Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đón Chủ tịch Thượng viện Pháp tại sân bay
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Quốc hội hai nước ngay sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19; là sự kiện quan trọng hướng tới năm 2023 kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2023), 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược (2013 - 2023).
Đây cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam sau nhiều năm Chủ tịch Thượng viện Pháp chưa thăm Việt Nam kể từ 2008, thể hiện sự coi trọng của các vị Lãnh đạo Pháp trong quan hệ với Việt Nam. Riêng với Chủ tịch Thượng viện Pháp, chuyến thăm cũng thể hiện tình cảm thân thiết của cá nhân ông đối với Việt Nam; giúp ông thực hiện lời hứa “sẽ sớm thăm Việt Nam” đã nhiều lần nhắc đến (tại cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 3/2008 và cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Pháp tháng 11/2021). Đây cũng là chuyến thăm châu Á đầu tiên của cá nhân Chủ tịch Thượng viện Pháp kể từ khi được bầu lại làm Chủ tịch Thượng viện vào năm 2014.
Chủ tịch Thượng viện Pháp hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Pháp vào tháng 11/2021
Dành nhiều tình cảm cho Việt Nam, tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 11/2021, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher bày tỏ ngưỡng mộ việc Việt Nam đã rất thành công trong việc cải cách kinh tế, duy trì được tốc độ phát triển nhanh, nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình.
Khẳng định, hết sức coi trọng vị trí, vai trò của Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher mong muốn quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược giữa hai nước trong tương lai sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực từ chính trị, an ninh quốc phòng đến kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục. Đồng thời, khẳng định Thượng viện Pháp mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Quốc hội Việt Nam.
Theo Hiến pháp của Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Thượng viện được bầu bởi tất cả các thượng nghị sĩ có vai trò trong việc tổ chức và chỉ đạo, điều hành các cuộc tranh luận; giám sát an ninh và bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động của Thượng viện; đồng thời có vai trò đại diện cho Thượng viện trước các cơ quan trong bộ máy nhà nước Pháp. Ngoài ra, Chủ tịch Thượng viện đảm nhận các trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong hoạt động của các cơ quan: người bảo đảm tính liên tục của nền cộng hòa, người bảo vệ Hiến pháp…
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher tại phiên họp của Thượng viện
Trong hoạt động chính trị của mình, Chủ tịch Thượng viện Pháp được đánh giá là một người thẳng thắn. Ông đã làm tốt vai trò của người đứng đầu Thượng viện Pháp trong việc duy trì vai trò của Thượng viện trong lập pháp, giám sát hoạt động của Chính phủ. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề, ông đã thẳng thắn đặt câu hỏi về sự gắn kết và nhất quán trong chiến lược của Chính phủ Pháp để kiểm soát dịch bệnh.
Trong bài phỏng vấn của tờ Le Figaro (Pháp) tháng 11/2020, Chủ tịch Thượng viện Pháp đã bày tỏ sự tức giận khi Chính phủ đã không nắm lấy cơ hội khi Thượng viện đã tạo điều kiện thông qua việc sửa đổi dự luật về gia hạn tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ông cũng cho rằng trong quá trình này, Chính phủ phải có sự đối thoại với các đại biểu dân cử để có sự đồng thuận, ủng hộ lẫn nhau va sẽ không thể thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh thực hiện chiến dịch tiêm chủng nếu không có sự đồng hành của các đại biểu dân cử.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông cũng để lại nhiều dấu ấn trong đó có việc đệ trình Nghị quyết về việc sửa đổi quy tắc của Thượng viện vào năm 2017 và đã được thông qua. Trong đó có quy định như đặt tính công khai đối với công việc lập pháp trong ủy ban, mở rộng cho tất cả các thượng nghị sĩ có khả năng tham gia cuộc họp của ủy ban trong việc lập pháp… Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cũng đã có đề xuất một “đoàn công tác nhanh” từ Thượng viện để đánh giá những trở ngại ảnh hưởng đến hợp tác thương mại giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam để kịp thời giải quyết những vương mặc, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Liên minh châu Âu vơi Việt Nam nhất là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Hội nghị của Thượng viện Pháp về Việt Nam vào tháng 3/2016
