QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 23/12/2022

23/12/2022

"Phó Chủ tịch Thường Trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khởi công dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tại Tp.Huế; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp thứ 4 của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Vũ Hải Hà chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba..." là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày (23/12/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 22/12/2022

* Sáng 23/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường Trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ khởi công dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án giao thông quan trọng này được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, với tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 1.855 tỷ đồng, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Đây là dự án quan trọng, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực theo quy hoạch đã được phê duyệt, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến QL1 và các tuyến nội thị, đoạn qua trung tâm TP. Huế, tạo tiền đề cho sự phát triển mọi mặt của địa phương.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN DỰ LỄ KHỞI CÔNG DỰ ÁN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM TẠI TP. HUẾ

* Sáng 23/12, nhân dịp Giáng sinh năm 2022, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm, chúc mừng Tổng giáo phận Huế.

Tại Tổng Giáo phận Huế, trong không khí cả nước đón mừng Giáng sinh 2022 và năm mới 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ vui mừng thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đến thăm, chúc mừng Tổng Giáo phận Huế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chúc Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng các chức sắc, tu sỹ, đồng bào Công giáo Tổng giáo phận Huế đón mùa Giáng sinh, năm mới an lành, hạnh phúc, tỏa sáng phúc âm trong lòng dân tộc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2022 TẠI GIÁO PHẬN HUẾ

* Chiều 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức lễ công bố và trao các Nghị quyết phê chuẩn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại và Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng tập thể Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã được kiện toàn nhân sự lãnh đạo, chúc mừng đồng chí Lê Thu Hà và đồng chí Phạm Nam Tiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng giao nhiệm vụ, ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng ở cương vị công tác mới, hai đồng chí mới được bổ nhiệm phải xác định rõ trách nhiệm của mình, luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TRAO NGHỊ QUYẾT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

* Chiều 23/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu nội dung và chương trình kỳ họp phải được truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri được biết. Đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội có hình thức phù hợp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề thuộc nội dung kỳ họp...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian từ nay đến khi tiến hành kỳ họp còn rất ngắn, công việc cuối năm rất nhiều, vì vậy, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần đề cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực ở mức cao nhất nhằm bảo đảm tổ chức thành công Kỳ họp bất thường thứ 2 của Quốc hội. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ HỌP CHUẨN BỊ KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2

* Sáng 23/12, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 4. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV được thành lập tháng 9/2021 với 27 thành viên, bao gồm các nhà khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các thành viên là đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Tại Phiên họp thứ tư này, Hội đồng khoa học sẽ tiến hành tổng kết quả công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; xem xét, cho ý kiến về định hướng một số nội dung nghiên cứu khoa học năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong năm vừa qua, Hội đồng khoa học đã có nhiều đóng góp vào hoạt động của Quốc hội theo hướng gắn liền với chương trình nghiên cứu và chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Trong đó, tại Phiên họp thứ hai, Hội đồng khoa học đã tổ chức “Góp ý sửa đổi Luật đất đai theo Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 4 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo số 1877/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 18 về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Tại phiên họp thứ 18, ngày 13/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ ĐIỀU CHỈNH DỰ TOÁN KINH PHÍ CỦA TỔNG CỤC THUẾ, TỔNG CỤC HẢI QUAN VÀ BỔ SUNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

* Sáng 23/12, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba Vũ Hải Hà chủ trì hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn cho cả hai nước Việt Nam và Cuba. Trong bối cảnh đó, quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục được tăng cường thông qua các hoạt động trao đổi thư, điện giữa Lãnh đạo cấp cao, các hoạt động trao đổi đoàn, hội đàm trực tuyến các cấp.

Cùng với đó, các hoạt động tiếp xúc cấp cao, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần quan hệ đặc biệt. Về kinh tế, thương mại, hai bên hợp tác chặt chẽ trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Việt Nam duy trì ổn định cung cấp gạo cho Cuba, hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất nông nghiệp…

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI VŨ HẢI HÀ CHỦ TRÌ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2022 CỦA HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM - CUBA

* Chiều 23/12, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Tiểu ban Xây dựng, giao thông, công thương của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm việc với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về Kế hoạch tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết: Ngày 02/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (dự án Luật). Ngày 28/11/2022, Tổng Thư ký Quốc hội có Báo cáo số 1832/BC-TTKQH tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tổng số có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tiểu ban Xây dựng, giao thông, công thương xây dựng dự kiến Kế hoạch tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Thời gian từ sau kỳ họp thứ 4 đến khi dự án Luật được thông qua.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN KHCN&MT LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ KẾ HOẠCH TIẾP THU, GIẢI TRÌNH, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

* Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH 15, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm nhấn mạnh, khi triển khai các hoạt động, Hội đồng Dân tộc luôn chú trọng công tác giám sát, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để đánh giá kết quả xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm nêu rõ, cùng với các hoạt động giám sát đã được luật định trước đó (tham gia giám sát tối cao của Quốc hội; giám sát chuyên đề của UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội; giám sát, khảo sát chuyên đề, chất vấn, phiên giải trình theo chương trình của HĐDT) thì sang nhiệm kỳ khóa XV, việc tham gia giám sát các quy định có liên quan đến chính sách dân tộc ngay tử bước xây dựng luật và các dự thảo văn bản của HĐDT đã được luật hóa, bảo đảm các quy định liên quan đến chính sách dân tộc được ban hành đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và đồng bộ, thống nhất với các luật hiện hành có quy định liên quan đến chính sách dân tộc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM: KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH DÂN TỘC NHẰM ĐÁP ỨNG TÍNH THỰC TIỄN

* Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt diễn ra mới đây, thực tế công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập cần được tập trung xem xét, giải quyết. 

Các đại biểu cũng chỉ ra nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện quy trình, thủ tục xin cấp phép đầu tư nhà máy xử lý rác thải; chưa áp dụng đồng bộ chính sách thu hút đầu tư, xã hội hóa xử lý rác thải ở các địa phương; tỷ lệ rác thải được xử lý bằng chôn lấp trực tiếp còn cao (70%), tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt người dân…

Một số đại biểu lưu ý, chính sách về giá đối với thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên thực tế còn bất cập, mức thu hiện nay chưa đáp ứng được chi phí cho thu gom, vận chuyển, ngân sách nhà nước phải bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển. Việc đầu tư các cơ sở xử lý rác thải phân tán, quy mô nhỏ tại một số địa phương, khu vực nông thôn hiệu quả thấp, khó kiểm soát việc bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ THAM GIA VÀO XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN NĂNG LỰC QUẢN TRỊ, CÔNG NGHỆ VÀ GIÁ XỬ LÝ RÁC

* Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, cần có một tư duy mới về công viên nói riêng và không gian tiện ích của Thủ đô nói chung. Với nguồn lực hiện có, với cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội đã trao cho Hà Nội và sự đóng góp bằng tinh thần, bằng trí tuệ của người dân, đủ sức tạo ra không gian xanh, công viên xứng tầm

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, không thể lấy lý do an ninh để dựng hàng rào, làm cửa ra vào, bởi một cái cổng không giải quyết được vấn đề an ninh, mà là mỗi người dân có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ an ninh, trật tự. Chúng ta không thiếu gì những giải pháp, biện pháp phòng ngừa, công viên càng thoáng, càng sáng, càng nhiều người thì càng ít tội phạm, ít tệ nạn. Ngược lại công viên càng tối, càng khuất, càng ngăn trở, người dân ngần ngại vào đó thì đây lại là mảnh đất, khoảng tối của những tệ nạn xã hội.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, cần có một tư duy mới về công viên nói riêng và không gian tiện ích của Thủ đô nói chung. Phát triển kinh tế là trọng tâm nhưng cũng luôn nhớ rằng văn hóa là nền tảng đặc biệt là Hà Nội - Thủ đô của chính trị, văn hóa và khi nghĩ về Hà Nội là nghĩ về văn hóa Tràng An thanh lịch, muốn vậy cần phải có hạ tầng tương xứng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ MỘT TƯ DUY MỚI VỀ CÔNG VIÊN VÀ KHÔNG GIAN TIỆN ÍCH CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

* Tại Hội thảo Văn hóa 2022, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đòi hỏi một tư duy linh hoạt, đổi mới trong thể chế, chính sách cho lĩnh vực này. Hội thảo đã thống nhất tập trung thực hiện các nhóm chính sách lớn, bao trùm để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng việc kiểm duyệt cần phải được nhìn nhận là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân. Theo đó, thay vì kiểm soát hay soi xét, nghệ sĩ cần được trao những trách nhiệm với cộng đồng, với khán giả và cả sự hợp tác với cơ quan quản lý thay vì lẩn tránh, gian dối hay đối đầu. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc.

Các chuyên gia cho rằng, xây dựng thể chế để văn hóa phát triển không chỉ liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà cần quan tâm đến lĩnh vực khác mới có tính đồng bộ. Các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất điều chỉnh, sửa đổi một số luật chuyên ngành, như: Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp; nghị định về khuyến khích xã hội hóa nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TẬP TRUNG CÁC NHÓM CHÍNH SÁCH LỚN, BAO TRÙM CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

* Quan tâm đến Hội thảo Văn hóa 2022, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho rằng, để các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước thấm sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt trong hoạt động bảo tồn di sản văn hoá (DSVH), điều kiện tiên quyết đặt ra là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước...

PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra 12 định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Đảng ta luôn chủ trương kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò tổng hợp của toàn xã hội, của các đoàn thể xã hội, cộng đồng cư dân ở các địa phương, của gia đình, các dòng họ và nhà trường cho việc chăm lo xây dựng con người, tạo lập hệ giá trị văn hoá của từng cá nhân con người Việt Nam.

Hệ giá trị con người Việt Nam phải là cơ sở để xây dựng hệ giá trị văn hoá của quốc gia dân tộc. Theo đó, Đảng ta xác định nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Hệ giá trị văn hoá thể hiện rõ 7 đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI: TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA

* Theo dõi Hội thảo Văn hóa 2022, các chuyên gia đánh giá cao công tác truyền thông của Hội thảo và cho rằng truyền thông đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng phản ánh, đi sau kiểm chứng” góp phần vào thành công cho Hội thảo.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, khi truyền thông được khai thác tốt, sẽ phát huy hiệu quả và sức tác động rất lớn. Cách làm mới của Hội thảo năm nay là công tác truyền thông được quan tâm và tiến hành bài bản, chuyên nghiệp cả trước, trong và sau Hội thảo. Chính vì thế Hội thảo đạt được hiệu ứng xã hội tốt, có sức lan tỏa lớn, thu hút được sự chú ý của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

NSƯT Trần Ly Ly – Cục trưởng Cục biểu diễn nghệ thuật khẳng định truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực, không riêng lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Truyền thông là một phần quan trọng trong của bất kỳ một lĩnh vực nào, truyền thông đóng vai trò “đi trước mở đường, đi cùng phản ánh, đi sau kiểm chứng”. Nếu không có truyền thông thì nghệ thuật biểu diễn giống như “mất đi đôi cánh, không thể bay lên, bay xa, bay rộng được”.

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÀNH CÔNG “HỘI THẢO VĂN HÓA 2022” - VAI TRÒ TRUYỀN THÔNG ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

* Sáng 23/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tổ chức hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Đắk Nông Ngô Thanh Danh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng kiến nghị một số vấn đề với Trung ương để tăng cường hiệu quả hơn nữa hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh nói chung và Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nói riêng như: đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, thiết lập các quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan với Đoàn ĐBQH tỉnh, trong đó nêu rõ hình thức chế tài nếu không thực hiện xử lý ý kiến, kiến nghị do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK NÔNG TỔNG KẾT NĂM 2022 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2023

* Ngày 23/12/2022, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện Nghị quyết số 88/2013/NQ-H13 và Nghị quyết số 51/2017/NQ-QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Qua giám sát thực tế, Đoàn giám sát đã ghi nhận những khó khăn, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và cơ cấu bộ môn theo chương trình học dục phổ thông mới...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG THỰC HIỆN GIÁM SÁT TẠI THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG

* Chiều 22/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình do đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã khảo sát "việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội (NQ43) và Nghị quyết số 11/NQCP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ (NQ11) tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hòa Bình (NHCSXH)”.

Tại hội nghị, các đại biểu và chi nhánh NHCSXH tỉnh Hòa Bình đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay đối hộ gia đình có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật để phát triển SX-KD. Nâng mức cho vay chương trình NS&VSMTNT từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình để phù hợp với chi phí xây dựng thực tế và hộ SX-KD tại vùng khó khăn từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/hộ không phải thực hiện đảm bảo tiền vay.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH KHẢO SÁT TẠI CHI NHÁNH NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TỈNH

Hồ Hương

Các bài viết khác