CHIỀU NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’
SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’
TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
Phóng viên: “Phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa” – Đây là nội dung được các đại biểu, chuyên gia nhắc lại nhiều lần tại Hội thảo Văn hóa 2022. Ông có suy nghĩ gì về khẳng định này?
TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch:Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Đó là chân lý Bác Hồ đã chỉ ra và là định hướng soi rọi cho sự phát triển văn hóa đất nước trong suốt mấy thập kỷ qua.
Năm ngoái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt quan tâm tới việc chấn hưng nền văn hóa nước nhà, trực tiếp chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc để đánh giá toàn diện chặng đường phát triển văn hóa đã qua, khẳng định những thành tựu to lớn đã đạt được nhưng đồng thời cũng đã chỉ ra những tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó đề ra những định hướng và giải pháp quan trọng để phát triển ngành văn hóa nước nhà. Một trong các định hướng quan trọng đó là huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hóa, để sớm đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế trong tiến trình phát triển bền vững đất nước. Để biến chủ trương, định hướng đó thành hành động thực tế, mang lại hiệu quả thực sự, tôi thiết nghĩ các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải thực sự vào cuộc thực sự, động viên khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân tham gia thực sự vào việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho phát triển du lịch. Người dân phải thực sự là chủ thể bảo tồn và sáng tạo văn hóa, do đó cần khơi dậy tinh thần và niềm tự hào văn hóa truyền thống trong mỗi người dân, trong mỗi cộng đồng. Cần nhân rộng những mô hình tốt, điển hình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong việc huy động nguồn lực cho hát triển văn hóa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021
Trong nhiều năm qua Đảng ta cũng xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… (NQ TW 5 khóa VIII; NQ 33 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII…). Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước; phát triển văn hóa là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, lĩnh vực.
Và để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa, tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến, giải pháp đưa ra tại Hội thảo Văn hóa 2022 vừa qua. Tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, chúng ta cần củng cố xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa; tạo lập hành lang pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa.
Đồng thời, củng cố xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quản lý Nhà nước đối với hoạt động văn hóa; tạo lập hành lang pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm kinh tế, an sinh và phúc lợi xã hội; cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, để mọi hoạt động văn hóa gắn kết và thấm sâu vào nhận thức, thái độ, hành vi trong mọi hoạt động và các mối quan hệ. Việc nhận thức đúng về vai trò của văn hóa sẽ là động lực thúc đẩy mọi người trân trọng, bảo tồn và khai thác nguồn lực văn hóa một cách hợp lý, sáng tạo.
Bảo đảm sự cân bằng và hài hòa trong việc phát triển văn hóa giữa các tầng lớp nhân dân, thu hẹp khoảng cách về mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, để mỗi người dân ai cũng được quyền và có điều kiện thụ hưởng các sản phẩm văn hóa.
Đặc biệt, tăng cường nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa từ ngân sách của nhà nước và xã hội hóa cho: trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể; xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thực hành và thụ hưởng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân; đào tạo nguồn nhân lực đối với các ngành, lĩnh vực văn hóa; hoạt động sáng tạo văn hóa…
Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về văn hóa để huy động sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho sự nghiệp phát triển văn hóa.
Phóng viên: Hội thảo Văn hóa 2022 là một hội thảo lớn với quy mô tầm cỡ quốc gia, chỉ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Số lượng tham luận và ý kiến đóng góp cho Hội thảo vô cùng nhiều. Theo ông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Ban Tổ chức Hội thảo làm sao để có thể chắt lọc được những đề xuất hiệu quả và phù hợp?
TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Tôi cho rằng, Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 hoàn toàn có thể chắt lọc được những đề xuất hiệu quả và phù hợp, bởi qua theo dõi, tôi nhận thấy Ban Tổ chức Hội thảo đã xác định được chính xác mục đích và mục tiêu sẽ đạt được trong buổi hội thảo từ đó dẫn dắt các ý kiến góp ý hướng theo đúng trọng tâm, trọng điểm.
Hội thảo Văn hóa 2022
Căn cứ vào các chủ đề tham luận đã được đặt hàng, cũng như các nội dung chính trao đổi lấy ý kiến, Ban Tổ chức có thể xem xét tập hợp thành các nhóm chủ đề. Theo tôi, Ban tổ chức cần hình thành Tổ thư ký có thành viên là các chuyên gia giỏi, am hiểu sâu rộng về kinh tế - văn hóa – xã hội và tâm huyết, có khả năng tổng hợp tốt, nghiên cứu đầy đủ các tham luận và chắt lọc những ý tưởng, đề xuất hay nhất ở mỗi tham luận, đồng thời tổng hợp thành các nhóm vấn đề để đề xuất chủ trương, chính sách mới về phát triển văn hóa với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sau khi kết thúc Hội thảo.
Phóng viên: Theo ông, sau khi kết thúc hội thảo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như Ban Tổ chức Hội thảo nên làm gì để tiếp tục lan tỏa nội dung của Hội thảo, tạo hiệu ứng tích cực rộng rãi trong cộng đồng?
TS.Nguyễn Anh Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Về hiệu ứng truyền thông của Hội thảo, tôi cho rằng Ban Tổ chức đã phối hợp với các đơn vị triển khai và dẫn dắt rất tốt. Hướng sự quan tâm của dư luận thông qua các kênh truyền thông chính thống, uy tín có lượng truy cập, tương tác cao như các nền tảng số của Truyền hình Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội và website chính của Hội thảo. Các tuyến bài tuyên truyền trước, trong và sau rất đậm nét, rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chủ đề và kết quả của Hội thảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận tại Hội thảo Văn hóa 2022
Để tiếp tục lan tỏa nội dung của Hội thảo, tạo hiệu ứng tích cực rộng rãi trong cộng đồng, tôi cho rằng trong thời gian tới, Ban Tổ chức Hội thảo cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về kết quả Hội thảo. Đặc biệt, chú trọng truyền thông qua nhiều kênh như báo, đài có uy tín như đã làm; trên một số nền tảng mạng xã hội - là những kênh truyền tải thông tin có sức lan tỏa rộng và nhanh.
Các kết quả của hội thảo phải được tuyên truyền rộng rãi trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân để vừa nâng cao nhận thức, vừa khích lệ tất cả mọi người cùng hành động.
Tôi cho rằng, văn hóa là hơi thở của cuộc sống, vì vậy, các kết quả của Hội thảo văn hóa do Quốc hội chủ trì, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận cần trở thành những luồng sinh khí mới tiếp thêm động lực và niềm tự hào cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và mọi người dân, cộng đồng khắp mọi miền đất nước để huy động tối đa sức mạnh trong dân và sức mạnh của toàn dân tộc cho phát triển và chân hưng văn hóa nước nhà, làm cho văn hóa Việt Nam mãi trường tồn trong lòng dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước và lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu để góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cũng cần phổ biến kết quả nội dung hội thảo (kỷ yếu hội thảo) đến toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng có chuyên ngành văn hóa, du lịch.
Đồng thời, duy trì việc tổ chức hội thảo thường xuyên và các hội thảo chuyên đề sau Hội thảo nhằm chia sẻ và trao đổi nội dung nghiên cứu có liên quan, từ đó hình thành nên chuỗi hội thảo mang tính chất định kỳ và quen thuộc đối với các nhà khoa học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!