KIẾN NGHỊ 04 NỘI DUNG NHẰM ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

03/02/2023

Là một trong những dự án luật sẽ Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV tới đây, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện. Quan tâm tới dự luật dưới góc độ nghiên cứu, Ths.Nguyễn Thị Việt Hà, khoa Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần bảo đảm tính nhất quán trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử.

 QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8, thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010 là bước tiến quan trọng trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý cơ bản trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, với nhu cầu thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế.

Vì vậy, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự thảo Luật trình Quốc hội gồm 7 Chương, 80 Điều, được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.

Dưới góc độ nghiên cứu, Ths.Nguyễn Thị Việt Hà cho rằng, thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử đã đạt được một số kết quả nhất định, như: Khuôn khổ, hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, các chế định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau.

Đặc biệt, tại dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội ban hành vào năm 2023 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng không chỉ dừng lại đối với nền tảng bán hàng trực tuyến mà còn mở rộng sang đối với nền tảng trung gian trực tuyến. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng sẽ phải chịu thêm nhiều trách nhiệm đặc biệt là trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình tiêu dùng, các thông tin khác do người tiêu dùng hoặc tổ chức, cá nhân đưa ra liên quan đến giao dịch.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện ngày càng đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực này cũng đã có sự tích cực vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Công tác tiếp nhận và giải quyết đơn, thư phản ánh của người tiêu dùng nói chung và trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng được chú trọng, áp dụng các phương thức tiếp nhận đa dạng, phong phú;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ths.Nguyễn Thị Việt Hà cũng cho rằng, vẫn còn một số khó khăn vướng mắc tồn tại như: Do được ban hành trước thời điểm bùng nổ thương mại điện tử nên nhiều quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành được ban hành không còn phù hợp (quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến còn lỏng lẻo; chưa có quy định bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong các giao dịch mua sắm trực tuyến xuyên biên giới;…).

Ths.Nguyễn Thị Việt Hà cũng chỉ rõ, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực thi như: Chế độ bảo hành đối với sản phẩm mua theo phương thức thương mại điện tử chưa được quan tâm và thực hiện tốt; các quy định về tiến hành giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua các phương thức thương lượng, hòa giải, trọng tài,… vẫn chưa xem đến các điều kiện mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, chẳng hạn như cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến;..

Ngoài ra, các cơ quan mới chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động mà chưa có nhiều biện pháp thiết thực khác để bảo vệ quyền lợi người  tiêu dùng. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các tổ chức xã hội tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp của các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng trong giao dịch điện tử nói riêng;…

Nhằm tăng cường việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Ths.Nguyễn Thị Việt Hà kiến nghị:

Một là, cần đảm bảo tính nhất quán trong xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử để từ đó loại bỏ những quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu tính khả thi. Cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về mặt hình thức cũng như nội dung.

Hai là, cần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử tới mọi đối tượng. Pháp luật cần có các quy định cụ thể về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan nhà nước.

Ba là, cần nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tieu dùng trong giao dịch thương mại điện tử. Việc nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này để đảm bảo tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh và phòng ngừa vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người dùng trong giao dịch điện tử. Ngoài ra, để đảm bảo mức xử phạt mang tính ổn định và phù hợp với sự phát triển kinh tế trong thời gian dài mà không cần sửa đổi thì có thể quy định mức tiền phạt theo hướng tỉ lệ phần trăm dựa trên khoản lợi bất chính mà chủ thể vi phạm thu được haowjc có thể thu được từ hành vi vi phạm.

Bốn là, cần có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử đang là một trong những vấn đề cấp thiết trong thời đại công nghệ số đang ngày càng phát triển. Do đó, để khắc phục được những hạn chế hiện nay, Ths. Nguyễn Thị Việt Hà nhấn mạnh, bên cạnh việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử./.

Lê Anh