ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Cần nâng cao vai trò của UBND trong giải quyết tranh chấp đất đai
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, tiến tới thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Hiện nay, dự án Luật này đang lấy ý kiến nhân dân từ ngày 03/01 đến ngày 15/3/2023. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã quan tâm đóng góp ý kiến về các quy định trong luật, đặc biệt là nội dung liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai.
Điều 225 dự thảo mới nhất của Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết, còn Ủy ban nhân dân có trách nhiệm hỗ trợ cung cấp hồ sơ. Quy định này có thay đổi so với Luật Đất đai 2013 hiện hành, theo đó cả Ủy ban nhân dân và toà án đều có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy
Tham gia ý kiến về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy nêu quan điểm thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của tư pháp, không phải hành chính. Hiện nay, tòa án đang thực hiện quy trình "tiền tố tụng", tức hoà giải và đối thoại rất hiệu quả, tòa án cũng có đủ năng lực nắm vững hết vấn đề quản lý nhà nước về đất đai vì hiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu đất đai đã được cải thiện nhiều so với trước đây.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp.Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, một điểm hạn chế của dự thảo luật là sự nhập nhằng trong phân định thẩm quyền chung và riêng khi giải quyết tranh chấp đất đai, gây hệ luỵ rất lớn. Dự thảo luật hiện hành rất ít thẩm quyền của Chủ tịch UBND mà hầu hết giao chung chung, dẫn đến nhận thức tất cả đều là trách nhiệm tập thể, vì vậy, cần cần rà soát, chỉnh sửa để Luật Đất đai (sửa đổi) phân rõ thẩm quyền từng cấp và của thủ trưởng trong vấn đề này.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM cho rằng chuyển toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho toà án là không hợp lý. Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai nêu rõ phương châm "giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương". Do đó, việc bỏ thẩm quyền của UBND trong dự thảo Luật là thu hẹp bớt quyền của người dân và bỏ một cơ chế giải quyết linh hoạt.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp.HCM
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, không ít vụ việc tranh chấp chủ yếu chỉ cần một trọng tài đứng ra để giải quyết, có thể giao cho Ủy ban nhân dân lập một hội đồng với thành viên là Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, người có kinh nghiệm ở địa phương để hoà giải. Do đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính. Thủ tục cũng đơn giản hơn và người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra toà.
Làm rõ trình tự hòa giải tranh chấp đất đai thông qua Tòa án
Tham gia góp ý về nội dung liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai theo Điều 224 dự thảo luật, ông Đỗ Văn Nhân, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cho biết, theo quy định tại khoản 1, việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải không phải là cơ chế bắt buộc trước khi Tòa án xem xét giải quyết quyết tranh chấp đất đai. Việc này sẽ làm gia tăng số lượng vụ việc tranh chấp đất đai mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết. Vì vậy, cần phải đánh giá toàn diện quy định này, đồng thời phải có sự kế thừa Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, việc thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ cở (có biên bản hòa giải không thành) là điều kiện bắt buộc để Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
Khoản 4 Điều 224 dự thảo luật quy định: "Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Tòa án nhân dân gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.".
Ông Đỗ Văn Nhân đặt vấn đề, trong trường hợp các bên tự hòa giải thành (không hòa giải ở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc hòa giải tại Tòa án), tức là các bên tự ngồi lại với nhau để tự hòa giải nhưng có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì trong trường hợp này xử lý như thế nào? Kết quả các bên tự hòa giải thành phải xử lý như thế nào? Đây là vấn đề pháp lý đặt ra và nên quy định rõ trong Điều 224 dự thảo luật.
Theo ông Đỗ Văn Nhân, để xử lý trường hợp này cần phải quy định theo hướng: "Trường hợp các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì các bên phải lập thành biên bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để xác nhận. Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xác nhận kết quả tự hòa giải thành và gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất."
Ông Đỗ Văn Nhân cũng đề nghị làm rõ, trong trường hợp các bên tranh chấp đất đai muốn hòa giải thông qua Tòa án (theo quy định tại khoản 1 Điều 224 dự thảo luật) thì trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Quy định này có mâu thuẫn, trùng lắp với khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?
Nếu các bên tranh chấp đất đai lựa chọn hòa giải tại Tòa án nhưng hòa giải không thành, khi đó các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện tại Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự thì Tòa án có tiếp tục hòa giải hay không? Hay căn cứ vào biên bản hòa giải không thành để xét xử tranh chấp đất đai mà không cần phải tiếp tục hòa giải thì có vi phạm thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, so với Luật Đất đai năm 2013 thì dự thảo luật cơ bản đã làm rõ các quy định về hòa giải tranh chấp đất đai, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các quy định pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, quy định hòa giải tranh chấp đất đai theo Điều 224 dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung nêu trên cần phải được làm rõ và hoàn thiện để góp phần hạn chế thấp nhất những khó khăn, vướng mắc phát trong quá trình thi hành Luật.