QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 23/12/2022
* Tối 23/12, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thượng viện Vương quốc Campuchia đã đến Đà Nẵng, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị giao lưu Nghị sĩ hữu nghị giữa Nghị viện hai nước Việt Nam – Campuchia. Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chào đón Đoàn tại sân bay.
Triển khai chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022 của lãnh đạo Quốc hội và Kế hoạch hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội Việt Nam phối hợp với Quốc hội, Thượng viện Campuchia tổ chức Hội nghị giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của hai nước từ ngày 23 -27/12/2022, tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Xem nội dung chi tiết tại đây: THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VỚI CƠ QUAN LẬP PHÁP CAMPUCHIA
* Sáng 24/12, tại Quảng Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Đoàn đại biểu Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia, Nhóm nghị sỹ hữu nghị Campuchia – Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Thanh tra Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam Men Sam An làm Trưởng Đoàn đến thăm và làm việc tại Tập đoàn THACO.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp nói chung và THACO nói riêng đã góp phần hiệu quả cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia, cùng vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CÙNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ THƯỢNG VIỆN CAMPUCHIA THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI THACO CHU LAI
* Chiều tối 24/12, tại Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã có cuộc tiếp xã giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Thanh tra Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An và Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải vui mừng được tiếp đón Đoàn nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội và Thượng viện Campuchia do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Thanh tra Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An làm Trưởng Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao hoạt động hợp tác giữa Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Campuchia và 02 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội và Thượng viện Campuchia và rất coi trọng Hội nghị giao lưu Nghị sĩ hữu nghị hai nước.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC NHÓM NGHỊ SỸ HỮU NGHỊ HAI NƯỚC VIỆT NAM – CAMPUCHIA TRONG HIỆN THỰC HÓA CÁC THỎA THUẬN CAM KẾT, KHÔNG NGỪNG VUN ĐẮP QUAN HỆ HAI NƯỚC
* Tối ngày 24/12, tại Thành phố Đà Nẵng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã chủ trì buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia nhân dịp các đại biểu tham dự Hội nghị giao lưu giữa các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước.
Trong không khí vui mừng kỷ niệm “Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, chào mừng 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (24/6/1967 - 24/6/2022) trước thềm năm mới 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ vui mừng được chào đón Đoàn đại biểu Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia – Việt Nam của Quốc hội và Thượng viện Campuchia sang tham dự Hội nghị giao lưu Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại thành phố Đà Nẵng.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA SẼ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, MẠNH MẼ VÌ LỢI ÍCH CHUNG CỦA NHÂN DÂN HAI NƯỚC
* Sáng 24/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn và Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng nêu rõ, Luật Giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua năm 2005 đã mở ra khung pháp lý quan trọng cho việc xác lập các hình thức giao dịch, trao đổi, thông tin trên môi trường mạng, giúp kiến tạo các khuôn khổ pháp lý, nền tảng cơ bản của việc tạo dựng hình thức giao dịch mới, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia...
Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI THẢO GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)
* Sáng 25/12, tại TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp chuẩn bị đón năm mới 2023 và Tết nguyên đán Quý Mão, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến thăm và chúc mừng năm mới nguyên Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Khóa X Trương Mỹ Hoa và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Khoá VIII Nguyễn Thị Ngọc Phượng.
Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN THĂM VÀ CHÚC MỪNG NĂM MỚI NGUYÊN LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC
* Sáng 25/12, tại Đà Nẵng, Quốc hội Việt Nam phối hợp cùng Quốc hội, Thượng viện Vương quốc Campuchia tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022” và kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1967 -2022).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, năm 2022 là năm rất đặc biệt với hai nước Việt Nam và Campuchia. Quan hệ hai nước tiếp tục phát triển và ổn định. Trao đổi đoàn cấp cao và các cấp gần đây tăng mạnh; hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa trong khuôn khổ Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022 kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967- 24/6/2022).
