiên cứu, tham gia ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành gửi lấy ý kiến.

Đối với công tác giám sát, khảo sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, Đại diện Thường trực HĐDT tiếp tục tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH; Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc theo chỉ đạo của UBTVQH. Đồng thời tập trung triển khai các nhiệm vụ để chủ trì giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện 3 CTMTQG, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” (phục vụ xây dựng luật Khám bệnh, chữa bệnh). Khảo sát đơn thư khiếu kiện đông người, vấn đề nổi cộm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tham mưu Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, HĐDT chủ trì thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, trước khi trình Quốc hội. Phối hợp thẩm tra kinh tế - xã hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024; tình hình dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, phương hướng phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (đối với vùng DTTS & MN).

Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức các hoạt động liên quan triển khai Kết luận của UBTVQH về phân định miền núi, vùng cao (xây dựng kế hoạch; nghiên cứu xây dựng tiêu chí; khảo sát, rà soát phân định; xây dựng báo cáo rà soát, kiến nghị điều chỉnh pháp luật, chính sách liên quan đến phân định miền núi, vùng cao).

Ngoài ra, nghiên cứu rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến các xã, huyện biên giới đất liền - gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng./.

Bích Ngọc