TẬP TRUNG CÁC NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN, BAO TRÙM CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

23/12/2022

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đòi hỏi một tư duy linh hoạt, đổi mới trong thể chế, chính sách cho lĩnh vực này. Hội thảo đã thống nhất tập trung thực hiện các nhóm chính sách lớn, bao trùm để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

GIẢI MÃ THÀNH CÔNG “HỘI THẢO VĂN HÓA 2022”

Hội thảo Văn hóa 2022

Diễn ra trong 1 ngày, với 800 đại biểu tham dự trực tiếp, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” đã thành công tốt đẹp. Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, cho thấy bức tranh về văn hóa khá toàn diện, nhiều giải pháp thiết thực cho phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Hoàn thiện thể chế, chính sách với một tư duy mới

Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa là nội dung lớn, quan trọng và thiết thực. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn lớn trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra, có nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang gặp khó khăn do thể chế chưa theo kịp thực tiễn. Điều quan trọng là phải mang tư duy mới, phù hợp xu thế thời đại trong việc xây dựng thể chế.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, xu thế chung trên thế giới là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm. Chúng ta vẫn thông qua các quy định có từ trước để từ đó văn nghệ sĩ có thể sáng tạo, biết được mình có thể làm gì hay không được làm gì. Từ đó, họ có được những sản phẩm phù hợp. Cơ chế hậu kiểm giúp chúng ta tăng trách nhiệm của nghệ sĩ với sản phẩm của mình.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng, năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ không bị giới hạn bởi những quy định pháp luật. Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể, khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm công việc sáng tạo. Trong xây dựng công nghiệp văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng. Người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ là giải quyết các vấn đề cũ.

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhấn mạnh, khi xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực văn hóa cần có tầm nhìn xa, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sức sống lâu dài và có thể hậu thuẫn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa về lâu dài.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng việc kiểm duyệt cần phải được nhìn nhận là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân. Theo đó, thay vì kiểm soát hay soi xét, nghệ sĩ cần được trao những trách nhiệm với cộng đồng, với khán giả và cả sự hợp tác với cơ quan quản lý thay vì lẩn tránh, gian dối hay đối đầu. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Các chuyên gia cho rằng, xây dựng thể chế để văn hóa phát triển không chỉ liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà cần quan tâm đến lĩnh vực khác mới có tính đồng bộ. Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành, như: Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp; nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa.

Cụ thể, Luật Đầu tư cần các quy định pháp luật liên quan và quy định pháp luật chuyên ngành về văn hóa để tạo cơ sở pháp lý cho nguồn lực từ Nhà nước. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan để khơi thông nguồn lực từ văn hóa trong hạ tầng của văn hóa như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó có chính sách phù hợp phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; cơ chế tự chủ tài chính đồng bộ với nhân sự, kế hoạch của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa. Bổ sung các chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa từ nguồn lực nhà nước, ưu tiên nhân lực sáng tạo và nhân lực quản lý.

Triển khai các nhóm chính sách lớn, bao trùm

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc hoàn thiện thể chế văn hóa phải bảo đảm các yêu cầu tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hóa, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước; giải quyết hài hòa 5 mối quan hệ: Giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa qua 9 nhóm chính sách lớn, bao trùm: Phát triển con người Việt Nam toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với các trọng tâm là xây dựng đời sống văn hóa, phát triển và quản lý hệ thống hạ tầng, thiết chế và không gian văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học-nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bảo đảm mức chi đầu tư cho văn hóa ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả Trung ương và địa phương), quan trọng hơn là khơi thông nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa.

Các cơ quan của Quốc hội sẽ tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả hội thảo và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời đề nghị các địa phương tiếp thu các khuyến nghị của hội thảo để triển khai tốt các nhiệm vụ về văn hóa./.

Thu Phương