KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nội dung về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu cũng như cử tri, nhân dân. Đóng góp ý kiến về việc hoạch định chính sách kinh tế thích ứng với tình hình mới, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu cho biết, thế giới đang chuyển biến nhanh với nhiều rủi ro, thách thức ngày càng gia tăng. Bên cạnh một số cơ hội, bối cảnh quốc tế mới đòi hỏi các nền kinh tế đang phát triển, mà Việt Nam là một trong số đó, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp mang tính dài hơi, nhưng phải thực hiện nhanh hơn, hiệu quả và thực chất hơn.
Cụ thể, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần được đẩy nhanh và thực hiện thực chất hơn nữa trên cơ sở cần kiên định trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường đích thực, làm nền tảng cho sự phát triển năng lực sản xuất của đất nước cũng như phân bổ nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế; củng cố và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhất quán theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức một số vấn đề về cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về thể chế kinh tế thị trường, phân bổ nguồn lực thông qua thị trường các nhân tố sản xuất, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân,… nhằm quán triệt xuyên suốt và nhất quán trong chỉ đạo, điều hành ở trung ương và địa phương các định hướng ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Các đại biểu cũng cho rằng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần hướng tới giúp nền kinh tế trở nên năng động hơn, cần tăng cường hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển dựa trên cơ chế thị trường, tạo đủ điều kiện cơ bản đẻ thị trường có thể vận hành lành mạnh, minh bạch, thông suốt.
Thêm vào đó, cần kịp thời thể chế hóa đầy đủ vào hệ thống pháp luật kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; sửa đổi, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan gây khó khăn, cản trở việc triển khai một số hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng cơ chế điều phối, kiểm tra, giám sát đủ mạnh, đủ hiệu lực từ trung ương đến địa phương trên cơ sở các mục tiêu được lượng hóa cụ thể theo ngành, lĩnh vực,… để quá trình này được tổ chức thực hiện một cách thực chất, hiệu quả và đồng bộ.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cần nâng cao hiệu quả, vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Nhà nước trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; trong đó Nhà nước cần làm tốt vai trò là nhà nước kiến tạo với đặc trưng này là bộ máy phục vụ phát triển; có sự thay đổi căn bản vị trí và vai trò trong mối quan hệ giữa nhà nước với các chủ thể phát triển của xã hội theo hướng nhà nước bổ sung, đồng hành cùng thị trường, làm cho thị trường phát triển đầy đủ, toàn diện và cạnh tranh hơn.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Một nhiệm vụ đặt ra là cần phải hoàn thiện các cơ chế để nâng cao vai trò trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của người đứng đầu trong việc chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu cải cách những lĩnh vực then chốt mang tính nền tảng; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới. Tùy điều kiện, lợi thế và trình độ phát triển của từng ngành, địa phương để xác định trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp, đảm bảo cho nhiều người dân được hưởng lợi từ quá trình cải cách, tăng trưởng và phát triển. Thúc đẩy liên kết vùng và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia hiệu quả, công bằng của mọi thành phần kinh tế.
Ngoài ra, trong từng giai đoạn phát triển, cần lựa chọn một số lĩnh vực, một số ngành tập trung ưu tiên đầu tư để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao có khả năng cạnh tranh quốc tế; một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu có thế mạnh nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và nước ngoài. Không đầu tư dàn trải vào tất cả các ngành, các lĩnh vực để tránh sự lãng phí trong khi nguồn lực còn hạn chế. Các giải pháp điều hành cần mang tính dài hạn, tập trung vào mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đủ mức vào việc đạt được các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.