Toàn cảnh phiên họp toàn thể hội trường của Quốc hội
Tại hội trường, các đại biểu đã nghe trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và phim tài liệu về kết quả giám sát. Các đại biểu đều thống nhất công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc không mới, việc này toàn Đảng, toàn dân hết sức quan tâm, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền. Hằng năm đều báo cáo cho các cơ quan dân cử, cho Nhân dân biết và giám sát. Các đại biểu khẳng định việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề trên là nội dung giám sát tối cao, đây là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay, khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực và phát triển đất nước.
Đồng tình với kết quả Báo cáo giám sát, các đại biểu Quốc hội ghi nhận thời gian qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Việc quản lý và thu chi ngân sách chặt chẽ, có tiết kiệm cơ cấu chi hợp lý, không dàn trải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho phát triển và đầu tư, đảm bảo chi cho an sinh xã hội, với con số rất ấn tượng trong tiết kiệm chi là hơn 350 nghìn tỷ, bội chi ngân sách ở mức cho phép, trần nợ công giảm mạnh. Nhiều tài sản các vụ án tham nhũng được thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là điểm cộng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Bên cạnh đó, các đại biểu bày tỏ băn khoăn khi Báo cáo kết quả giám sát có tổng cộng 93 trang nhưng những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được liệt kê là gần 60 trang, có thể thấy nhìn đâu cũng thấy lãng phí và thất thoát. Do đó, nếu những tồn tại, hạn chế trên được khắc phục thì công cuộc xây dựng đất nước của ta còn nhiều thành tựu hơn nữa.
Cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá và nhiệm vụ, giải pháp được Đoàn giám sát nêu, các đại biểu cũng đã đi sâu vào phân tích một số nguyên nhân trong đó đặc biệt chú ý nguyên nhân chủ quan. Nhiều đại biểu cho rằng phải luôn đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thành nhiệm vụ thường xuyên và trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng khi thi hành công vụ. Về lâu dài, nhiều đại biểu đề nghị quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, nâng cao ý thức đạo đức mới là gốc của việc chống lãng phí.
Chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức để tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhất trí với những nguyên nhân và trách nhiệm của các tồn tại, hạn chế đã được báo cáo chỉ rõ. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga còn một nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế. Đó là, do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, vì bản thân. Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ sẽ dẫn đến việc con người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì cái chung, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu nêu rõ, tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi con người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên hết để nỗ lực trong mọi hành động từ nhỏ nhất như tiết kiệm thời gian cho đến lớn hơn là sử dụng một cách hiệu quả nhất, hợp lý nhất mọi tài sản công.
Tuy nhiên có một thực tế vẫn đang diễn ra là cùng một cá nhân nhưng cách ứng xử với tài sản công khác hẳn với tài sản tư, với tài sản của bản thân. Do đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công tác điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí như báo cáo đã nêu thì còn cần đặc biệt chú trọng đến việc bồi đắp, nâng cao ý thức đạo đức của con người và đối tượng không chỉ là cho học sinh các trường phổ thông.
Đề nghị Chính phủ và Quốc hội quan tâm hơn nữa tới việc phát triển văn hóa toàn diện, trong đó nhấn mạnh vào việc giáo dục lối sống văn minh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga làm rõ, chú trọng giáo dục lối sống văn hóa, văn minh chính là gốc của việc chống lãng phí. Đặc biệt là trong khu vực công phải làm sao cho tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là việc thực thi những quy định của pháp luật mà phải trở thành lối sống của mỗi cá nhân và đây mới là gốc rễ sâu xa nhất của vấn đề. Nếu không, dù hệ thống pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí có đồng bộ, chặt chẽ đến đâu mà tiết kiệm chưa trở thành lối sống, thành phẩm chất của mỗi cá nhân thì chừng đó việc chấp hành vẫn chỉ mang tính chất đối phó và vẫn còn rất nhiều vi phạm, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng cho rằng phẩm chất đạo đức được hình thành quan trọng nhất trong giai đoạn giáo dục của gia đình, nhà trường để con người đủ sức đề kháng trước thói hư, tật xấu. Song theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, nếu giáo dục chưa đủ mạnh để nuôi cấy vào tâm thức những giá trị cao đẹp cũng như dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu
Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Nam và đại biểu Phạm Văn Hòa đều cho rằng về giải pháp dài hạn cần đặc biệt quan tâm, thúc đẩy nỗ lực thực hành tiết kiệm, phấn đấu sử dụng hiệu quả các nguồn lực dưới góc độ nâng cao ý thức, trách nhiệm và hiểu biết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu rõ cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đó phải nhận thức việc tuân thủ pháp luật là quan trọng nhất, vì chấp hành nghiêm túc, định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của pháp luật sẽ là nền tảng để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp sau là nỗ lực phấn đấu sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất, tìm kiếm giải pháp để sử dụng tiết kiệm nguồn lực đầu vào hoặc gia tăng thêm kết quả đầu ra so với mục tiêu đã định ở mức độ nhận thức cao hơn và cần nỗ lực nghiên cứu, tham gia xây dựng, góp ý và hoàn thiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ sao cho tiến bộ, tích cực và đạt được hiệu quả tối ưu nhất có thể.
Đại biểu nhấn mạnh, cần lưu ý đặt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để xem xét một cách đồng bộ, toàn diện tổng thể trong cả ngắn hạn, dài hạn và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Trong nhiều trường hợp không phải cứ tiêu nhiều tiền là không tiết kiệm hay là lãng phí mà quan trọng là kết quả đạt được như thế nào, cũng không phải cứ làm nhiều là hiệu quả, vì nếu chúng ta làm cả những việc không có ích, không tích cực hoặc là chồng chéo thì còn là nguyên nhân gây lãng phí.
Hai là, phải tăng cường giáo dục ý thức, xác định rõ trách nhiệm đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ khi nhận thức đún,g ý thức tốt, trách nhiệm cao thì mới tránh được tình trạng thực hiện, còn hình thức như đã đánh giá tại báo cáo. Đồng thời, phải tăng cường thuyết phục, động viên, khen thưởng và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt mục tiêu này, trong đó cần lấy thi đua, khen thưởng làm động lực để thúc đẩy thực hiện.
Ba là cần xây dựng môi trường văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ động, tự giác hơn để dần dần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nề nếp, ý thức sâu rộng và bền vững.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Quốc hội tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu gương mẫu trên các lĩnh vực, phát huy hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua, kiên quyết chống lãng phí, có tiết kiệm, có chủ đích nhằm mang lại có hiệu quả và hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhấn mạnh thêm tăng cường công tác hậu giám sát, tiếp tục các nội dung liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong kế hoạch hằng năm hoặc định kỳ, nhất là những vấn đề tồn tại mà Đoàn giám sát đã nêu ra trong báo cáo, trọng tâm là các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm tài sản công, công sở sử dụng chưa đúng mục đích vào cổ phần hóa. Chính phủ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, cá nhân, người đứng đầu trên các lĩnh vực đã được Đoàn giám sát chỉ ra những hạn chế mà chưa khắc phục. Đồng thời, nêu gương, biểu dương khen thưởng những nơi thực hiện tốt, đẩy nhanh kết luận thanh tra sau khi phát hiện những nơi có dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn kịp thời hoặc thu hồi, xử lý tài sản thất thoát và khắc phục hậu quả./.