QUY ĐỊNH RÕ HOẠT ĐỘNG THẨM ĐỊNH GIÁ, QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ ĐỂ KHÔNG LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC

11/11/2022

Dự án Luật Giá (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV với nhiều điểm mới đáng chú ý. Quan tâm góp ý vào dự thảo luật, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế khẳng định sự cần thiết sửa đổi luật nhưng vẫn còn nhiều quy định cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi liên quan đến các khái niệm, hoạt động thẩm định giá, quản lý nhà nước về giá.

THÔNG BÁO KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI): XÁC ĐỊNH LUẬT GIÁ LÀ LUẬT GỐC VỀ QUẢN LÝ GIÁ

Luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện hình thức định giá Nhà nước.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Giá (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù vấn đề quản lý giá được đề cập chủ yếu tại Luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng đang quy định nội dung về quản lý giá (như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng...). Đây cũng là đạo luật liên quan đến nhiều điều ước quốc tế; gắn với hội nhập kinh tế quốc tế; cạnh tranh thương mại... Vì vậy các quy định cần không trùng lắp, mâu thuẫn dẫn đến xung đột pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật giá (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, việc quản lý giá trong một số lĩnh vực đặc thù như đất đai, y tế… ngoài việc tuân thủ Luật này, cũng sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… tuy nhiên, nhiều quy định chưa thống nhất. Đơn cử như quy định về thẩm quyền định giá trong khám bệnh, chữa bệnh được quy định trong cả dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được trình tại cùng một Kỳ họp nhưng nội dung lại khác nhau. Điều này cho thấy trong quá trình soạn thảo, các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo chưa có sự phối hợp, rà soát đề tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Đối với quy định định giá, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện hình thức định giá Nhà nước. Cụ thể, giao toàn bộ chức năng định giá Nhà nước cho các Bộ ngành và UBND cấp tỉnh đối với từng loại hàng hóa và dich vụ phù hợp với phân cấp quản lý Nhà nước, mà không cần sự tham gia của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong định giá Nhà nước.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh lấy ví dụ, việc định giá đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; định giá điện là trách nhiệm của Bộ Công Thương hay định giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa là thẩm quyền của Bộ Giáo dục,... Còn Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ quản lý Nhà nước về giá nói chung, định giá Nhà nước nói riêng theo luật định.

Bộ Tài chính và các Bộ ngành chức năng có quyền và trách nhiệm quyết định mức giá cụ thể, mức giá tối đa hay mức giá tối thiểu căn cứ vào kết quả định giá của các công ty định giá được thuê theo hợp đồng với điều kiện mỗi mức giá phải được ít nhất 2 công ty định giá thực hiện. Cơ quan thuê định giá chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp và phù hợp của các thông tin, phương pháp định giá và xử lý thông tin của các công ty định giá để làm căn cứ ra quyết định về mức giá.

Về nguyên tắc định giá có ý kiến đề nghị hoàn thiện các nội dung về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, phương pháp định giá, bảo đảm cụ thể, tránh cách hiểu khác nhau dẫn đến áp dụng tùy tiện, tạo lỗ hổng trong quản lý, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.  

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu thực tế thời gian qua có nhiều vụ việc làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước rất lớn, nguyên nhân một phần do yếu kém, thiếu khách quan, thiếu trung thực trong thẩm định giá nhà nước. Đại biểu lấy ví dụ về các vụ việc thông đồng dìm giá đất, thổi giá kit xét nghiệm, mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… để trục lợi. Điều này đòi hỏi sửa đổi Luật Giá cần bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng việc sửa đổi Luật Giá là cần thết nhằm bịt những lỗ hổng, khoảng trống pháp lý, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giá.

