QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 24/02/2023

24/02/2023

"UBTVQH sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023..." là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày 24/02/2023.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 23/02/2023

* Ngày 27/02/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay, quán triệt một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, phương hướng và trọng tâm công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023...

Xem nội dung chi tiết tại đây: THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

* Chiều 24/02, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ.

Tại hội nghị, các đại biểu ghi nhận thời gian qua, kế thừa, phát huy những kết quả đã đã được trong năm 2021, năm 2022, công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội ngày càng chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả theo đúng tinh thần Quyết định số 198-QĐ/TW ngày 18/9/2013 của Bộ Chính trị.

 
* Sáng 24/02, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc với Thường trực Uỷ ban Đối ngoại và Văn phòng Quốc hội về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023.
 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất quan tâm tới Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023. Hội nghị lần này nhằm đánh giá các ưu điểm, nhược điểm trong triển khai công tác đối ngoại năm 2022, qua đó chỉ ra các nguyên nhân và tìm ra giải pháp thực hiện trong năm 2023...

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC HỌP VỀ VIỆC CHUẨN BỊ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI NĂM 2023

* Chiều 23/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số kinh tế số và xã hội số.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

* Tiếp nối chương trình công tác tại Quảng Bình, ngày 23/02, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Đoàn công tác đã dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại quê nhà tỉnh Quảng Bình.

Trong không khí thiêng liêng, đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã kính cẩn dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, là những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã gắn bó trọn đời với sự nghiệp cách mạng, có nhiều đóng góp và công lao to lớn đối với độc lập tự do của dân tộc và sự trường tồn, phát triển của đất nước.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP, TRUNG TƯỚNG ĐỒNG SỸ NGUYÊN

* Sáng 24/2, tại Tp.Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh về tình hình lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, đồng thời nêu rõ, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thống hóa các Nghị quyết của Đảng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TP.HỒ CHÍ MINH

* Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Cổng TTĐT Quốc hội giới thiệu tóm lược kế hoạch, tiến độ triển khai của Đoàn giám sát.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TIẾN ĐỘ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

* Tại phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Quốc hội (sửa đổi); Xem xét và thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; Tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV...

Xem nội dung chi tiết tại đây: KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ TỔNG KẾT KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 2 VÀ THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV

* Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, chiều ngày 24/02, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào do Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath làm Trưởng đoàn đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 24 - 28/02/2023.

Chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam lần này của Đoàn đại biểu Quốc hội Lào có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thể hiện sự tin cậy chính trị đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội hai nước; trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật và các nội dung hợp tác giữa hai Quốc hội trong thời gian tới. 

Xem nội dung chi tiết tại đây:

- PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÀO KHAMBAY DAMLATH ĐẾN HÀ NỘI, BẮT ĐẦU CHUYẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

- TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC GIỮA QUỐC HỘI VIỆT NAM VÀ QUỐC HỘI LÀO

* Chiều 23/02, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh khảo thực tế tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phục vụ thẩm tra dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trưởng đoàn khảo sát và Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 đồng chủ trì buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị Quân khu 7 nghiên cứu, báo cáo, trên cơ sở thực tế có những đề xuất về vành đai an toàn trong dự thảo Luật; đề nghị Quân khu nghiên cứu quy định xử lý đối với những công trình đã tồn tại và công trình xây mới vi phạm khoảng cách đối với các CTQP và KQS; trách nhiệm phối hợp của các đơn vị, địa phương trong quy hoạch đất đai, quản lý và bảo vệ các CTQP và KQS.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ TẠI QUÂN KHU 7

* Sáng 24/02 tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Xã hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm tổ chức giám sát, thẩm tra trong hoạt động dân cử.

Tại hội nghị, các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ quan của Quốc hội tạo điều kiện cho HĐND tỉnh tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giám sát của Quốc hội tại địa phương, tham dự các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề… nhằm giúp địa phương kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn và tăng cường tính phối hợp và trách nhiệm trong tổ chức hoạt động giám sát, tái giám sát tại địa phương.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHIA SẺ KINH NGHIỆM HOẠT ĐỘNG DÂN CỬ GIỮA ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH, ỦY BAN XÃ HỘI VỚI THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH BÌNH DƯƠNG

* Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Nội, sáng 24/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục làm việc với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tại buổi làm việc, thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh xã hội chuyển động mạnh mẽ ảnh hưởng đến xu thế của người học...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA HÀ NỘI VỀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

