BỆNH CHẬM GỬI TÀI LIỆU: THUỐC NÀO TRỊ DỨT ĐIỂM ?

25/10/2022

Tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). “Việc chậm gửi tài liệu” trong mỗi Kỳ họp là vấn để mà các đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở. Nhiều ý kiến cho rằng, nó đã trở thành “căn bệnh” cần có “phương thuốc mạnh” trị dứt điểm.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHẾ TÀI ĐỐI VỚI VIỆC CHẬM GỬI TÀI LIỆU

Căn bệnh “trầm kha”

Thời gian qua, theo phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội, có tình trạng tài liệu gửi rất chậm, ví dụ sáng hôm sau thảo luận nhưng12 giờ đêm, 1 giờ sáng mới nhận được, đại biểu không có đủ thời gian nghiên cứu. Ngay tại phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn bày tỏ sự trăn trở về việc chậm gửi tài liệu của Chính phủ.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội thứ XV

Phóng viên: Theo ông, việc các cơ quan chậm chễ trong việc gửi tài liệu đến các đại biểu Quốc hội trong những Kỳ họp có những tác động như thế nào đến quá trình lập pháp của Quốc hội?

Thạc sĩ Ngô Huy Hoàng, Đại học Hanyang (Hàn Quốc): Qua theo dõi Quốc hội hoạt động trong nhiều kỳ họp, tôi thấy rằng, việc chậm gửi tài liệu không phải là vấn đề mới. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, được ví là “câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết”. Gần đây nhất, tôi nhớ trong một phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ví chậm trễ gửi tài liệu là vấn đề “trầm kha”, luôn luôn diễn ra. Không một Kỳ họp nào không có các ý kiến phàn nàn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Vẫn thường "tái phát"

Thạc sĩ Ngô Huy Hoàng, Đại học Hanyang (Hàn Quốc): Phải khẳng định rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan chuẩn bị và gửi tài liệu kỳ họp Quốc hội đến đại biểu Quốc hội. Các cơ quan hữu quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động chuẩn bị nội dung, cơ bản gửi tài liệu kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi tham dự kỳ họp. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dù không nhiều nhưng tình trạng chậm gửi tài liệu vẫn còn xảy ra.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rõ: đối với dự án, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội thì chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải gửi hồ sơ đến cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra.

Thạc sĩ Ngô Huy Hoàng, Đại học Hanyang (Hàn Quốc)

Thế nhưng thực tế thì chúng ta đã rõ, vẫn có những dự án luật vi phạm quy định về thời hạn gửi hồ sơ. Tôi cho rằng, điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng thẩm tra cũng như việc nghiên cứu tài liệu của đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra bị động vì “sát nút” mới nhận được tài liệu cơ quan trình chuyển sang. Trong khi đó việc thẩm tra tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật của các dự án luật trình Quốc hội rất quan trọng và là quá trình cần có thời gian.

Không chỉ vậy, việc chậm gửi tài liệu còn khiến đại biểu không có thời gian nghiên cứu sâu, kỹ, nên chất lượng tham gia thảo luận đối với các nội dung liên quan tại kỳ họp chắc chắn ít nhiều có phần bị hạn chế. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng, là đại diện cho tiếng nói của cử tri.

Thuốc nào trị "dứt điểm"?

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 3 chương, 57 điều; quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 1 điều quy định dẫn chiếu các luật, nghị quyết đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung tại kỳ họp Quốc hội, bao gồm: Xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân.

So với Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành thì dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) chỉ tăng thêm 1 Điều, trong đó, bổ sung 09 điều, sửa đổi 43 điều, kế thừa nguyên văn 05 điều. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, gần như nội dung của Nội quy được thiết kế lại, kỹ thuật thể hiện đổi mới, bảo đảm rõ ràng khái quát, tránh trùng lặp. Theo đó, Dự thảo Nội quy (sửa đổi) quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định cụ thể thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục tại kỳ họp Quốc hội; dành 01 điều quy định dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục tiến hành các nội dung của kỳ họp Quốc hội tại các luật, nghị quyết, bao gồm việc: xem xét, thông qua luật, nghị quyết; giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quyết định trưng cầu ý dân; tiếp công dân. Đây là một bước thay đổi lớn về mặt kĩ thuật lập pháp, bảo đảm sự thống nhất trong các quy định hiện hành. Đồng thời, các nội dung cụ thể của Nội quy kỳ họp đã phản ánh và thể hiện được sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội và hướng đến làm sao giải quyết được nhiều nhất công việc với chất lượng tốt nhất tại kỳ họp đồng thời rút ngắn được thời gian.

Đặc biệt tại Khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) có bổ sung  quy định “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội”.

Đa số các ý kiến đại biểu đều tán thành với quy định mới này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng việc có danh sách và công khai danh sách những cơ quan, đơn vị, chủ thể chậm gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội là cơ sở để theo dõi, giám sát việc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để từ đó có cơ sở đánh giá việc chấp hành tuân thủ quy định, cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Đại biểu Hòa nhấn mạnh, chế tài này dù nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc.

Phóng viên: Dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này có bổ sung  quy định công khai danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm tới các đại biểu Quốc hội để khắc phục việc chậm gửi tài liệu, ông thấy chế tài này đã đủ mạnh để giải quyế dứt điểm vấn đề này chưa?

Thạc sĩ Ngô Huy Hoàng, Đại học Hanyang (Hàn Quốc): Việc chậm gửi tài liệu làm cho các cơ quan thẩm tra bị động trong quá trình thẩm tra làm cho các đại biểu Quốc hội không đủ thời gian nghiên cứu sâu về tài liệu để có những phản biện, góp ý, điều này ảnh hưởng đến chất lượng các dự thảo Luật. Câu hỏi đặt ra, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có, tại sao một số cơ quan lại vẫn không tuân thủ? Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm sao vẫn chưa được chấm dứt? Tôi cho rằng, đã đến lúc, phải thiết quân luật bởi chế tài mạnh hơn để trị căn bệnh “trầm kha” này.

Để khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu, theo đó “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội”.

Tôi rất ủng hộ quy định mới này. Tôi cho rằng, việc công khai với Quốc hội, với cử tri, bộ, ngành không bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo luật trình Quốc hội là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để nâng cao trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng các dự án trình Quốc hội, nên xem đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, cũng như làm căn cứ để đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong tuân thủ quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên tôi cho rằng, việc công khai đến các đại biểu Quốc hội thôi thì chưa đủ. Bởi thực tế các kỳ họp vừa qua, các đại biểu Quốc hội đều đã biết những cơ quan chậm gửi tài liệu. Do đó, tôi cho rằng vấn đề này nên được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, các cơ quan thông tấn, truyền thông chính thống của cả nước để nhân dân và cử tri nắm được chứ không chỉ gửi đến các đại biểu Quốc hội, nếu không sẽ chẳng thể cải thiện được nhiều tình trạng này. Đã là căn bệnh mãn tính thì phải có “thuốc đặc trị” và phải cho “trị dứt điểm”.

Dự thảo Nghị quyết lần này vẫn cần thêm những chế tài mạnh hơn, đủ sức nặng, đủ áp lực với việc chậm gửi tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội để tạo được bước chuyển trong nhận thức, hành động, ý thức kỷ luật của các cơ quan trong quá trình chuẩn bị tài liệu phục vụ Kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội đã được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụ thể là: tiếp tục mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp”. Và để đáp ứng được tính “chuyên nghiệp” như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội, thì ngay từ khâu gửi tài liệu cũng phải được siết chặt, tuân thủ đúng pháp luật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương