BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT TRẦN HỒNG HÀ: ĐƯA RA SỚM CHÍNH SÁCH ĐỂ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

19/12/2022

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, để khuyến khích và huy động sự đầu tư của các doanh nghiệp vào xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện, đưa ra sớm những chính sách để khuyến khích sự tham gia của họ.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: CẦN CÓ THÊM BÁO CÁO VỀ Ý KIẾN CỦA CỬ TRI, DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG VIỆC XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Sáng 19/12, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Tại Phiên giải trình, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường.

Bên hành lang Phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về việc thực hiện xã hội hóa, triển khai chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.


Toàn cảnh Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. 

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, Luật Bảo vệ môi trường năm đã có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và có một số địa phương thì cũng đang thực hiện thí điểm nhưng chưa được đồng bộ. Vậy trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn, định hướng như thế nào trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một trong những chính sách hoàn toàn mới, quan trọng, liên quan đến quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Với tư duy phải biến chất thải thành tài nguyên hay nói cách khác là việc quản lý chất thải rắn phải theo hướng kinh tế tuần hoàn, trong thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều mô hình tốt về quản lý cũng như áp dụng công nghệ liên quan đến phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng đó. Tuy nhiên, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích các chính sách mới này cũng đang được xây dựng, thể chế hóa nên chưa đi vào cuộc sống.

Chúng ta thấy là do khó khăn như vậy nên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng xác định lộ trình để thực hiện đầy đủ chính sách này vào cuộc sống là vào năm 2025. Bởi vậy, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của các Bộ, ngành khác cũng như của các địa phương là phải triển khai hết sức tích cực để cụ thể hóa các chính sách này thành các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chí, các định mức, đơn giá, hình thức để tổ chức huy động sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp vào quá trình này.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Đặc biệt, nhiệm vụ trên sẽ không hoàn thành nếu không có nhận thức đầy đủ của người dân tham gia vào quá trình kinh tế tuần hoàn, tức là người dân phải có ý thức trong việc quyết định các sản phẩm của mình sử dụng phải thân thiện môi trường, hay trong phân loại, thu gom rác thải; tham gia vào quá trình xử lý chất thải rắn nói riêng cũng như trong quá trình bảo vệ môi trường nói chung.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải. Tuy nhiên, kết quả từ Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho thấy không được như mong đợi, một số quy định liên quan đến đấu thầu cũng gặp khó khăn. Vậy trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những hướng dẫn cụ thể như nào để thúc đẩy quá trình này?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Hiện nay, có một số vấn đề khó khăn trong quá trình xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải. Khó khăn thứ nhất là do cơ chế trước đây, nhiều địa phương đã lựa chọn các nhà đầu tư và các nhà đầu đã không đáp ứng yêu cầu.

Khó khăn thứ hai là trước đây, chúng ta tiếp cận cách xử lý các bãi chôn lấp chất thải rắn nhưng hiện nay lại là một vấn đề không còn phù hợp nữa. Việc liên quan đến các cơ chế, chính sách như: đơn giá, định mức, tiêu chí, hình thức lựa chọn doanh nghiệp lại tiếp cận một hướng. Do đó, việc xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường là hoạt động cần được khuyến khích, tạo điều kiện và huy động tham gia của các doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của Nhà nước nên cần phải đưa ra sớm những chính sách để khuyến khích sự tham gia. Ví dụ như Nhà nước, chính quyền địa phương phải quy hoạch hạ tầng xử lý chất thải rắn nói chung cũng như khu vực và lựa chọn các công nghệ để xử lý, tái chế.


Các đại biểu tham dự Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. 

Cơ sở hạ tầng để xử lý chất thải rắn cần có đất đai và Nhà nước phải có quỹ đất, phải có quy hoạch để huy động doanh nghiệp. Theo đó, đất đai phải được giao, chứ không thu tiền. Việc lựa chọn nhà đầu tư là lựa chọn về công nghệ, tài chính, năng lực và lựa chọn về giá thành phù hợp. Tức là ba tiêu chí quan trọng như nhau.

Ngoài ra, phải xem lại việc xác định đơn giá, định mức hiện nay chưa hấp dẫn các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước làm sao phải bố trí nguồn lực, kinh phí để hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, chúng ta sẽ có những chính sách để các nhà đầu tư, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất có những sản phẩm không thân thiện với môi trường hoặc khó xử lý, khó tái chế rác thải thì phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận cách quản lý tiên tiến và tiếp cận được chính sách là rác thải phải được sử dụng phù hợp với Chiến lược về kinh tế tuần hoàn.

Phóng viên: Như Bộ trưởng chia sẻ, có nhiều chính sách sẽ được đề ra. Vậy trong  thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa ra Thông tư, Nghị định về huy động xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp tham gia vào công tác xử lý chất thải rắn sinh  hoạt như thế nào?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Hiện có những vấn đề lớn liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục công nghệ hướng dẫn xử lý chất chất thải rắn sinh hoạt.  

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ Đề án tăng cường năng lực để thực hiện các chính sách. Đề án này bao gồm các chính sách, cơ chế tài chính, công nghệ, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực đã được đề cập đầy đủ và đã được lấy ý kiến các Bộ, ngành. Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp trong vấn đề hướng dẫn các chính sách liên quan đến lựa chọn doanh nghiệp, các vấn đề liên quan đến tài chính như đơn giá, định mức, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư…

Tôi tin rằng, mọi việc sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các Bộ, ngành Trung ương cũng như các địa phương phải tích cực làm sao để có đủ điều kiện tham gia vào công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó,  không chỉ đến năm 2025 thực hiện theo đúng lộ trình mà nếu các cơ quan, địa phương triển khai sớm hơn thì càng tốt nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân được tốt hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bích Lan