CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022'
Cần nhận thức đầy đủ, nhất quán về di sản văn hóa
Theo các chuyên gia, vấn đề lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Cụ thể, cho đến nay, vẫn chưa có một nhận thức nhất quán về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển, thậm chí một số quan điểm xem việc bảo vệ di sản văn hóa như một sự cản trở trong quá trình hiện đại hóa. Khái niệm “di sản văn hóa” và khái niệm “phát triển” đều được hiểu khá phiến diện và hạn hẹp. Di sản văn hóa vẫn được nhận diện và đánh giá theo quan điểm chọn lọc và so sánh hơn - kém về mặt giá trị với hệ các tiêu chí áp đặt từ bên ngoài. Cách hiểu còn hạn chế như vậy tạo ra một số hệ quả không mong đợi; trong nhiều trường hợp còn khiến di sản văn hóa và phát triển không những không thể đồng hành mà còn mâu thuẫn nhau, thậm chí loại trừ nhau.
Do áp dụng cách hiểu di sản văn hóa theo quan điểm chọn lọc và so sánh hơn - kém nên các di sản văn hóa của Việt Nam được nhìn nhận rất khác nhau. Điều này dẫn đến sự phân biệt giữa các di sản được xếp hạng, được ghi danh với những di sản chưa được xếp hạng, ghi danh, tạo ra sự “ngoài lề hóa” các di sản không hoặc chưa được xếp hạng, ghi danh ra khỏi mối quan tâm bảo vệ của Nhà nước và người dân, cũng như “ngoài lề hóa” cả cộng đồng chủ nhân ra khỏi di sản vốn từng thuộc về họ ở cả khía cạnh chia sẻ lợi ích vật chất, vấn đề sở hữu cũng như tổ chức và quản lý.
Cần nhận thức đầy đủ, nhất quán để phát huy đầy đủ giá trị của di sản văn hóa
Các chuyên gia cũng cho rằng, do cách hiểu về phát triển gắn với di sản văn hóa chỉ hạn hẹp ở khía cạnh phát triển kinh tế, nên nhiều di sản văn hóa đang được khai thác vì sự tăng trưởng kinh tế là chủ yếu. Việc dùng di sản văn hóa để thu hút khách du lịch là xu hướng hoàn toàn hợp lý, song việc “hy sinh di sản”, “làm mới di sản một cách quá đà” chỉ để thu hút khách du lịch tạo ra tăng trưởng kinh tế lại là bất cập, bởi di sản văn hóa, đặc biệt di sản văn hóa phi vật thể, có nhiều vai trò và chức năng đối với sự phát triển bền vững, như: Gắn kết và tương trợ xã hội; trao truyền tri thức địa phương một cách tự nhiên; định hình, nuôi dưỡng và bồi đắp bản sắc tộc người. Đây là các giá trị tạo nên sự phát triển xã hội một cách hài hòa, gắn kết và nhân văn. Nếu di sản văn hóa được nhìn nhận trong sự gắn kết với phát triển chỉ ở khía cạnh thương mại, tăng trưởng kinh tế đơn thuần, rõ ràng nó sẽ không còn là di sản văn hóa như vốn có, phát triển cũng không được xem là phát triển đúng nghĩa mà đó chỉ là sự phát triển lệch lạc, nhất thời, thiếu bản sắc, thiếu hài hòa và đương nhiên là thiếu bền vững.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mối quan hệ giữa di sản văn hóa và phát triển hiện nay còn bị chi phối nhiều bởi các diễn ngôn được cấp thẩm quyền. Do cách nhìn nhận, đánh giá di sản văn hóa từ hệ tiêu chí của người ngoài, nhiều di sản văn hóa của các tộc người đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiều mặt của đời sống cộng đồng, không được người ngoài ghi nhận và khuyến khích bảo vệ, phát huy. Các chủ nhân di sản hay cộng đồng thực hành di sản dường như lại không có thẩm quyền nói về di sản của mình hay các triết lý phát triển mà mình lựa chọn.
Cũng theo các chuyên gia, có nhiều thách thức khác đặt ra trong quá trình nhận thức và thực hành di sản văn hóa như một nguồn lực quan trọng trong phát triển, song những thách thức trong nhận thức về di sản văn hóa và phát triển được xem là thách thức nổi trội. Nếu còn tồn tại cách nhìn, cách hiểu về di sản văn hóa và phát triển theo kiểu cao - thấp, hơn - kém, tiến bộ - lạc hậu, phát triển - kém phát triển, đa số - thiểu số, phát huy - loại bỏ,... thì di sản văn hóa và phát triển sẽ không bao giờ có thể đồng hành cùng nhau.
Tránh “hành chính hóa”, “nhà nước hóa”, “thương mại hóa”, “sân khấu hóa” di sản
Để sử dụng di sản văn hóa như nguồn lực trong phát triển, tạo nên một xã hội phát triển hài hòa, nhân văn và có bản sắc, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nêu rõ cần thay đổi quan điểm, nhận thức về nội hàm khái niệm di sản văn hóa và khái niệm phát triển. Di sản văn hóa cần được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các di sản truyền thống và các loại hình văn hóa do cha ông để lại còn tồn tại đến ngày nay, đang được thực hành và có ý nghĩa, giá trị đối với cộng đồng, xã hội. Phát triển cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng với sự đa dạng các chiều kích, mô hình cũng như triết lý. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn bao gồm nhiều khía cạnh văn hóa - xã hội khác, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự phát triển vì một xã hội hài hòa, tương trợ, đoàn kết, nhân văn và có bản sắc.
Bên cạnh đó, cần khắc phục cách nhìn một chiều trong sử dụng nguồn tài nguyên di sản văn hóa. Khắc phục cách nhìn di sản văn hóa chỉ trong vai trò khai thác, sử dụng với mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế. Cách nhìn một chiều này rất có thể tạo ra nhiều hệ quả không mong đợi, vì khi di sản văn hóa không đem lại giá trị kinh tế dễ có nguy cơ bị loại bỏ, hoặc thay đổi chức năng sử dụng. Trong khi đó, di sản văn hóa là một nguồn lực có khả năng đóng góp quan trọng vào sự phát triển bao trùm, đa chiều, bình đẳng, nhân văn và bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ việc bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Quan tâm đến vấn đề này, TS.Hoàng Cầm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, cần tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị, tính đa dạng của di sản văn hóa. Di sản văn hóa của Việt Nam luôn có sự đa dạng theo sự đa dạng sinh thái, đa dạng tộc người và đa dạng các biểu đạt văn hóa. Sự đa dạng ấy làm nên sức sống và sự giàu có cho các di sản văn hóa. Vì vậy, cần tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị và tính đa dạng của di sản văn hóa.
TS.Hoàng Cầm cũng đề nghị, cần tôn trọng và nhận thức đúng về vai trò của chủ thể di sản văn hóa. Điều này đã được khẳng định và nhấn mạnh trong Luật Di sản văn hóa, trong Công ước của UNESCO, Chiến lược phát triển văn hóa,... song việc thực hiện trong thực tế còn chưa được triệt để. Cần trao quyền quyết định, tổ chức và thực hành cho cộng đồng chủ nhân của di sản văn hóa. Các cơ quan hữu quan chỉ nên đóng vai trò tư vấn, định hướng và hỗ trợ quản lý. Song song đó, cần có các hình thức đa dạng để nâng cao năng lực tự quản lý và bảo vệ di sản cho cộng đồng.
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần giảm thiểu vấn đề “hành chính hóa”, “nhà nước hóa” di sản. Cần hạn chế sự can thiệp sâu của Nhà nước, của các nhà quản lý các cấp trong điều hành và thực hành di sản. Khắc phục suy nghĩ cho rằng Nhà nước, ngành văn hóa thực hiện chức năng quản lý di sản có nghĩa di sản văn hóa là của Nhà nước, của ngành văn hóa, là các chủ thể có thẩm quyền cao nhất đối với di sản văn hóa. Giảm thiểu vấn đề thương mại hóa, sân khấu hóa di sản. Cần giảm thiểu tối đa mục đích “thương mại hóa” di sản một cách quá đà để phục vụ du lịch, cũng như các hình thức kinh doanh khác. Trong việc trình diễn di sản, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và cố gắng hài hòa, cân đối giữa nhu cầu thị trường và lợi ích của di sản, của cá nhân người thực hành và của cả cộng đồng.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề nghị cần có biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu các nhóm lợi ích, công bằng trong chia sẻ lợi ích. Trong thực tế, ở nhiều di sản, một số địa phương đã nảy sinh hiện tượng nhóm lợi ích trục lợi từ di sản. Do vậy, cần giảm thiểu các nhóm lợi ích liên quan đến di sản và những tác động gây tổn hại đến sự tồn tại và sức sống của di sản. Cần có những cơ chế bảo đảm việc chia sẻ một cách hợp lý về lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế, giữa chủ nhân của các di sản văn hóa với các bên liên quan ở tất cả các di sản.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược truyền thông sâu rộng về di sản văn hóa và phát triển. Cần có một chiến lược truyền thông đủ mạnh và bao trùm về các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa và phát triển, từ Luật Di sản văn hóa cùng các luật liên quan đến chính sách, đường lối phát triển văn hóa, phát triển tổng thể kinh tế - xã hội./.