Xem nội dung chi tiết tại đây:
- KHAI MẠC HỘI THẢO TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ NGHỊ VIỆN CAMPUCHIA
- CHIA SẺ KINH NGHIỆM CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM TRONG PHỤC HỒI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, VĂN HÓA, DU LỊCH
* Ngày 25/12, tại Đà Nẵng, trong không khí hữu nghị, hợp tác, với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Campuchia đã thành công tốt đẹp. Hai bên đã có những trao đổi sôi nổi, cởi mở, mang tính lý luận và thực tiễn cao, bao trùm nhiều nội dung về vai trò của Quốc hội...
Hội thảo đã thực sự ghi dấu cho năm “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022”; đồng thời định hình cơ chế trao đổi thường xuyên đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động của cơ quan lập pháp mỗi nước.
Xem nội dung chi tiết tại đây: BẾ MẠC HỘI THẢO TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM QUỐC HỘI VIỆT NAM – CAMPUCHIA: ĐỊNH HÌNH CƠ CHẾ TRAO ĐỔI THƯỜNG XUYÊN, ĐI VÀO CHIỀU SÂU, THỰC CHẤT GÓP PHẦN NÂNG TẦM HỢP TÁC HAI QUỐC HỘI
* Chiều tối 25/12, tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã có cuộc tiếp xã giao Đoàn nghị sĩ hữu nghị Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quan hệ và Thanh tra Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam Quốc hội Vương quốc Campuchia Men Sam An làm Trưởng Đoàn, đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự cuộc tiếp.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng bày tỏ vui mừng được đón Đoàn nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia đến thăm và làm việc lần này; vinh dự khi Quốc hội hai nước Việt Nam và Campuchia đã lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến cho chương trình hội thảo lần này, là hoạt động ghi dấu cho “Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022” cũng như hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước.
Xem nội dung chi tiết tại đây: BÍ THƯ THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG TIẾP XÃ GIAO ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ THƯỢNG VIỆN VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA: THÚC ĐẨY HỢP TÁC GIỮA CÁC ĐỊA PHƯƠNG HAI NƯỚC
* Sáng 26/12, tại Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã có cuộc tiếp xã giao Chủ nhiệm Ủy ban Y tế, Các vấn đề xã hội, Phục hồi kỹ năng Thanh niên, Lao động, đào tạo nghề và Công tác Phụ nữ, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, trong mối quan hệ hữu nghị hợp tác đặc biệt Việt Nam - Campuchia, Đà Nẵng có trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy và nâng tầm hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa Đà Nẵng với các địa phương của Campuchia nói riêng; tin tưởng Quốc hội Việt Nam và Quốc hội, Thượng viên Campuchia tiếp tục hợp tác hiệu quả, thiết thực, làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước.
Điểm lại những hoạt động của Đoàn tại Đà Nẵng lần này, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thượng viện Vương quốc Campuchia Mean Som An chúc mừng lãnh đạo và người dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được kết quả tốt đẹp trong phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về nhiều mặt.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP.ĐÀ NẴNG LƯƠNG NGUYỄN MINH TRIẾT TIẾP CHỦ TỊCH NHÓM NGHỊ SĨ HỮU NGHỊ CAMPUCHIA – VIỆT NAM CỦA THƯỢNG VIỆN CAMPUCHIA
* Sáng 26/12, tiếp tục chương trình công tác tại Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động giao lưu Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước Việt Nam – Campuchia, để tìm hiểu về tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động doanh nghiệp Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Vương quốc Campuchia đã có buổi thăm và làm việc tại Tổng Công ty Cổ phần dệt may Hòa Thọ, Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Vương quốc Campuchia Mean Som An gửi lời cảm ơn Đảng ủy, chính quyền Thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện, giới thiệu cho Đoàn đến tham khảo mô hình hoạt động của doanh nghiệp. Đánh giá cao hoạt động của doanh nghiệp, nhận thấy sự phát triển doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp tiên phong, tiêu biểu của không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nước, Theo đó, doanh nghiệp có quy mô lớn, sử dụng lượng lớn người lao động nhiều, các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ trong nước mà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN NGHỊ SỸ HỮU NGHỊ THƯỢNG VIỆN CAMPUCHIA THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN DỆT MAY HÒA THỌ
* Trong năm 2022, Hội đồng khoa học nhiệm kỳ 2021-2026 đã tích cực hoạt động, cho ý kiến, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,… đóng góp vào những thành công chung trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội
Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021 -2026 được thành lập theo Nghị quyết số 287/NQ- UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/9/2021. Hội đồng khoa học gồm 27 thành viên là đại diện các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và những chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn phù hợp, nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học đã và đang hoạt động ở trong, ngoài các cơ quan của Quốc hội.
