GS.TS. TỪ THỊ LOAN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 – NGỌN ĐUỐC DẪN ĐẠO VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG CÁC GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG

24/02/2023

Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của Đảng. Theo GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, "Đề cương văn hóa năm 1943" không chỉ có giá trị thời sự, cấp bách vào thời điểm lịch sử những năm đó, mà còn có ý nghĩa lâu dài, vượt thời gian, góp phần định hướng và dẫn đạo sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng về sau.

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM - SỨC SỐNG TRONG DÒNG CHẢY CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 – VĂN KIỆN CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA

GS.TS TỪ THỊ LOAN: THỂ CHẾ - MẤU CHỐT BẢO VỆ, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA DÂN GIAN

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Phóng viên: "Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943" được cho là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Theo bà, Đề cương có ý nghĩa và giá trị như thế nào trong bối cảnh văn hóa nước nhà năm 1943 và trong giai đoạn hiện nay?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 được các nhà chính trị, giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử lúc đó và sau này ví như là tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh năm 1943, đất nước ta đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, văn hóa Việt Nam bị bóp nghẹt bởi chính sách ngu dân, nô dịch, thuộc địa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời trở thành bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, đặt nền móng lý luận cho sự phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam, đấu tranh với các học thuyết sai lạc, phản động, các xu hướng văn hóa bảo thủ, triết trung, lập dị, bi quan , thần bí, duy tâm..., khẳng định sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, góp phần thống nhất tư tưởng, nhận thức cho những người làm văn hóa, văn nghệ.

Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, khả năng đúc kết thực tiễn của Đảng

Đề cương cũng có ý nghĩa thực tiễn, dẫn dắt hành động khi xác định ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức,  biện pháp cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.

Thực tiễn đã chứng minh, ba nguyên tắc trên có tác dụng lớn lao biến văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự chủ, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Đề cương đã khẳng định rất chính xác vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới. Mặc dù khi đó có nhiều chính đảng cùng hoạt động, nhưng đều thất bại, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam đủ sức tập hợp toàn dân và lãnh đạo cách mạng thành công.

Với những nội dung thiết thực và đầy tính chiến đấu, Đề cương trở thành ngọn cờ đoàn kết, lôi cuốn, khích lệ giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật nhiệt tình tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Cho đến nay, một số quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị và phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam như:  yêu cầu về tính chất, đặc trưng của văn hóa Việt Nam dân tộc, khoa học và đại chúng; mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị; đề cao tiếng nói, chữ viết dân tộc; vai trò lãnh đạo văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Phóng viên: Thưa bà, qua 80 năm triển khai, "Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943" đã thể hiện tính kế thừa và phát triển ra sao?

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Trải qua 80 năm triển khai và kiểm nghiệm trong thực tiễn, những giá trị cốt lõi của Đề cương vẫn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt các văn kiện của Đảng, đồng thời không ngừng được điều chỉnh, bổ sung và phát triển.

Từ ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa, năm 1948, trong báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh đọc tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai được diễn giải là: “Văn hóa dân chủ mới Việt Nam phải gồm đủ ba tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Năm 1957, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ hai, ba tính chất này được làm rõ hơn thành: dân tộc, hiện thực, nhân dân, sau đó được phát triển thành tính dân tộc, tính Đảng, tính nhân dân (đại hội Đảng lần thứ III, IV, V), có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ (đại hội Đảng lần thứ VII)... Đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến ở đây chỉ sự phát triển của nền văn hóa dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiên tiến. Tiên tiến còn hàm nghĩa những giá trị văn minh, hiện đại, tiến bộ của nhân loại...

Đề cương văn hóa năm 1943 không chỉ có giá trị thời sự, cấp bách vào thời điểm lịch sử những năm đó, mà còn có ý nghĩa lâu dài, vượt thời gian, góp phần định hướng và trở thành "ngọn đuốc" dẫn đạo sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng về sau

Tổng hợp lại tất cả các điều chỉnh, bổ sung, phát triển nêu trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã xác định một cách đầy đủ là xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Như vậy, có thể thấy, bản Đề cương văn hóa năm 1943 không chỉ có giá trị thời sự, cấp bách vào thời điểm lịch sử những năm đó, mà còn có ý nghĩa lâu dài, vượt thời gian, góp phần định hướng và trở thành "ngọn đuốc" dẫn đạo sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng về sau.

Phóng viên: Trong kế hoạch tuyên truyền  kỷ niệm 80 năm "Đề cương văn hóa 1943" của Quốc hội có giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan tổ chức các Tọa đàm tuyên truyền về "Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943"; đồng thời nhấn mạnh các cơ quan của Quốc hội rà soát để đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, các nhiệm vụ về lĩnh vực văn hóa được xác định tại Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo bà, điều này có ý nghĩa như thế nào? Việc tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa "Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943" qua hàng năm có ý nghĩa và tầm quan trọng ra sao? 

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tất cả những điều này cho thấy văn hóa ngày càng thu hút được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Mặc dù ngay từ năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI tiếp tục khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, nhưng trên thực tế, những năm qua, chúng ta đã quá chú trọng đến phát triển kinh tế-xã hội mà chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hóa.

Hiện tượng suy thoái, xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách, tình hình đảo lộn các giá trị hiện nay chính là hệ quả của điều đó. Do vậy, cùng với công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn Đảng của Tổng Bí thư, việc quan tâm đầu tư, chấn hưng văn hóa đã được chú trọng, nhất là từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Điều đó cho thấy sự quyết tâm vào cuộc cũng như tinh thần trách nhiệm của Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia, quyết định nguồn tài chính đầu tư cho văn hóa.

Đặc biệt Quốc hội đã tổ chức một số cuộc Hội thảo, hội nghị có chất lượng cao; rà soát đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh các nhiệm vụ về văn hóa; tổ chức giám sát nhiều hơn lĩnh vực văn hóa; tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam... Điều đó cho thấy sự quyết tâm vào cuộc cũng như tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia, nơi không chỉ ban hành các công cụ pháp luật mà còn quyết định nguồn tài chính đầu tư cho văn hóa.

Tôi cho rằng, việc tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 hàng năm có ý nghĩa thiết thực giúp nhắc nhở cả hệ thống chính trị ôn lại truyền thống cách mạng, thấm nhuần nguyện ước của các bậc tiền bối, quan tâm chú trọng hơn đến văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 33/NQ-TW về văn hóa, hiện thực hóa Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng như các Nghị quyết, Chiến lược, Quy hoạch liên quan. Đây là những văn bản đã được soạn thảo rất đầy đủ, công phu, tâm huyết, nhưng chưa có nguồn lực và cơ hội thực hiện.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương