XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH: ĐẢM BẢO TẬP TRUNG VÀO CHẤT LƯỢNG TIÊU CHUẨN SỐNG HƠN LÀ QUY MÔ THƯƠNG HIỆU

07/01/2023

Cho ý kiến về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu, chuyên gia quan tâm đến định hướng việc xây dựng đô thị thông minh; đảm bảo tập trung vào chất lượng tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu.

TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Điều chỉnh bổ sung phù hợp các tiêu chuẩn về thành phố xanh, thông minh

Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nêu rõ định hướng phân bố các vùng đô thị lớn. Theo đó, phát triển đô thị Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế, tài chính - ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Quy hoạch phát triển không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất đô thị.

Thảo luận về nội dung này tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao tinh thần quyết tâm, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm bù đắp khoảng trống quy hoạch tổng thể quốc gia dài hạn, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển của Đại hội Đảng XII, các nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Đại biểu ấn tượng về sự bài bản, cầu thị của việc xây dựng quy hoạch thông qua việc trao đổi, tiếp thu ý kiến nhiều lần của Hội đồng thẩm định, các bộ, ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế. Do vậy, quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống, trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển quốc gia, tuân thủ các định hướng chiến lược phát triển có liên quan. Để quy hoạch đảm bảo triển khai thực hiện thống nhất, phù hợp hơn nữa với hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, đại biểu góp ý về nội dung xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh.

Theo đó, đại biểu cho rằng mục tiêu phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế, nên điều chỉnh thành phấn đấu có 5 đến 10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay chúng ta đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về thành phố xanh, thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu, đồng thời việc phát triển kết hợp giữa xanh và thông minh thể hiện mức độ cao hơn, phù hợp hơn với Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, theo Quyết định số 1658 ngày mùng 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, giảm phát thải nhà kính và nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đề xuất 4 nguyên tắc định hướng triển khai đô thị thông minh ở Việt Nam

Bàn về vấn đề đô thị thông minh, các chuyên gia Cục Thông tin khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết về hiện trạng triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam. Theo đó, với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các đô thị nước ta vẫn đang tiếp tục gia tăng cả về số lượng và quy mô đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị. Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp

Theo các chuyên gia, nguyên tắc định hướng việc xây dựng đô thị thông minh cần phải có sự phối hợp tương tác trong một quãng thời gian dài giữa rất nhiều các bên liên quan, từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng cho đến các tổ chức và chính quyền. Do đó, để đảm bảo cho việc xây dựng thành công của đô thị thông minh, từ một số nghiên cứu, tiêu chuẩn trên thế giới, có thể đề xuất 4 nguyên tắc định hướng triển khai đô thị thông minh như sau:

Một là, tầm nhìn chính xác, xuyên suốt và được sự đồng thuận cao: Tầm nhìn phải đạt độ chính xác cao, bao hàm được khả năng dự báo phát triển của đô thị thông minh. Tầm nhìn cho từng lĩnh vực phải gắn kết với tầm nhìn chung của đô thị, được sự đồng thuận cao của người dân; Lãnh đạo các cấp cần phải cam kết với tầm nhìn tổng quát của đô thị thông qua những hoạt động, chỉ đạo, định hướng cụ thể và xuyên suốt. Tận dụng được tầm ảnh hưởng của nhiều đơn vị, tổ chức, hiệp hội, cộng đồng...

Hai là, luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân: Đô thị luôn luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân, đảm bảo cung cấp các tiện ích, cung cấp các dữ liệu hỗ trợ người dân ra quyết định; Sự đổi mới được xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Người dân được tích cực tham gia trong quá trình giám sát quản lý đô thị.

Ba là, công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển: Tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp các hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ công tác dự báo và điều hành một cách tổng thể; Phải đảm bảo 4 chủ thể (chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân) đều được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu quá trình ra quyết định.

Bốn là, huy động mọi nguồn lực: Chia sẻ và tái sử dụng các nguồn lực; Tuân thủ các tiêu chuẩn mở và kiến trúc hướng dịch vụ để đảm bảo tính đồng vận hành, tránh đầu tư trùng lắp; Tất cả các dự án mới phải nghiên cứu khả năng chia sẻ và mở rộng nền tảng hạ tầng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng hiện hữu. Luôn tạo cơ hội để khuyến khích hợp tác sáng tạo. Khuyến khích tinh thần sáng tạo thông qua giáo dục và hình thành một nếp văn hóa xã hội sẵn sàng tiếp nhận đổi mới.

Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để triển khai các mô hình cộng tác, kinh doanh mới và có các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp; Cung cấp dữ liệu mở của đô thị để khuyến khích sáng tạo và tạo ra giá trị mới; và khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp các dữ liệu mở cho cộng đồng. Ban hành các tiêu chuẩn, định dạng, cung cấp các công cụ, cơ chế khuyến khích và mô hình kinh doanh hợp pháp phục vụ cho sự phát triển của thị trường ứng dụng, tiện ích dựa trên dữ liệu mở; Đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng cao.

Bên cạnh đó, cần lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Chính quyền đô thị luôn luôn lắng nghe, nắm bắt và phục vụ kịp thời các nguyện vọng và nhu cầu của người dân, đảm bảo cung cấp các tiện ích, cung cấp các dữ liệu hỗ trợ người dân ra quyết định; Sự đổi mới được xuất phát từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Người dân được tích cực tham gia trong quá trình giám sát quản lý đô thị.

Ngoài ra, cần khẳng định, công nghệ là công cụ hỗ trợ phát triển. Tận dụng tối đa các cơ hội để phát triển không gian mạng, số hóa, kết nối và tích hợp các hệ thống, quy trình, dịch vụ phục vụ công tác dự báo và điều hành một cách tổng thể. Phải đảm bảo 4 chủ thể (chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân) đều được hưởng lợi từ việc ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu quá trình ra quyết định.

Minh Hùng

Các bài viết khác