Xem nội dung chi tiết tại đây: HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH: ĐÓNG GÓP THIẾT THỰC VÀO THÀNH CÔNG CHUNG TRONG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
* Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã được Ủy ban chú trọng, nhất là sau khi Nghị quyết này có hiệu lực...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 560/NQ-UBTVQH15 được ban hành, Thường trực Ủy ban đã sớm đưa hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật vào Chương trình giám sát năm 2021. Theo phân công, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hiện đang chủ trì thẩm tra tổng cộng 37 Luật, đồng thời tham gia phối hợp thẩm tra 03 luật với nhiều nội dung liên quan tới Ủy ban.
Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN KH, CN&MT LÊ QUANG HUY: KỊP THỜI THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
* Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu lập pháp được UBTVQH ban hành ngày 29/9/2021. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết đã trở thành khuôn khổ pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Viện Nghiên cứu lập pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của UBTVQH, Quốc hội.
Thông qua việc đánh giá đúng vị trí, vai trò cũng như các hạn chế, bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu lập pháp đối với hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt tháo gỡ một loạt các nút thắt về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực… nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.
Xem nội dung chi tiết tại đây: MỘT NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2021/UBTVQH15: VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP - KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ QUAN TRỌNG VÀ NHỮNG ĐỘT PHÁ TRONG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
* Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong hai năm 2023 và 2024 sẽ không còn ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nữa. Thay vào đó là tổ chức triển khai để năm 2025 là chính sách pháp luật phải áp dụng vào cuộc sống. Bộ sẽ có những văn bản để gắn trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thực hiện.
Tại Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với những kết quả đạt được nêu trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ và địa phương, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của các bộ, địa phương trong việc tổ chức thực hiện, thực thi trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt.
Xem nội dung chi tiết tại đây: NĂM 2025, CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG
* Góp ý vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây, Ths.Hồ Tùng Bách, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng cần chú trọng và mở rộng nội dung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Ths. Hồ Tùng Bách cho rằng, quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần nghiên cứu để bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vấn đề mà người tiêu dùng gặp phải khi thực hiện các giao dịch đặc thù.
Xem nội dung chi tiết tại đây: THS.HỒ TÙNG BÁCH: MỞ RỘNG NỘI DUNG QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAO DỊCH ĐẶC THÙ
* Thành công của sự kiện Hội thảo Văn hóa 2022 đã lan tỏa nhiều thông điệp quan trọng liên quan tới chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Bàn về vấn đề này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng việc xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa là yêu cầu cấp thiết nhằm giải phóng năng lực sáng tạo và sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa.
Theo các chuyên gia, việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước ngành văn hóa là chính sách quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Các đơn vị cần có phương án cổ phần hóa, có quy trình, cách làm, tiến độ bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với các đặc thù riêng của ngành văn hóa...
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐẨY NHANH XÃ HỘI HÓA, HUY ĐỘNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ VĂN HÓA
* Hội thảo Văn hóa 2022 được tổ chức thành công đã tạo tiếng vang lớn, nhận được nhiều hưởng ứng từ cử tri và nhân dân trong việc chú trọng bồi đắp, gìn giữ, phát huy nền tảng văn hóa lâu đời của dân tộc. Bàn về vấn đề phát triển văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu bày tỏ quan tâm tới xu hướng biến đổi văn hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện xu hướng thích ứng với văn hóa đô thị và lối sống hiện đại. Trong suốt hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh các phong trào văn hóa do chính quyền địa phương tổ chức, các hoạt động thể thao thường xuyên đều do người dân tự giác phát động, tổ chức và duy trì.
