Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, gồm 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021.
Liên quan đến thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Tòa án, qua thảo luận tại kỳ họp thứ 4, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu vẫn chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì sẽ không thể áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật của Bộ Công Thương và kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì trong hơn 10 năm thực thi Luật hầu như không có vụ việc tranh chấp người tiêu dùng được giải quyết thông qua Tòa án. Do đó, dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời cần sửa lại để đảm bảo thống nhất với các quy định giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ý kiến thứ hai cho rằng, điều kiện giải quyết vụ việc dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật không thống nhất với quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hơn nữa, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là luật nội dung. Trong khi đó, quy định tại Điều 69 và Điều 78 của dự thảo luật về thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là quy định về thủ tục tố tụng. Khi giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì phải tuân theo quy định về thủ tục rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật.
Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, từ kinh nghiệm thực tiễn, Luật sư Đặng Thành Chung, Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội bày tỏ đồng tình với ý kiến thứ nhất. Theo đó, dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời cần sửa lại để đảm bảo thống nhất với các quy định giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Luật sư Đặng Thành Chung cho rằng, phải khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc giải quyết vụ việc dân sự về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng thủ tục rút gọn sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả; tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí và nguồn lực giải quyết vụ án. Vì vậy, việc quy định giải quyết vụ việc bảo vệ người tiêu dùng bằng thủ tục rút gọn là cần thiết, đáp ứng thực tiễn.
Trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đang quy định tại Điều 69, điều kiện giải quyết theo thủ tục rút gọn gồm: a) Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; b) Vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.
Trong khi đó, hiện nay Điều 316 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) đang có hiệu lực quy định: “Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này”. Theo đó, Điều 317 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gồm: a) Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Như vậy, có 02 văn bản pháp luật cùng quy định một vấn đề nhưng so sánh quy định tại 02 văn bản này lại có sự không thống nhất, Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng được coi là luật chuyên ngành quy định điều kiện đơn giản hơn, trong khi đó BLTTDS được coi là luật chung quy định điều kiện chặt chẽ hơn nhiều và theo Điều 316 BLTTDS thì bắt buộc phải ưu tiên áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Hiện nay, BLTTDS cũng như Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều không có quy định khi có 02 văn bản pháp luật cùng quy định một vấn đề nhưng có nội dung khác nhau thì phải áp dụng luật chuyên ngành, dẫn đến quy định chồng chéo khó thực thi.
Tuy nhiên, về ý kiến thứ 2 cho rằng để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo luật. Theo Luật sư Đặng Thành Chung, điều này dẫn tới việc áp dụng giải quyết thủ tục rút gọn trong vụ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tuân theo các điều kiện quy định tại Điều 317 BLTTDS, đây là điều kiện chung áp dụng thủ tục rút gọn cho toàn bộ các vụ việc thuộc thẩm quyết giải quyết của Tòa án bao gồm cả dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, … dẫn đến việc áp dụng cho một loại vụ việc đặc thù như bảo vệ người tiêu dùng không đảm bảo các điều kiện này phù hợp với thực tiễn.
Mặt khác, căn cứ theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đưa ra nguyên tắc áp dụng là “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Căn cứ quy định này nếu Dự thảo Luật được thông qua thì là văn bản ban hành sau BLTTDS năm 2015 nên sẽ đương nhiên được ưu tiên áp dụng. Ngoài ra cùng trong hệ thống văn bản pháp luật quy định về một vấn đề, để tránh chồng chéo, không thống nhất, các quy định của Dự thảo Luật cùng cần được xem xét quy định trên cơ sở đảm bảo thống nhất, hài hòa với các quy định giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Do đó, Luật sư nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có các quy định đặc thù về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, có hướng dẫn áp dụng cụ thể, rõ ràng từng điều kiện để bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trên cơ sở đảm bảo thống nhất với các quy định giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng rút gọn của Bộ luật Tố tụng dân sự; đảm bảo quy định được thực thi phù hợp với thực tiễn, hợp pháp và hợp lý./.