CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC TRONG KHU VỰC CÔNG

31/10/2022

Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ 4, một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tậm là vấn đề lãng phí nguồn nhân lưc. Các ý kiến đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực vào Báo cáo giám sát, đồng thời bổ sung các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công.

TỔNG THUẬT SÁNG 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ GIAI ĐOẠN 2016-2021

Quan tâm đến lãng phí nguồn nhân lực, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phần nào đồng thuận với nhận định về những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động. Tuy nhiên với đánh giá nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn ĐQBH tỉnh Bình Dương cho rằng, nhận định trên chưa lấy thực tế làm thước đo để đánh giá và đặc biệt là các tỉnh, thành kinh tế phát triển thì việc bổ đồng biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế phải chăng đã làm cho "cán bộ, công chức 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ".

Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu nêu dẫn chứng, sau 7 năm “đại phẫu” biên chế, Tp.Hồ Chí Minh hiện vẫn dôi dư 5.700 người và là địa phương xếp thứ tư sau Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định có tỷ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước. Điều đáng nói, chính 5.700 trường hợp dôi dư chưa được công nhận này đã cùng với hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đang đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua. Đại biểu Phạm Trọng Nhân băn khoăn, với cơ chế chưa phù hợp thì Tp. Hồ Chí Minh hay các địa phương phát triển bị nêu trong báo cáo phải làm thế nào để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

Ở một khía cạnh khác, để xử lý cán bộ sai phạm như lời Tổng Bí thư nói là rất đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác, tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, để có được một cán bộ cấp cao, chúng ta không thể cân đong được số tiền cũng như định lượng được công sức mà Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo. Điều đáng nói chính là cơ chế chính sách hiện hành đã thực sự ngăn ngừa và bảo vệ cán bộ công chức khỏi thấm nhiễm, cám dỗ của vật chất để họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là làm đúng và đúng ngay từ đầu.

“Chúng ta đã xây dựng một lực lượng phòng, chống tham nhũng, thế nhưng các chính sách xoay quanh nó chưa đủ mạnh để cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương và để họ không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng. Lẽ dĩ nhiên, phẩm chất đạo đức được hình thành quan trọng nhất trong giai đoạn giáo dục của gia đình, nhà trường để con người đủ sức đề kháng trước thói hư, tật xấu. Nhưng nếu giáo dục chưa đủ mạnh để nuôi cấy vào tâm thức những giá trị cao đẹp cũng như dũng khí còn chông chênh trước những kẻ xấu thì luật pháp phải là phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai đang có ý định vượt lằn ranh của thể chế”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương nhanh chóng thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết đã giao và thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát. Đồng thời cần có giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Cùng ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chỉ rõ, nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lương tâm và trình độ, năng lực yếu kém của cán bộ lãnh đạo khi đưa ra những quyết định không phù hợp, gây ra lãng phí nặng nề, tổn hại khôn lường.

Đại biểu cho rằng, lĩnh vực đầu tư công ở nước ta được cho là gây ra thất thoát, lãng phí thuộc nhóm đứng đầu. Người Việt Nam được cho là thông minh, chăm chỉ, cần cù, trình độ đào tạo chuyên môn ngày càng chú trọng nhưng năng suất lao động không cao. Đại biểu Trần Quang Minh nêu ví dụ điển hình trong thời gian qua, 1 trong 15 chỉ tiêu đề ra không đạt chính là tốc độ tăng năng suất lao động. Ngoài những lý do khách quan, chắc chắn có yếu tố chủ quan sự lãng phí trong đào tạo, bố trí, phân luồng, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực. Vì vậy, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị đối với lĩnh vực công cần phải có những công cụ cụ thể để đánh giá hiệu quả công việc mang tính định lượng, thay vì thiên về định tính như hiện nay. Thời gian qua, hầu hết các chủ trương ban đầu đưa ra cơ bản là hợp lý, đúng hướng, tuy nhiên khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản, đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong Nhân dân.

Đồng quan điểm về lãng phí nguồn nhân lực đã được đại biểu Trần Quang Minh, Đoàn Quảng Bình và đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn Bình Dương đề cập đến, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới là 67% và tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ mới đạt 27%. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ.

Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định đến năng suất lao động, mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Đảng ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tích cực triển khai nhiều chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong 10 năm qua, năng suất lao động của nước ta có sự cải thiện đáng kể, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất khu vực ASEAN, giai đoạn 2011-2015 là 4,53%, giai đoạn 2016-2020 là 5,97%.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tuy nhiên, năm 2021 và năm 2022, tốc độ tăng trưởng này giảm xuống và trong cả 2 năm này thì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân đều không đạt chỉ tiêu Quốc hội ban hành. Mặt khác, do xuất phát điểm thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đủ nhanh nên khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020, năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng 9,1% của Singapore, bằng 26,2% của Malaysia, bằng 46,8% của Thái Lan và bằng 68,7% của Philippines. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, nếu không có giải pháp quyết liệt thì năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu.

Cho rằng thời kỳ dân số vàng là giai đoạn chỉ có một lần trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, ở nước ta thời kỳ dân số vàng dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2038, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, cần phát huy tối đa lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tích lũy để có nguồn lực ứng phó với thời kỳ dân số già. Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực vào báo cáo giám sát, đồng thời bổ sung các giải pháp để phát triển tối đa lợi thế thời kỳ dân số vàng để chuyển dân số chúng ta từ vàng về số lượng sang vàng về chất lượng.

Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:

Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030; chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030; xây dựng Đề án thu hút trọng dụng nhân tài; nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công; nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục, nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu; thông qua các cơ chế như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành; ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động; xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam và từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị xã hội. Để làm được như vậy, đại biểu đề nghị cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về gắn bó và hết mình cống hiến với quê hương, đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung giải pháp tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công, vì đây là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng, qua giám sát, cần phân tích sâu sắc thêm cơ cấu, chất lượng, số lượng nhân lực theo địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, đánh giá thêm chiến lược quy hoạch hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công hiện nay có đáp ứng được yêu cầu hay không, cần cơ chế đột phá nào để hướng đến Chính phủ điện tử, chính quyền đô thị, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Nhân lực khu vực công đã nghỉ việc gần 40.000 người. Đây là tình trạng báo động khiến cho những nhà hoạch định chiến lược phải suy nghĩ, hoàn thiện kịp thời các cơ chế thu hút, đãi ngộ, bảo vệ, bồi dưỡng, khuyến khích nhân tài cho khu vực công từ xa, từ sớm, nhất là các chuyên gia, các nhà lãnh đạo quản lý các cấp, tránh tình trạng bị động, thiếu hụt nhân sự khi cần thì không có hoặc khi bố trí thì làm không hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh, chính sách cho nhân lực khu vực công phải cạnh tranh được với khu vực tư. Nhân lực khu vực công phải tiếp tục nâng tầm, định hướng và dẫn dắt cho xã hội phát triển bền vững. Đại biểu nêu rõ, trên định hướng đúng đắn của Đảng, Nhà nước, cần đồng thời tiến hành việc tinh gọn bộ máy, song song với bổ sung biên chế ở những khu vực, địa bàn cần thiết chứ không thể cào bằng; xây dựng tiêu chí khoa học, cụ thể trong việc phân bổ nhân lực và cả nguồn lực cho khu vực công một cách hiệu quả hơn nữa./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức