PGS.TS VŨ VĂN PHÚC - PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CÁC CƠ QUAN ĐẢNG TRUNG ƯƠNG: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA LÀ PHÁT TRIỂN MỘT NGÀNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

16/12/2022

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, trong các văn kiện Đại hội Đảng trước đây đều nhấn mạnh đến phát triển văn hóa. Đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ: Phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển một ngành kinh tế đặc biệt, sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt.

CÔNG BỐ ''HỘI THẢO VĂN HÓA 2022''

Họp báo Hội thảo Văn hóa 2022

Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức ngày 17/12/2022 tại tỉnh Bắc Ninh. Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 800 đại biểu là các đồng chí lãnh Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, cán bộ quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa trong nước và quốc tế…

Một trong những mục tiêu của hội thảo là tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; đồng thời đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh”.

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về quan điểm của Đảng cũng như các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết: Trong các văn kiện Đại hội Đảng trước đây đều nhấn mạnh đến phát triển văn hóa. Đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nêu rõ phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển một ngành kinh tế đặc biệt, sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt.

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Phóng viên: Xin ông cho biết quan điểm xuyên suốt, nổi bật của Đảng về công nghiệp văn hoá, nhất là trong Văn kiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bài Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021?

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Đảng ta xác định phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện Đại hội Đảng trước đây đều nhấn mạnh đến phát triển văn hóa. Trong đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu điều rất quan trọng, đó là phải phát huy sức mạnh văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần phải phát huy cao độ nguồn lực văn hóa, nguồn lực con người Việt Nam cho phát triển đất nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhấn mạnh phải chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa. Đảng ta xác định phát triển công nghiệp văn hóa là phát triển một ngành kinh tế đặc biệt, sản phẩm văn hóa là một loại hàng hóa đặc biệt.

Tôi cho rằng, Việt Nam có điều kiện và có rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp văn hóa. Thực tiễn thời gian qua chúng ta phát triển văn công nghiệp văn hóa nhưng công nghiệp văn hóa chưa trở thành một ngành kinh tế để góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Do đó, tôi cho rằng thời gian tới bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của đất nước, chúng ta phải tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để phát triển công nghiệp văn hóa; để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của dân tộc ta, nhất là truyền thống văn hóa lịch sử 4 ngàn năm của dân tộc để phát triển công nghiệp văn hóa; để công nghiệp văn hóa đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP; để các sản phẩm văn hóa của Việt Nam trở thành những sản phẩm hàng hóa đặc biệt, mang tính đặc thù của của nền văn hóa Việt Nam.

Phóng viên: Theo ông, để phát triển công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần lưu ý những gì?

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Theo tôi, để phát triển công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải coi công nghiệp văn hóa cũng là một ngành công nghiệp như các ngành công nghiệp khác. Chúng ta không nên quan niệm công nghiệp văn hóa chỉ thuộc lĩnh vực văn hóa, mà phải đặt ngành công nghiệp văn hóa trong tổng thể các ngành kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi đối xử công nghiệp văn hóa như là một ngành công nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng, thì chúng ta cũng cần để công nghiệp văn hóa phát triển và cạnh tranh một cách bình đẳng với các ngành công nghiệp khác.

Ngoài ra, Nhà nước cũng phải có sự định hướng, sự quản lý ngành công nghiệp văn hóa như các ngành công nghiệp khác; đồng thời trong xây dựng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải có thể chế cho phát triển công nghiệp văn hóa. Khi tạo môi trường cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng phải tạo môi trường cho phát triển công nghiệp văn hóa. Nhà nước cũng cần đảm bảo để công nghiệp văn hóa phát triển ngang bằng, bình đẳng, cạnh tranh một cách lành mạnh đối với các ngành công nghiệp khác, sản phẩm văn hóa được coi là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trên thị trường cả trong nước và quốc tế.

Phóng viên: Như ở trên ông đã đề cập đến vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa. Vậy ông có thể phân tích thêm về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam?

PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương: Tôi cho rằng, Nhà nước cần định hướng sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có công nghiệp văn hóa, làm thế nào để công nghiệp văn hóa của chúng ta phải mang đậm đà bản sắc dân tộc, khai thác được những tiềm năng, lợi thế của văn hóa dân tộc Việt Nam qua 4 ngàn năm lịch sử.

Cần có định hướng để công nghiệp văn hóa Việt Nam không chạy theo lợi nhuận đơn thuần, để phát triển những ngành công nghiệp văn hóa trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam.

Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa một cách lành mạnh nhất, đúng đắn nhất.

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế - xã hội, môi trường chính trị… cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó phải tạo môi trường cho công nghiệp văn hóa phát triển một cách lành mạnh trong điều kiện mới.

Đồng thời, Nhà nước cũng phải hỗ trợ, điều tiết nguồn lực, nâng đỡ cho công nghiệp văn hóa trong thời kỳ đầu phát triển; khi đã phát triển lớn mạnh thì đối xử với công nghiệp văn hóa như các ngành công nghiệp khác, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, hiệu quả trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương