HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH: ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC VÀO THÀNH CÔNG CHUNG TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

26/12/2022

Trong năm 2022, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026 đã tích cực hoạt động, cho ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,… đóng góp vào những thành công chung trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

GS.TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - CHỦ TỊCH QUỐC HỘI CHỦ TRÌ HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 4 HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 -2026 được thành lập theo Nghị quyết số 287/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/9/2021. Hội đồng khoa học gồm 27 thành viên là đại diện các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và những chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn phù hợp, nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học đã và đang hoạt động ở trong, ngoài các cơ quan của Quốc hội.

Nhiệm vụ của Hội đồng khoa học được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 1227 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-HĐKH15 ngày 13/10/2021 của Hội đồng khoa học ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học, bao gồm: Thảo luận, xem xét định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; Tư vấn về danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm; Nghiên cứu, tham mưu, đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luât, các vấn đề quan trọng của đất nước… và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền giao.

Trong năm 2022, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026 đã tích cực hoạt động, cho ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội,…  góp phần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cũng như đóng góp vào những thành công chung trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Một số kết quả nổi bật trong hoạt động của Hội đồng khoa học năm 2022 phải kể đến như: Ban hành Danh mục các nhiệm vụ khoa học năm 2023 đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Tổ chức các phiên họp, hội thảo đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước…, phục vụ có hiệu quả cho việc hoàn thiện các dự án Luật và các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;…

Đặc biệt, trong Phiên họp thứ hai, Hội đồng khoa học đã tổ chức hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Đất đai theo Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”. Xác định đây là dự án Luật khó, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, có tầm tác động, ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực, Hội đồng khoa học đã tổ chức phiên họp với quy mô rộng lớn, mời các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan, huy động được hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm,…

 Hội thảo “Góp ý sửa đổi Luật Đất đai theo Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”

Kết quả cho thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng và các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vừa qua.

Tiếp đó, tại Phiên họp thứ ba Hội đồng khoa học đã góp ý vào dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”. Các thành viên Hội đồng khoa học đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị về các nội dung cần quan tâm trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị.

Phiên họp thứ ba của Hội đồng khoa học góp ý vào dự thảo "Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật"

Cũng trong năm 2022, Hội đồng khoa học còn phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)”. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đại biểu Quốc hội trao đổi với các chuyên gia về vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đã được đại biểu Quốc hội ghi nhận và cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo Luật, phục vụ tốt cho việc tiếp thu, hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Thông qua các phiên họp, các hội thảo, tọa đàm, các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng khoa học và các chuyên gia, nhà khoa học được lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, nhiều ý kiến tâm huyết, có tính khoa học, phản biện và mang tính xây dựng. Với cách thức tổ chức linh hoạt, đa dạng đã mang lại hiệu quả rõ nét trong hoạt động của Hội đồng khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng khoa học còn tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Viện Nghiên cứu lập pháp dưới hình thức tham gia các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm, cho ý kiến góp ý về dự thảo các dự án luật, các vấn đề quan trọng của đất nước; hội thảo, tọa đàm thuộc phạm vi của nhiệm vụ khoa học; tham gia các cuộc họp Hội đồng tư vấn thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ;…

Hội đồng khoa học phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)” 

Trong suốt quá trình hoạt động, Hội đồng khoa học luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và ủng hộ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng khoa học, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, với sự ra đời Nghị quyết số 1227/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để việc triển khai thực hiện công tác nghiên cứu và quản lý khoa học đi vào nề nếp, rõ ràng, công khai, minh bạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Định hướng nghiên cứu khoa học của cả nhiệm kỳ đã xác định rõ nội dung nghiên cứu. Đồng thời, Hội đồng khoa học đã ban hành đầy đủ các văn bản về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học (ban hành Nghị quyết về Quy chế hoạt động của Hội đồng khoa học, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng khoa học, Quyết định về việc ban hành Chương trình công tác của Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021 -2026…).

Có thể thấy, với những đổi mới mạnh mẽ và kết quả thực tế đạt được, hoạt động của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đã đóng góp thiết thực vào thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội./.

Lê Anh - Nghĩa Đức