Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trên cả nước (kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên). Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Tổng số cử tri cả nước đi bỏ phiếu đạt tỷ lệ 89%, trừ một số nơi phải bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu. Thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam năm 1946 được tiến hành theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.
Chia sẻ với Cổng TTĐT Quốc hội nhân sự kiện đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã góp phần hoàn thiện Nhà nước cách mạng kiểu mới do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, đặt nền móng để xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội đã diễn ra trên cả nước và thành công tốt đẹp. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới của đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất. Là người có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, ông có thể phân tích về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 bầu ra Quốc hội là sự kiện chính trị trọng đại, góp phần hoàn thiện Nhà nước cách mạng kiểu mới do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Trước cách mạng tháng 8/1945 tồn tại Nhà nước dưới hình thức chế độ quân chủ phong kiến, nhà nước thuộc địa. Với thắng lợi của cách mạng tháng Tám, chúng ta đã thiết lập Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trên đất nước ta và trong khu vực.
Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết phải phát huy vai trò dân chủ trong xã hội, vai trò làm chủ của nhân dân. Bầu cử Quốc hội là hình thức thể hiện quyền làm chủ thực chất của người dân, lựa chọn ra bộ máy Nhà nước để quản lý đất nước, quản lý xã hội.
Thấy rõ được tầm quan trọng đó, ngay phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3/9/1945), Bác Hồ nêu rõ phải tổ chức thì càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội, lập Chính phủ chính thức, soạn thảo Hiến pháp. Từ tháng 9/1945 đến ngày bầu cử Quốc hội là quá trình chuẩn bị rất là công phu, chủ động và là quyết tâm chính trị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng Nhà nước thật sự dân chủ của nhân dân, mang lại độc lập trọn vẹn cho dân tộc và lợi ích thực của nhân dân.
Ý nghĩa thứ hai của cuộc tổng tuyển cử, đó là thông qua cuộc bầu cử này, tinh thần làm chủ, ý thức dân chủ của người dân được phát huy cao độ, bởi đây là lần đầu tiên người dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội. Với tinh thần dân chủ và làm chủ đã phát huy cao độ ý thức chính trị của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước cách mạng và trong cuộc đấu tranh để giữ vững nền độc lập non trẻ vừa mới thành được. Cuộc bầu cử đầu tiên cũng phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng, bảo vệ nhà nước, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
Ngoài ra, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời và phát triển của tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Trước đó, trong thời gian đi tìm đường cứu nước, năm 1919, Bác Hồ đã đề cập đến tinh thần “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Pháp quyền trước hết phải thể hiện thông qua bầu cử, từ đó xây dựng nhà nước hợp Hiến, hợp pháp, từ đó soạn thảo, công bố Hiến pháp và hệ thống luật pháp của nhà nước. Vì vậy, có thể nói cuộc bầu cử ngày 6/1/1946 là nền móng để xây dựng một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Có thể nói từ cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên cho đến nay, chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân hiện nay chính là được kế thừa và phát huy tinh thần từ cuộc bầu cử ngày 6/1/1946.
Điểm cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của cuộc bầu cử, mặc dù đây là lần đầu tiên tiến hành bầu cử nhưng trong “Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu” của Bác Hồ đã nêu rõ: Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước…. Những người dính dáng đến tham ô, tham nhũng, lợi dụng bầu cử để để có chức, có quyền để mưu lợi riêng thì đề nghị cử tri không bầu. Chỉ đạo này của Bác Hồ đã được quán triệt trong tiến hành bầu cử Quốc hội các khóa sau này.
Phóng viên: Với tư cách là một nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như một cử tri, qua theo dõi cuộc bầu cử từ năm 1946 đến nay, ông đánh giá như nào về quyền làm chủ của người dân thông qua các cuộc bầu cử?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Bản thân tôi được đi bầu cử từ Quốc hội khóa III năm 1964 tại Hà Nội. Đặc biệt tôi cũng rất vinh dự, tự hào được bầu tại khu vực bầu cử có Bác Hồ ứng cử - đây là kỷ niệm không bao giờ quên. Qua nghiên cứu lịch sử, theo dõi các cuộc bầu của từ năm 1946 đến khóa XV, tôi cảm nhận bầu cử là một cuộc cách mạng vĩ đại do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo để có được một nền dân chủ thật sự.
Nền dân chủ ấy được thể hiện ngay từ cuộc bầu cử đầu tiên, Bác Hồ đã nêu rất rõ: tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt trai gái, dân tộc, tôn giáo đều được bầu cử. Như vậy, ở Việt Nam phụ nữ được đi bầu cử ngay từ năm 1946. So sánh với một số nước trên thế giới, gần đây phụ nữ mới được đi bầu cử cho thấy tính dân chủ rộng rãi ở nước ta được phát huy từ rất sớm.
Nhìn lại những hình ảnh của cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, có một chi tiết thú vị trong cuộc bầu cử năm 1946, đó là người dân ngoại thành Hà Nội gửi thư cho Bác Hồ và đề nghị Bác là không phải ra ứng cử, Bác đương nhiên là đại biểu. Nhưng Bác Hồ đã gửi thư trả lời đồng bào rằng: Tôi cũng là công nhân, tôi phải làm tròn trách nhiệm của công dân, không có đặc cách. Điều này đã thể hiện tinh thần dân chủ rất cao đẹp được thực hiện xuyên suốt trong tất cả các lần bầu cử sau này.
Phóng viên: Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay cần tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Tôi mong rằng, chúng ta cần tiếp tục phát huy được ý nghĩa, tinh thần của các cuộc bầu cử trước đây. Hiện nay, chúng ta đang hoàn thiện hơn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cần tiếp tục làm sao để tinh thần dân chủ được xuyên suốt, thấu suốt và được thực thi một cách thực chất và đề cao trách nhiệm của dân, của cử tri đối với việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện nhà nước pháp quyền hiện nay theo đường lối, quan điểm của Đảng.
Bên cạnh đó, chúng ta cần thực hiện tốt nhất phương châm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đó là: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Nếu chúng ta làm tốt được điều này chính là thực hiện được Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đồng thời, làm tốt hơn điều căn dặn của Bác Hồ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, trong đó Bác đã căn dặn: Từ việc lớn đến việc nhỏ chúng ta đều phải công khai đưa ra bàn bạc với dân, xin ý kiến của dân trước khi quyết định. Việc gì dân cho là không đúng thì phải sửa kịp thời; việc gì dân cho là sai thì phải nghiêm túc xem xét, sửa chữa, đáp ứng được quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Đây cũng là tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của Nhân dân, theo đúng tuyên ngôn mà Bác Hồ đã nêu đó là Độc lập – Tự do – Hanh phúc. Đấy cũng chính là giá trị của chủ nghĩa xã hội và của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!