RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH TƯỜNG MINH VỀ NGUYÊN TẮC CHUNG TRONG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

11/11/2022

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đa số các đại biểu nhất trí cho rằng việc sửa đổi Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị rà soát, quy định tường minh về nguyên tắc chung trong giao dịch điện tử.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Vì vậy, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.

Đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng tham gia ý kiến

Quan tâm đến nội dung về nguyên tắc chung trong giao dịch điện tử, đại biểu Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng chỉ ra rằng, so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện hành, Dự thảo Luật đã bỏ đi nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của công cộng. Theo đại biểu, đây là nguyên tắc chung của pháp luật và cần được đề cao. Do vậy, đề nghị giữ nguyên tắc này trong Dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, nguyên tắc bổ sung mới nêu tại khoản 5 Điều 4 của dự thảo luật là: giao dịch điện tử phải được tối ưu hóa quy trình, thời gian xử lý ngắn hơn, chi phí thực hiện thấp hơn so với các phương thức giao dịch khác. Đề nghị chuyển điều khoản này sang Điều 5 về chính sách phát triển giao dịch điện tử sẽ phù hợp hơn về nội hàm của quy định này.

Đối với nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử quy định tại Điều 37 Dự thảo Luật, tại khoản 2 có quy định: việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trên môi trường điện tử phải tuân thủ các quy định của luật này và pháp luật về hợp đồng.

Theo đại biểu, nội dung này đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhưng thực tế vẫn chưa được áp dụng đối với các loại hợp đồng yêu cầu phải có chứng thực. Việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc ứng dụng công nghệ thông tin có đặc thù riêng nên không thể tuân thủ các quy định pháp luật khác về hợp đồng, vì đa số các loại hợp đồng đều yêu cầu phải thực hiện trên giấy, ký có đóng dấu và công chứng, chứng thực nên việc giao kết hợp đồng điện tử không thể tuân thủ.

Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định cụ thể về việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong dự thảo luật. Trong đó, bổ sung quy định về công chứng chứng thực hợp đồng điện tử để phù hợp với các quy định hiện hành và làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động công chứng, chứng thực điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Cùng mối quan tâm đến nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử quy định taị Điều 4, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phân tích, đối chiếu Điều 4 của Dự thảo Luật với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì có sự điều chỉnh rõ và về cơ bản là bảo đảm được những nguyên tắc cần đặt ra đối với hoạt động giao dịch điện tử. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi bỏ 2 nguyên tắc ở Điều 5 hiện hành. Đó là nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng về an toàn trong giao dịch điện tử và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

Đại biểu nêu rõ, trên thực tế khi giao dịch điện tử thông qua môi trường mạng thì rất khó an toàn, dễ dẫn đến sai sót, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan. Gần đây đã xuất hiện trò lừa đảo khá tinh vi qua mạng giả danh thương mại điện tử, giả mạo giấy tờ, tài liệu, làm giả thẻ ngân hàng hoặc vay ngân hàng mua sắm trên các trang thương mại điện tử, giao dịch mua bán thông qua các tài khoản mạng xã hội, chiếm đoạt tài sản và gây hậu quả lớn đối với tổ chức, cá nhân liên quan. Đặc biệt là đối với cá nhân thì một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan tới đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cũng đã có dấu hiệu lộ, lọt và không an toàn.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu khôi phục lại 2 nguyên tắc ở khoản 4, khoản 5 Điều 5 luật hiện hành ngay trong Điều 4 của Dự thảo Luật này để bảo đảm sự an toàn và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng trong giao dịch điện tử.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tham gia thảo luận

Phân tích kỹ hơn về quy định hợp đồng điện tử, đại biểu Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đối chiếu với luật hiện hành, chúng ta biết một giao dịch điện tử có sự kết hợp của 3 thành tố, đó là: Thông điệp dữ liệu cấu thành nên nội dung hợp đồng; định danh các bên tham gia hợp đồng; xác thực điện tử. Tuy nhiên, các quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 hiện nay chưa phản ánh đầy đủ 3 cấu thành trên, tức là chưa có định danh điện tử. Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử hiện hành cũng không quy định cụ thể các vấn đề pháp lý liên quan đến các bước giao kết và ký kết hợp đồng mà chỉ quy định những vấn đề liên quan đến kỹ thuật của việc trao đổi trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử.

Ngoài ra, Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nên trong thực tế các tổ chức tín dụng vẫn gặp khó khăn, phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau trong việc triển khai các dịch vụ yêu cầu ký kết hợp đồng điện tử với khách hàng. Chính vì vậy, trong Chương IV của Luật sửa đổi hiện nay, Ban soạn thảo đã đề cập và khắc phục tương đối những tồn tại này, tuy nhiên chưa được rõ ràng, vẫn còn điểm khó hiểu.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tính toán và gia cố để giải quyết những vướng mắc trên, đồng thời nghiên cứu bổ sung các quy định về xác thực định danh điện tử theo hướng áp dụng 3 mức độ đảm bảo đối với định danh điện tử, bao gồm cơ bản, tiên tiến và cao. 3 mức độ đảm bảo này sẽ được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn của ISO và mức độ tin cậy được dựa trên 2 yếu tố, đó là bảo đảm danh tính tại thời điểm đăng ký và bảo đảm xác thực, là độ mạnh của các phương thức sử dụng trong thời điểm phê duyệt để đảm bảo sự an toàn, quyền lợi của các bên tham gia giao dịch.

Minh Hùng