Toàn cảnh phiên họp
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đồng thời, theo các đại biểu, cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, Hồ sơ của dự án Luật đáp ứng điều kiện trình Quốc hội; bố cục và kết cấu của dự thảo Luật tương đối chi tiết, bao quát nhiều nội dung. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn; luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu
Quan tâm đến các quy định về số lượng thành viên hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chỉ ra rằng, tại khoản 11 Điều 4 đã quy định cụ thể về nội dung này. Thực tế thời gian qua cho thấy, đa số hợp tác xã, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là quy mô siêu nhỏ. Một số hợp tác xã được thành lập mang tính chất gia đình, chưa phát huy đúng vai trò hỗ trợ thành viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng bản chất của hợp tác xã. Nếu giảm số lượng thành viên tự nguyện thành lập sẽ tạo điều kiện cho nhiều hợp tác xã quy mô dưới siêu nhỏ ra đời.
Bên cạnh đó, đại biểu phân tích, về mặt tổ chức bộ máy, riêng Hội đồng quản trị đã phải có ít nhất 3 thành viên chính thức. Trong xu thế phát triển hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định số lượng hợp lý thành viên hợp tác xã. Đồng thời, quy định về lộ trình tăng số lượng thành viên hợp tác xã theo thời gian hoạt động của hợp tác xã; nghiên cứu các tiêu chí hỗ trợ, ưu tiên cho các hợp tác xã có nhiều thành viên và các quy định để khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã.
Đại biểu chỉ ra rằng, việc khuyến khích các thành viên mới tham gia hợp tác xã là cần thiết, đã phản ánh đúng bản chất xã hội của hợp tác xã, tăng cường sự hỗ trợ, chia sẻ giữa các thành viên hợp tác xã, tránh các trường hợp hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân trá hình hoạt động theo mô hình hợp tác xã để trục lợi chính sách. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp làm thay đổi cơ cấu thành viên hợp tác xã cũng cần được tính toán thêm, tránh làm thay đổi bản chất của hợp tác xã.
Về số lượng, đại biểu đề nghị tối thiểu cũng giữ số lượng quy định hợp tác xã ít nhất có 7 thành viên tự nguyện thành lập như hiện nay hoặc có thể nâng số lượng thành viên tự nguyện thành lập lên khoảng từ 10 đến 15 thành viên thay vì quy định ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập như dự thảo luật sửa đổi là không phù hợp.
Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tham gia thảo luận
Tán thành cao với những phân tích của đại biểu Trần Thị Thanh Hương về số thành viên trong một hợp tác xã, đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam bổ sung thêm một số thông tin.
Theo đó, như các chuyên gia và các báo cáo của Chính phủ thì số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã đang có xu hướng giảm và theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại thời điểm 31/12/2019 thì tổng số thành viên hợp tác xã hiện có là 5.941.486 thành viên, bình quân giai đoạn 2016-2019 số thành viên trong hợp tác xã hiện có là 6.081.011 thành viên, giảm 21% so với bình quân giai đoạn 2013-2015, số thành viên hợp tác xã năm 2021 giảm 1,87 triệu thành viên so với năm 2013.
Theo đại biểu, đây cũng là một trong những lý do mà Ban soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ để quy định về số lượng thành viên có hợp tác xã khi chúng ta hoàn thiện trình Quốc hội thông qua cho đảm bảo.
Cùng quan tâm tới vấn đề trên, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu rõ, Dự thảo quy định phân hợp tác xã thành 4 loại: Siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn, theo các tiêu chí về số thành viên chính thức, doanh thu hoặc tổng vốn, phân theo các lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng công nghiệp và xây dựng, vận tải, thương mại, dịch vụ, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Đại biểu chỉ ra rằng có một số vấn đề phát sinh khi quy định như vậy. Cụ thể, về sự cần thiết phân loại hợp tác xã, có hay không thì cũng chưa rõ? Về quy mô của hợp tác xã, sẽ liên tục thay đổi theo thời gian cả về thành viên và tổng nguồn vốn. Nói cách khác là tính ổn định rất thấp, vậy hằng năm phải thực hiện phân loại hợp tác xã sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian và kinh phí, trong khi mục đích của phân loại này lại chưa rõ ràng.
Theo đại biểu, về phân loại tổ hợp tác, tổ chức kinh tế theo ngành, lĩnh vực kinh tế cũng không hợp lý. Vì theo quy định về quyền của tổ chức kinh tế tập thể tại Điều 9 thì mỗi tổ chức kinh tế tập thể có quyền sản xuất, kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Theo đó, mỗi tổ chức kinh tế tập thể có hoạt động nhiều ngành nghề khác nhau nên không thể phân loại tổ chức kinh tế tập thể theo ngành nghề được.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Dự thảo tiếp cận các hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã theo định nghĩa đưa ra tại khoản 28 Điều 4 để thực hiện phân loại đảm bảo tính toàn diện và đặc thù về các hoạt động mà tổ chức kinh tế tập thể phải thực hiện. Theo đó, mỗi tổ chức kinh tế tập thể có 3 nhóm hoạt động bao gồm: Nhóm kinh tế, nhóm văn hóa tập thể và nhóm xã hội cộng đồng.