Xem nội dung chi tiết tại đây: DƯ ÂM HỘI THẢO VĂN HÓA 2022: VĂN HÓA NÔNG THÔN TỪNG BƯỚC THÍCH ỨNG VỚI LỐI SỐNG HIỆN ĐẠI
* Đánh giá "Hội thảo Văn hóa 2022" đã rất thành công bởi tính cởi mở, thiết thực và khả thi, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ vui mừng và cho rằng những hội thảo về văn hóa như "Hội thảo Văn hóa 2022" rất cần được duy trì thường niên.
Nhận định Hội thảo Văn hóa 2022 có sự đổi mới trên nhiều phương diện với đa dạng thành phần tham dự, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng Hội thảo rất cần được tổ chức thường niên để lắng nghe đầy đủ tiếng nói của các bên liên quan... Làm sao để hội thảo thực sự trở thành cầu nối giữa Quốc hội với những người làm văn hóa nghệ thuật.
Xem nội dung chi tiết tại đây: GS.TS TỪ THỊ LOAN: HỘI THẢO VĂN HÓA 2022 – RẤT CẦN ĐƯỢC DUY TRÌ THƯỜNG NIÊN
* Nhìn từ kết quả đánh giá của "Hội thảo Văn hoá 2022" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục tổ chức vừa qua, các loại hình nghệ thuật dân gian luôn trong tình trạng nguy cơ mai một rất cao trước "cơn lốc" của hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Các chuyên gia cho rằng, để bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian trong thời đại công nghệ 4.0 cần lắm sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho văn hóa!
Đặc thù của văn hóa dân gian là truyền miệng, truyền nghề trực tiếp nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị này cũng có những khác biệt đòi hỏi phải có một tầm nhìn chiến lược, lâu dài của Nhà nước, của ngành Văn hóa. GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, chúng ta sẽ khó mà thay đổi được gì nếu không có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế, cơ chế, chính sách.
Xem nội dung chi tiết tại đây: “CỨU” VĂN HÓA DÂN GIAN TRƯỚC “CƠN LỐC HIỆN ĐẠI HÓA”
* Thông qua việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù vào cuối năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế, với những điều kiện được tạo hết sức đồng bộ từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành trung ương, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang chuẩn bị hết sức chu đáo và đang nỗ lực hết sức mình để xây dựng các lộ trình phát triển làm sao đạt được kế hoạch theo nghị quyết trung ương 54 của Bộ Chính trị.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ SỬU: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH CÙNG THỪA THIÊN HUẾ XÂY DỰNG THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
* Sáng 26/12, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh làm Trưởng Đoàn giám sát.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách khóa XV tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Đoàn giám sát đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với tỉnh thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp trường, lớp học hợp lý, phối hợp tuyển dụng giáo viên được được cấp có thẩm quyền giao, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TẠI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
* Chiều 26/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc với một số sở, ngành cấp tỉnh theo chương trình giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Trần Nhật Minh - Ủy viên Ủy ban Pháp luật, ĐBQH chuyên trách, Phó trưởng Đoàn giám sát kiến nghị Sở Tài chính và Sở Y tế cần rà soát lại các cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 còn lại để có phương án sử dụng hiệu quả. Đối với các đơn vị Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần đánh giá đầy đủ việc huy động lực lượng, những khó khăn đặt ra và kiến nghị với Quốc hội những vấn đề liên quan đến huy động lực lượng và phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống dịch.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH NGHỆ AN LÀM VIỆC VỚI CÁC SỞ, NGÀNH CẤP TỈNH VỀ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG COVID-19
* Năm 2022, Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH tỉnh Hậu Giang có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để ngày càng thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu trong công tác lập pháp, giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào sự thành công của Quốc hội, hoàn thành trọng trách được Nhân dân giao, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân.
Năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tích cực phối hợp sở, ban, ngành có liên quan và các chuyên gia lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến đóng góp 20 dự án luật để thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, kỳ họp thứ Ba, thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Các ý kiến đóng góp được Đoàn ĐBQH tổng hợp làm cơ sở cho các đại biểu tham gia góp ý xây dựng hoàn thiện trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.
Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: HOẠT ĐỘNG NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ HƠN