HỘI THẢO THỂ CHẾ GIÁM SÁT THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

25/10/2022

Sáng 25/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Thế chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay: Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ KINH TẾ TUẦN HOÀN

HỘI THẢO QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TỪ THIỆN NHÂN ĐẠO Ở VIỆT NAM

TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, hệ thống tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng được mở rộng và phát triển với nhiều tiện ích, đáp ứng yêu cầu của cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính đồng nghĩa với việc xuất hiện và gia tăng các rủi ro. Các định chế tài chính sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Điều này, đòi hỏi hệ thống tài chính phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý để tránh các nguy cơ đổ vỡ, đảm bảo sự an toàn lành mạnh cho hệ thống và từng định chế tài chính.

TS. Lê Hải Đường cho biết, giám sát thị trường tài chính nhằm mục tiêu bảo đảm sự ổn định, vận hành thông suốt của hệ thống tài chính và nền kinh tế; bảo đảm sự lành mạnh và an toàn của các thể chế tài chính. Đồng thời, bảo đảm đạo đức kinh doanh thị trường, tính liêm chính của thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Trên cơ sở 3 mục tiêu đó, trên thế giới đã tồn tại 4 mô hình giám sát thị trường tài chính: Mô hình hệ thống giám sát theo thể chế; mô hình hệ thống giám sát theo chức năng; mô hình giám sát lưỡng đỉnh và mô hình giám sát tài chính hợp nhất. “Việc lựa chọn mô hình giám sát phụ thuộc vào đặc thù, mức độ phát triển của thị trường tài chính, cấu trúc thị trường tài chính hiện có và tổng thể lợi ích quốc gia. Trên thế giới, xu hướng những năm gần đây ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Mô hình này đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia”, TS. Lê Hải Đường lưu ý.

Toàn cảnh Hội thảo

TS. Lê Hải Đường cũng cho biết, Việt Nam hiện đang giám sát hệ thống tài chính theo mô hình thể chế, mỗi cơ quan quản lý phụ trách giám sát một lĩnh vực riêng biệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính là hai cơ quan chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp 3 khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giám sát hoạt động ngân hàng (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giám sát thị trường bảo hiểm (thông qua Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm) và thị trường chứng khoán (thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thực hiện chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có vai trò hỗ trợ, báo cáo các vi phạm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cho cơ quan giám sát lĩnh vực ngân hàng.

Với mô hình trên, phần lớn các cơ quan giám sát chuyên ngành vừa thực hiện chức năng cấp phép, xây dựng cơ chế, chính sách, vừa thực hiện chức năng hướng dẫn, triển khai thực hiện cơ chế chính sách; vừa thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các chủ thể trên thị trường. Đánh giá tổng thể, hệ thống giám sát này đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nếu phân tích từng bộ phận của thị trường thì hoạt động giám sát ở Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Mô hình giám sát thị trường tài chính của Việt Nam chưa thể hiện rõ cấu trúc cụ thể; Thể chế, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát tài chính còn chưa đồng bộ, chưa phân định rõ ràng về quyền hạn và chức năng xử lý của từng bộ phận; Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan giám sát còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; Nhân lực và công nghệ cần thiết cho hoạt động giám sát còn hạn chế;… Thực tiễn này đặt ra yêu cầu nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật cũng như xây dựng mô hình giám sát thị trường tài chính phù hợp ở Việt Nam là rất cần thiết.

Tại hội thảo các chuyên gia đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận chung về thể chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam; thảo luận về thể chế giám sát thị trường tài chính một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam; thực trạng mô hình thể chế giám sát tài chính của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực tiễn giám sát thị trường tài chính ở từng lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; xác định rõ những vấn đề đặt ra hiện nay; … các chuyên gia đã đề xuất phương hướng và các giải pháp hoàn thiện thể chế giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam hiện nay./.

Lan Anh