NSƯT TRẦN LY LY: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 - KÊNH THAM VẤN CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG ĐỂ PHÁT TRIỂN, CHẤN HƯNG VĂN HÓA VIỆT
Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đang đến rất gần, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức. Mục tiêu của Hội thảo là tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Đây là Hội thảo quan trọng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội, đại diện Đại sứ quán một số nước và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện một số đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về văn hóa, cơ sở văn hóa nghệ thuật, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế…
Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đang đến rất gần. Đây là Hội thảo quan trọng mang tầm vóc quốc gia, với sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao. Ông/ bà có kỳ vọng gì về Hội thảo này?
Cử tri Phạm Kim Tựu (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Tôi cho rằng, trong các trụ cột để phát triển bền vững của mọi quốc gia, văn hóa luôn luôn là một thành tố quan trọng, bởi nó là nguồn lực nội sinh, là tiền đề cho mọi phát triển kinh tế - xã hội. Có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và trong mỗi cá nhân, văn hóa góp phần thôi thúc con người tự nhận thức và chuyển thành hành động, thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng; đồng thời tạo nền tảng để kinh tế, chính trị, xã hội… vận hành đạt hiệu quả cao nhất, ghi dấu ấn tốt đẹp về một dân tộc, một quốc gia đối với nhân loại.
Cử tri Phạm Kim Tựu (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Tôi hy vọng Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tới đây sẽ đánh giá đúng thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, khơi mở được những điểm đột phá trong chính sách phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang đứng trước nhiều biến động mang tính lịch sử như hiện nay, nhất là khi toàn cầu đang xích lại gần nhau trong mối quan tâm chung, chống lại dịch bệnh COVID-19 cùng những rủi ro đe đọa cuộc sống của nhân loại, thì những giá trị vĩnh cửu của văn hóa mỗi quốc gia ngày càng tỏ rõ sức mạnh của mình. Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự cường; tình yêu thương, độ lượng, nhân nghĩa trong đối nhân xử thế; tinh thần cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động sản xuất; truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo… là những giá trị bất biến của văn hóa Việt Nam, sẽ được hòa cùng những nét đẹp của văn hóa các dân tộc khác trên toàn thế giới để tiếp tục tỏa sáng và sáng tạo nên các giá trị văn hóa của thời đại mới.
Tôi mong rằng những Hội thảo Văn hóa 2022 được tổ chức tới đây sẽ thực sự mang tới nhiều hiệu quả, thiết thực, sự quan tâm và đầu tư thích đáng của Nhà nước, xã hội sẽ tạo ra được những thay đổi lớn về chính sách, thể chế tạo điều kiện cho văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững, xứng tầm; để văn hóa thực sự là luồng sáng, để “soi đường cho quốc dân đi” trong chặng đường tiếp theo của đất nước.
Cử tri Hoàng Linh (Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn): Tỉnh Lạng Sơn là nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tại đây hiện đang lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa; có nhiều di tích, danh thắng tự nhiên đẹp; có khí hậu mát mẻ và độ che phủ của rừng cao. Đây là những tiềm năng, lợi thế để địa phương khai thác, phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Tỉnh biên giới Lạng Sơn có nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa.... cùng chung sống từ lâu đời tạo nên bản sắc văn hóa bản địa đa dạng. Đây cũng là lợi thế để ngành du lịch Lạng Sơn tạo ra những những sản phẩm du lịch độc đáo nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.
Cử tri Hoàng Linh (Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn)
Tôi cho rằng, đây là vùng đất biên giới cực bắc với các tập quán đặc sắc, phong tục chợ phiên, ẩm thực, trang phục độc đáo của các dân tộc thiểu số, còn có tiềm năng hình thành các chuỗi liên kết du lịch, kết hợp các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội... Thực tế cho thấy các sản phẩm du lịch văn hóa mang những nét truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn thu hút lượng du khách không nhỏ đến với Lạng Sơn trong thời gian gần đây.
Mặc dù trong những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư cho du lịch. Song trên thực tế, du lịch văn hóa tại địa phương chúng tôi hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế; thậm chí có nơi chỉ mới mang tính định hình, khai thác đơn giản, lượng khách không đáng kể.
Tôi mong rằng, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư, giúp cho những giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống bản địa đang là tài nguyên phong phú được Lạng Sơn khai thác, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cử tri Đỗ Mạnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội): Tôi cho rằng, hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở nước ta vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương. Mặc dù các cấp, ngành liên quan và chính quyền cơ sở nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu 100% thôn, xóm có nhà văn hóa, tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề về vốn, mặt bằng vẫn là "bài toán khó” chưa có lời giải trong thực hiện xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa tại nhiều địa phương.
Cử tri Đỗ Mạnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội)
Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là xây dựng Nhà văn hóa xã, xóm, tổ dân phố nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương, Nhà văn hóa đã hư hỏng, xuống cấp, thậm chí có địa phương vẫn chưa có Nhà văn hóa. Rõ ràng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở.
Tôi mong rằng, các đại biểu tham gia Hội thảo Văn hóa 2022 lần này sẽ đưa ra được những giải pháp tốt cho thực tế trên. Qua đó, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố có Nhà văn hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, thể thao của người dân địa phương trong cả nước.
Bên cạnh các thiết chế văn hóa truyền thống, tôi cho rằng, mạng xã hội đã hình thành nên những thiết chế văn hóa số góp phần không nhỏ trong bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và lưu giữ tri thức dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Điển hình như ở Lào Cai, trong cộng đồng người Dao, kênh youtube “Dân tộc Dao Tuyển” thu hút hàng nghìn lượt theo dõi và hàng triệu lượt xem. Với gần 200 video chia sẻ nét đẹp văn hóa, cuộc sống đời thường, nghề thủ công, các nghi lễ trong đám cưới, cấp sắc, thờ cúng, trang phục truyền thống và ẩm thực độc đáo của dân tộc Dao Tuyển, kênh youtube của Vinh đã góp phần quảng bá và giới thiệu văn hóa của dân tộc Dao Tuyển nơi đây.
Tôi cho rằng, đây là sân chơi lớn trên không gian mạng, là kho tàng văn hóa, nơi cộng đồng các dân tộc trong và ngoài nước chia sẻ, giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, tập quán dân tộc mình và mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế. Vượt qua giới hạn về biên giới, địa lý, các thiết chế văn hóa số trở thành không gian văn hóa mang tính toàn cầu với lượng người theo dõi đông đảo trên toàn thế giới, góp phần xây dựng môi trường văn hóa mang bản sắc tộc người theo một xu hướng mới, đồng thời củng cố ý thức cố kết cộng đồng, kết nối cư dân các quốc gia trên toàn thế giới, cùng đề cao và tự hào về bản sắc dân tộc.
Theo thực tiễn phát triển của văn hóa, thiết chế văn hóa số đang góp phần thực hiện tốt các vai trò của thiết chế văn hóa, tham gia vào quá trình bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa bền vững, đề cao bản sắc văn hóa từng tộc người, trao truyền cho các thế hệ sau.
Do vậy, tôi cho rằng, bên cạnh việc đầu tư, tu bổ, nâng cấp các thiết chế văn hóa truyền thống, Ban tổ chức Hội thảo văn hóa 2022 cũng sẽ quan tâm đến các kiến nghị cho việc nghiên cứu đầu tư cho xây dựng và phát triển “thiết chế văn hóa số” trên không gian mạng, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông/bà!