TỔNG THUẬT CHIỀU 06/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều mai (07/01/2023), Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại Hội trường về đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Phát biểu về nội dung này trong phiên khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội đã trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương những quyền hạn đặc thù, đặc biệt, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay, Nghị quyết 30 đã hoàn thành sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát, phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã chính thức hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách đặc thù cho phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tập trung phân tích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện về bối cảnh ban hành, kết quả thực hiện Nghị quyết, bài học kinh nghiệm về xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách; đồng thời, cho ý kiến làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và tác động của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Chia sẻ về Nghị quyết 30, đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, sự ra đời của Nghị quyết 30 đã kịp thời tháo gỡ hàng loạt “nút thắt” về cơ chế, chính sách, giúp việc thực hiện các giải pháp cấp bách được thuận lợi, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết cũng tạo cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để huy động tối đa nguồn lực, quyết định những biện pháp đặc cách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý do những hệ lụy của dịch bệnh gây ra, góp phần quan trọng quyết định kiểm soát được đợt dịch thứ 4. Nghị quyết này cũng đã thể hiện rõ hình ảnh một Quốc hội thật sự năng động, đổi mới, quyết liệt ngay từ Kỳ họp đầu tiên, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ, sự đồng hành gắn bó giữa Quốc hội và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.
Đại biểu Leo Thị Lịch- Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc
Theo Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc, hiệu quả của Nghị quyết 30 đã ngay lập tực thể hiện trong thực tế. Đợt dịch thứ 4, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía nam, trong thời gian ngắn chúng ta đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chúng ta đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở các nơi tâm dịch, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc, qua đó tạo ra bước ngoặt trong công cuộc chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội như hiện nay.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét nội dung này tại phiên họp thứ 18. Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ nhất trí với kiến nghị về Quốc hội ghi nhận những cũng nỗ lực, cố gắng của ngành y tế, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 thời gian qua và tuyên bố là các chính sách là hết hiệu lực vào 31/12/ 2022 theo đúng tinh thần của Nghị quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị có thuyết minh làm rõ hơn và như ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội về việc nên có tờ trình riêng để trình Quốc hội quyết nghị và quy định cụ thể việc thực hiện 4 chính sách này nếu được Quốc hội chấp nhận mà không xác định đây là chuyển tiếp chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Về chính sách đình chỉ hoạt động của các cơ sở tạm ngừng hoạt động các cơ sở dịch vụ trong bối cảnh đặc biệt dịch cấp độ 3, cấp độ 4 và hạn chế đi lại, cấm tập trung đông người là những biện pháp hết sức đặc biệt chỉ được áp dụng trong bối cảnh hết sức đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp nêu rõ về nguyên tắc các biện pháp hết sức đặc biệt này phải do Quốc hội quyết định. Do đó, nếu cần phòng ngừa, để chủ động linh hoạt thì cần có cơ chế như Quốc hội cho phép ủy quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ áp dụng thì phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận này tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội; đánh giá cao tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo, tờ trình, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các cái biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch; một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trên cơ sở ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Các nội dung báo cáo, kiến nghị của Chính phủ phải có căn cứ thuyết phục Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.