TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Toàn cảnh phiên họp
Cần làm rõ nội hàm, tiêu chí về đô thị du lịch, đô thị đại học, đô thị sáng tạo
Thẩm tra về về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xây dựng định hướng phát triển hệ thống đô thị cần bám sát nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó cần lưu ý: Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý, phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Việc phát triển hệ thống đô thị phải gắn với việc bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng đô thị theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; Việc phát triển hệ thống đô thị phải bảo đảm nâng cao chất lượng sống của người dân tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung về: phát triển đô thị học tập suốt đời; tỷ lệ đô thị hóa trong định hướng tổng thể hệ thống đô thị theo từng giai đoạn; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật khung cho các vùng đô thị lớn như định hướng kết nối hạ tầng giao thông vận tải, cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn…; làm rõ định hướng phát triển không gian ngầm; định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn; làm rõ mối liên kết giữa các vùng đô thị lớn trong toàn quốc, để làm rõ các cơ sở định hướng phân vùng trọng điểm đầu tư, vùng khuyến khích phát triển. Đối với định hướng phát triển nông thôn, đề nghị nghiên cứu định hướng đảm bảo phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, trong quy hoạch tỉnh cần cụ thể hóa danh mục các khu du lịch quốc gia trọng điểm, cần làm rõ nội hàm, tiêu chí về đô thị du lịch, đô thị đại học, đô thị sáng tạo, đô thị kinh tế cửa khẩu và vấn đề tăng mật độ đô thị tại các địa bàn có điều kiện ở khu vực miền núi, trung du, ven biển trong nội dung về định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, để các quy hoạch tỉnh làm cơ sở nghiên cứu, cụ thể hóa thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt là đối với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ thường có tỷ lệ đô thị hóa thấp, các đô thị mang nặng tính chất của đô thị hành chính, các hoạt động kinh tế ở đô thị còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021, tầm nhìn đến năm 2050 của Quốc hội, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 nêu rõ, nước ta sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông Tây và hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, tứ giác động lực Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, ngũ giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang - Vĩnh Long - Đồng Tháp. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và từ 70 đến 75% vào năm 2050.
Như vậy, quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng lên, hệ thống đô thị sẽ hình thành mạng lưới liên kết hệ thống chặt chẽ. Do đó, hạ tầng phải phát triển trước một bước làm cơ sở cho phát triển đô thị. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có định hướng về xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị.
Nguyên tắc để quản trị tốt đô thị cần bảo đảm sự tham gia của cộng đồng
Từ góc độ thực tiễn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên đã tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản, Singapore và thực tế tại Việt Nam và nhấn mạnh một số nội dung để có được hệ thống đô thị Việt Nam phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là khi nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị. Nghiên cứu, điều chỉnh đồng bộ các luật liên quan, như: Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kiến trúc, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác. Việc lồng ghép các yếu tố về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh... vào các văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và đề xuất điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, cũng như có những giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đã được điều chỉnh, tuy nhiên, các chỉ tiêu vẫn quy định chung cho các loại đô thị, khi triển khai cần căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, miền (ngay cả các đô thị miền núi, mức độ địa hình phức tạp, mảng rừng, cây xanh, mật độ dân số cũng rất khác nhau). Bên cạnh đó, việc áp dụng các chỉ tiêu xây dựng cho các đô thị cùng loại cũng cần cân nhắc tùy thuộc vào thực tế của từng đô thị (trong thực tế, các đô thị cùng loại chưa hẳn đã có cùng các thông số, như: đất đai, dân số, nguồn tài nguyên…).
Thứ hai, kinh nghiệm của Nhật Bản và Singapore cho thấy, nguyên tắc để quản trị tốt đô thị cần bảo đảm sự tham gia của cộng đồng: sự tham gia của cộng đồng cần được thiết lập trong các công cụ quản lý về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch dự án phát triển hay tái thiết đô thị để hỗ trợ sự tham gia và giám sát công khai từ cộng đồng. Trong kỷ nguyên phương tiện truyền thông mới, sự tham gia của công chúng không còn là lựa chọn, mà là một yêu cầu tiêu chuẩn trong quản trị thành phố và cộng đồng. Theo đó, minh bạch thông tin là tiền đề quan trọng để có được sự tin tưởng và phối hợp tốt từ cộng đồng.
Thứ ba, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, quản lý và phát triển đô thị cần đi liền với các chính sách “xanh”. Theo đó, cần xây dựng những chiến lược, chương trình định hướng phát triển đô thị xanh; xây dựng chính sách về kích thích khu vực tư nhân, quan hệ đối tác công tư (PPP) và các sáng kiến sử dụng hoặc áp dụng giải pháp xanh, công nghệ xanh vào quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế công trình, quy trình kiểm soát giám sát quản lý xây dựng đô thị bảo đảm không tạo nhiều chất thải ra môi trường (tiêu chuẩn/tiêu chí công trình xanh, kiến trúc xanh; chỉ số kiểm soát tăng trưởng xanh trong đô thị...).
Thứ tư, quản lý đô thị cần được tiếp tục đẩy mạnh gắn với ứng dụng công nghệ số. Hệ thống quản trị bằng công nghệ sẽ hỗ trợ phương pháp phân tích khoa học đa tiêu chí, phân tích, đánh giá tổng hợp dựa trên 3 phương diện phát triển bền vững gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị. Đặc biệt, để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh bền vững, các tỉnh/thành phố cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý đô thị. Theo đó, GIS kết hợp với công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)… và các thiết bị thông minh tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị, quản lý dịch bệnh; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đây là một trong những giải pháp hiệu quả đưa các địa phương của Việt Nam trở thành một đô thị sạch, đáng sống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với những tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị triều cường, xâm nhập mặn./