Đại biểu đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của Kết quả thẩm định giá do Hội đồng thẩm định giá thực hiện; quy định rõ giá trị pháp lý của Kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp; cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhất các quy định trong các văn bản dưới luật đã áp dụng hiệu quả thời gian qua, đảm bảo hiệu lực thi hành ngay của Luật. Ngoài chủ thể là Hội đồng thẩm định giá, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể liên quan trực tiếp đến thẩm định giá, nhất là người đứng đầu.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Đấu thầu… Thực tế thời gian qua công tác quản lý nhà nước về giá còn nhiều bất cập. Nhiều vụ án được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ bị kỷ luật cũng liên quan đến giá, vì vậy cần nêu rõ nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước được giao quản lý về giá.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Đại biểu lấy ví dụ việc định giá sách giáo khoa hay trang thiết bị y tế có các doanh nghiệp thẩm định giá nhưng không có cơ quan nhà nước tham gia váo công tác này là chưa phù hợp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị nhà nước cần phải tham gia thẩm định giá đối với một số mặt hàng nếu không xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. Theo đó, tại Điều 15 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá theo thẩm quyền. Đại biểu cho rằng đây là các cơ quan đề xuất giá, còn việc thẩm định và quyết định cuối cùng vẫn cần giao cho Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ các đối tượng phải trình Bộ Tài chính thẩm định về giá; đồng thời phân cấp cho các địa phương, giao nhiệm vụ thẩm định giá do Sở Tài chính. Đại biểu cho rằng, việc mở rộng hoạt động thẩm định giá cho các đơn vị tư nhân thực hiện là chưa phù hợp, ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Làm rõ một số khái niệm chưa thống nhất, đồng bộ khiến việc thực thi luật thiếu nhất quán.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho Luật Giá hiện hành triển khai trong thực tế thiếu nhất quán, đôi khi vận dụng tùy tiện và phát sinh không ít sai phạm là do lẫn lộn bản chất và nội dung giữa khái niệm “định giá” và “thẩm định giá”. Vì vậy, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và các qui định pháp luật có liên quan cần loại bỏ hoàn toàn thuật ngữ thẩm định giá và thay thế bằng một thuật ngữ duy nhất là định giá.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cần luật hóa quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong thực hiện hình thức định giá Nhà nước.

Qua thực tế công tác trong ngành y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng nêu ví dụ một số khái niệm trong dự thảo luật chưa thống nhất, đồng bộ và chưa phù hợp với thực tiễn. Điển hình như khái niệm “hàng hóa dịch vụ” trong dự thảo luật vẫn bảo lưu từ Luật Giá năm 2012, không thống nhất với khái niệm “hàng hóa dịch vụ” quy định trong Luật Thương mại năm 2005, Bộ Luật dân sự năm 2015. Theo đại biểu, nên bỏ khái niệm này vì không thật sự cần thiết. Bên cạnh đó, một số khái niệm như “giá thị trường”, “mặt bằng giá thị trường”, “giá thành toàn bộ của hàng hóa dịch vụ”, “yếu tố hình thành giá”… đều là những khái niệm chuyên ngành, để giải thích đầy đủ cần có hệ thống lý luận để làm rõ. Vì vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc từng khái niệm, bởi có những khái niệm đã nêu từ Luật Giá 2012 nhưng đến nay vẫn còn tình trạng từ khái niệm này lại yêu cầu làm rõ khái niệm khác.

Đơn cử như khái niệm giá thị trường tại Điều 4 của dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Giá thị trường là giá hàng hóa dịch vụ trong giao dịch khách quan và độc lập, được hình thành do các yếu tố chi phí và vận động của thị trường quyết định tại một thời điểm, địa điểm nhất định. Theo đại biểu, khái niệm này gần như được bảo lưu so với khái niệm được quy định trong Luật Giá hiện hành. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn thế nào là “một thời điểm”, “địa điểm nhất định” là địa điểm nào, bởi thực tế cho thấy việc xác định giá thị trường vẫn hết sức khó khăn, nhất là giá thị trường trong lĩnh vực bất động sản.

Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các khái niệm để đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển khách quan của nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời điểm 4.0 khi các yếu tố thời gian thực, yếu tố biến động rất được quan tâm.

Ngoài ra, để giải quyết khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay, đại biểu cho rằng đã đến lúc Chính phủ cân nhắc, xem xét các hoạt động mua sắm, xác định giá mua sắm các mặt hàng trang thiết bị y tế, thuốc cần được đưa lên sàn giao dịch điện tử để mua bán theo thời gian thực. Trong đó bên mua, bên bán có thể giao dịch công khai, minh bạch và có thể lựa chọn mặt hàng theo tiêu chuẩn mong muốn, với giá hợp lý nhất, không phải tổ chức đấu thầu theo tiêu chí chọn hàng giá rẻ nhất. Đây cũng là mô hình nhiều nước trên thế giới đang áp dụng hiệu quả./.

Lan Hương