Tại Hội nghị của Thượng viện Pháp về Việt Nam vào tháng 3/2016, Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đưa ra thông điệp, trong đó đánh giá Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á với quá trình hội nhập tích cực vào thương mại quốc tế. Chủ tịch Thượng viện Pháp nêu rõ: Mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam là lâu đời và sâu sắc. Việt Nam là một trong những quốc gia mà Pháp thiết lập quan hệ đối tác phát triển đầu tiên. Cộng đồng người Việt tại Pháp là cộng đồng người châu Á lớn thứ hai tại Pháp. Và Việt Nam có truyền thống nói tiếng Pháp – điều không có ở bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác ở châu Á. Nhấn mạnh rằng, những liên kết con người này rất cần tiếp tục phát triển; đồng thời bày tỏ tin tưởng với lịch sử và hữu nghị đã đạt được, hai nước sẽ tiếp tục có thêm nhiều dấu mốc phát triển quan trọng trong tương lai. Khẳng định, Thượng viện Pháp, cùng với sự đồng hành, tích cực của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp – Việt, sẽ làm cho "di sản" này đơm hoa kết trái, trên các cấp độ thể chế, chính trị, văn hóa và kinh tế.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Catherine Deroche cũng đã chia sẻ rằng, Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp -Việt là một trong những nhóm hữu nghị lâu đời tại Thượng viện và các nghị sĩ luôn bày tỏ mong muốn được tham gia. Điều này xuất phát từ quan hệ chặt chẽ đoàn kết hai nước. Việt Nam giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người dân Pháp và nhiều nghị sĩ cam kết nối kết các mối quan hệ hữu nghị này. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt mong muốn tiếp tục đà tăng cường trao đổi và hợp tác trên mọi lĩnh vực của hai nước, hai cơ quan lập pháp.
Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện Catherine Deroche tại hội nghị Thượng viện Pháp về Việt Nam vào tháng 3/2016
Hiện nay, khi tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xung đột địa chính trị, tác động toàn diện và lâu dài tới hòa bình, an ninh và phát triển của toàn thế giới và sự cạnh tranh giữa các nước lớn về kinh tế, thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục thu hút quan tâm cao của các nước, trong đó có Pháp, với nhiều chiến lược, sáng kiến tăng cường hợp tác. Trong đó, các nước Đông Nam Á và ASEAN tiếp tục được các nước lớn coi trọng trong chiến lược tổng thể với khu vực.
Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 4,8 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến hết tháng 6/2022, trao đổi thương mại hai nước đạt 2,5 tỷ USD. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam.
Về hợp tác giáo dục và đào tạo, hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới với số lượng trên 10.000 sinh viên Việt Nam hiện du học tại Pháp. Giao lưu văn hoá giữa hai nước ngày càng phát triển. Hợp tác y tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, hai nước đã có nhiều hỗ trợ lẫn nhau trong đó Việt Nam đã hỗ trợ các địa phương Pháp khẩu trang, Pháp hỗ trợ Việt Nam 5,5 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế.
Nét đặc thù trong quan hệ Việt – Pháp là hợp tác địa phương hay còn gọi là hợp tác phi tập trung. Hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh thành Việt Nam. Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên giữa hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Pháp hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm chính thức Pháp vào tháng 3/2008
Cùng với sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị hai nước, quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước ngày phát triển tích cực. Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội, các Nhóm nghị sỹ hữu nghị và giữa các nghị sĩ nhằm tăng cường sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương hai nước. Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương đã được thành lập và triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện cũng như hợp tác giữa hai nước. Tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP) và đặc biệt là tại Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực. Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp đã ký Thỏa thuận hợp tác vào tháng 5/2003. Pháp là nước đầu tiên mà Quốc hội đã ký Thỏa thuận hợp tác với cả Thượng viện và Hạ viện.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp có ý nghĩa quan trọng, sẽ góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Pháp.
Việt Nam và Quốc hội Việt Nam sẽ dành cho Chủ tịch Thượng viện Pháp cùng Đoàn đại biểu Thượng viện Pháp sự đón tiếp trọng thị, chu đáo nhất. Qua đó tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp; đồng thời, mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, đưa hợp tác nghị viện song phương ngày càng hiệu quả, thực chất./.