PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI TRONG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

20/12/2022

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đây là Hội nghị có tinh thần đổi mới, tổ chức gọn nhẹ nhưng chất lượng. Các báo cáo tham luận bao quát vấn đề, đề ra phương hướng thời gian tới và có nhiều đề xuất kiến nghị, trong đó nhấn mạnh cần tăng cường công tác phối hợp ngay trong từng Ủy ban của Quốc hội, phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với nhau.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

Việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế

Sau khi nghe phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội do Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày, các đại biểu nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về một số nội dung chính của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết này và cho biết, các cơ quan của Quốc hội có nhiệm vụ giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại 3 Luật (Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức Quốc hội). Thời gian qua, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo về một số nội dung chính của Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng chỉ rõ việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; các quy định về phương thức và trình tự, quy trình tiến hành còn chung chung chưa cụ thể, nhất là về từng bước tiến hành giám sát, các công việc cần tiến hành, trách nhiệm của từng chủ thể, kỳ giám sát, hồ sơ, mẫu biểu báo cáo kết quả giám sát…

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giám sát, thời gian, cách thức tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho việc tiến hành giám sát bài bản, thường xuyên, thống nhất ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật; khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm quy định chi tiết cũng như phát hiện kịp thời các văn bản có nội dung trái Hiến pháp, pháp luật; đưa công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 gồm 4 chương, 17 Điều, 3 phụ lục và đề cương báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật kèm theo, với một số nội dung chính quy định đối với các chủ thể sau: Đối với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; Đối với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; Đối với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần chú trọng đến việc thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15, đảm bảo thực hiện thống nhất, đồng bộ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội: (1) thực hiện kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 cho đến hết ngày 31/12/2022 để tổng hợp kết quả giám sát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15. (2) Xây dựng chương trình giám sát hằng năm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua Tổng Thư ký Quốc hội và tổ chức thực hiện việc báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật hằng năm (từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12), bắt đầu từ năm 2023.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ hai, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát: Thực hiện nghiêm trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát được quy định tại Điều 7 của Nghị quyết. Bên cạnh đó, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nhất là việc chuẩn bị văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo hồ sơ dự án; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật tới các cơ quan phụ trách giám sát theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe 13 Báo cáo tham luận của đại diện các bộ ngành, các Ủy ban của Quốc hội về các vấn đề liên quan tới nội dung của Hội nghị. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tham luận về “Trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật với vai trò là đối tượng chịu sự giám sát”. Đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tham luận về “Trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc ban hành văn bản liên tịch với vai trò là đối tượng chịu sự giám sát” (gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15). Đại diện các Ủy ban của Quốc hội báo cáo tham luận về quá trình tổ chức giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách, phương hướng tổ chức trong thời gian tới, đồng thời đề xuất một số kiến nghị về các nội dung liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Hội nghị.

Tăng cường công tác phối hợp trong từng Ủy ban của Quốc hội, phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Điều hành nội dung Hội nghị, qua 13 tham luận do các cơ quan hữu quan và các cơ quan của Quốc hội trình bày, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đây là Hội nghị có tinh thần đổi mới, tổ chức gọn nhẹ nhưng chất lượng. Các báo cáo tham luận của các cơ quan đề cập về nhiều nội dung rất sâu sắc, bao quát vấn đề, có đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đánh giá hạn chế, tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề ra phương hướng thời gian tới và có nhiều đề xuất kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nổi lên trong các đề xuất kiến nghị là vấn đề tăng cường công tác phối hợp ngay trong từng Ủy ban của Quốc hội, từng cơ quan của Quốc hội, phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội với nhau, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan ngoài Quốc hội, phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền giám sát với đối tượng giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc giám sát phải gắn liền với các hoạt động khác, trong đó phải thực hiện công tác xây dựng pháp luật thật tốt thì giám sát mới hiệu quả. Đồng thời giám sát văn bản quy phạm pháp luật cũng tác động ngược lại, làm cho công tác xây dựng pháp luật tốt hơn. Các báo cáo đều thể hiện, đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt liệt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thấy được rõ trách nhiệm, những việc cần làm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong thời gian tới với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các báo cáo đều thể hiện, đánh giá cao và hưởng ứng nhiệt liệt việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thấy được rõ trách nhiệm, những việc cần làm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong thời gian tới với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao.

Sau khi ban hành Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đều đã tổ chức các cuộc họp, phân công công việc cụ thể, có kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết 560 ngay từ năm 2022. Các báo cáo cũng đề cập nhiều kiến nghị, trong đó nhấn mạnh hai nội dung sau:

Thứ nhất, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội giao cho Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sau Hội nghị này, tổng hợp các ý kiến, đặc biệt lắng nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Thông báo Kết luận Hội nghị.

Thứ hai, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc trình UBTVQH để thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát văn bản quy phạm pháp luật, kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, đặt trong cơ sở dữ liệu chung của Quốc hội điện tử. Đồng thời hướng dẫn chi cho các hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật liên quan như thuê chuyên gia, phối hợp với các cơ quan khác trong việc thực hiện Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 và dành nhiều thời gian trực tiếp làm việc với cơ quan soạn thảo và chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH thông qua Nghị quyết này với tinh thần đồng thuận rất cao. Qua Hội nghị cho thấy, Nghị quyết này bước đầu đã thực sự đi vào cuộc sống và được các cơ quan hưởng ứng. Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết vào cuộc sống và có kết quả cao hơn vào đóng góp đổi mới chung của Quốc hội thì còn nhiều việc cần phải làm.

Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đây là Hội nghị có tinh thần đổi mới, tổ chức gọn nhẹ nhưng chất lượng. Các báo cáo tham luận của các cơ quan đề cập về nhiều nội dung rất sâu sắc, bao quát vấn đề, có đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đánh giá hạn chế, tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề ra phương hướng thời gian tới và có nhiều đề xuất kiến nghị. 

Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tham luận về “Trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật với vai trò là đối tượng chịu sự giám sát”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận về một số điểm nổi bật trong hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt tham luận của Thường trực Ủy ban tập trung vào 3 nội dung chính: Kết quả triển khai Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; nhận xét, đánh giá khó khăn, vướng mắc, tồn tại, nguyên nhân trong quá trình triển khai Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15; đề xuất, kiến nghị.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng báo cáo tham luận về “Trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc ban hành văn bản liên tịch với vai trò là đối tượng chịu sự giám sát” (gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa trình bày tham luận “Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Tư pháp - Thực trạng và phương hướng”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Lâm Văn Đoan trình bày tham luận việc thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Xã hội và một số kiến nghị nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát văn bản.

Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tham luận về “Trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc ban hành văn bản liên tịch với vai trò là đối tượng chịu sự giám sát” (gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Đỗ Quang Thành báo cáo tham luận “Giám sát văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, an ninh - Kết quả và phương hướng nâng cao hiệu quả”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai trình bày tham luận về quá trình thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Kinh tế phụ trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương báo cáo tham luận “Hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục – Thực trạng và Phương hướng.”

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày tham luận về “Giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách - Một số kết quả và phương hướng trong thời gian tới”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm báo cáo tóm tắt tham luận về “Quá trình Hội đồng Dân tộc tổ chức thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thời gian qua; phương hướng, tổ chức giám sát trong thời gian tới”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Anh Tuấn trình bày tham luận về “Quá trình tổ chức giám sát văn bản theo lĩnh vực phụ trách, phương hướng tổ chức trong thời gian tới”.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bích Ngọc - Phạm Thắng