* Sáng 24/02, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh làm Trưởng đoàn, đã khảo thực tế tại khu vực sân bay Biên Hòa và làm việc với Sư đoàn Không quân 370 đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát cho rằng, Sư đoàn 370 được giao quản lý các CTQP và KQS quan trọng phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trên các sân bay. Vì vậy, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền cho người dân tránh lấn chiếm đất quốc phòng; rà soát để tham mưu với cấp trên cho sát, qua đó đẩy nhanh việc cấp GCN quyền sử dụng đất.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHẢO SÁT TẠI SƯ ĐOÀN KHÔNG QUÂN 370, QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG-KHÔNG QUÂN

* Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND nhằm thực hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động giám sát tại địa phương, HĐND các tỉnh còn chủ động, tích cực tham gia các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH, góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Năm 2022, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ, UBND cùng cấp thực hiện giám sát đối với các chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH. Trong quá trình thực hiện, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã thực hiện việc giám sát và báo cáo kết quả giám sát gửi Quốc hội khóa XV, gửi Đoàn giám sát của UBTVQH theo Kế hoạch số 80/KH-UBTVQH15 ngày 01/11/2021 của UBTVQH...

Xem nội dung chi tiết tại đây: HĐND ĐỊA PHƯƠNG TÍCH CỰC THAM GIA CÁC CHUYÊN ĐỀ GIÁM SÁT TỐI CAO CỦA QUỐC HỘI, UBTVQH

* Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 có ý nghĩa lịch sử to lớn. Nhân kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương đã tổ chức các hoạt động nhằm lan tỏa ý nghĩa lịch sử, thời đại của Đề cương văn hóa Việt Nam. Mới đây, Đảng đoàn Quốc hội vừa ban hành Kế hoạch số 1401-KH/ĐĐQH15 về Tổ chức các hoạt động kỷ niệm cho sự kiện này.

Từ ngày Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam tháng 2/1943 đến nay đã được 80 năm, những tư tưởng trong Đề cương vẫn còn giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xem nội dung chi tiết tại đây:

- NHIỀU HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, KỶ NIỆM 80 NĂM ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM

- PGS.TS-ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 VÀ BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

* Tháng 02/1943, Đề cương Văn hoá Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hoá, văn nghệ đã được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhìn lại sự kiện lịch sử này, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia cho rằng, đến nay, những tư tưởng trụ cột của Đề cương Văn hóa vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành nền tảng cơ bản quyết định trục đi và lộ trình xuyên suốt, đem đến nhiều thành tựu cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

Sớm nhận thức được tầm quan trọng, sức mạnh lớn lao và bền bỉ của văn hóa dân tộc trong đường lối cách mạng, xây dưng và bảo vệ Tổ quốc, các bậc tiền bối cách mạng lão thành đã cho ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam từ năm 1943, trước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đề cương Văn hóa đã được Đảng thông qua, áp dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn vào thực tế đấu tranh cách mạng và từ đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Xem nội dung chi tiết tại đây:

- NGHỆ THUẬT VIỆT NAM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ DƯỚI SỰ SOI CHIẾU CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA

- GS.TS. TỪ THỊ LOAN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 – NGỌN ĐUỐC DẪN ĐẠO VĂN HÓA VIỆT NAM TRONG CÁC GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG

* Chiều 23/2, Đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh dẫn đầu đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, các thành viên Đoàn giám sát nhận định, các chính sách về tài chính, tiền tệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid – 19 trên địa bàn được tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng lưu ý, đối tượng hỗ trợ được phủ kín nhưng còn mỏng, đơn cử như mới chỉ có 10 đối tượng người lao động chấm dứt hợp đồng được hỗ trợ. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH QUẢNG NINH

* Chiều 23/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật trong đào tạo trình độ tiến sĩ.

Khẳng định Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là cơ sở đào tạo ra đời trong bối cảnh đặc thù, gắn với di sản trí tuệ, tinh hoa nhiều thời kỳ, thay mặt Đoàn giám sát, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, PGS. TS Đỗ Chí Nghĩa mong muốn nhà trường sẽ phát huy thế mạnh này, từ đó tiếp tục siết chặt đội ngũ, kết nối, huy động các nguồn lực nhằm tạo ra nhiều đột phá trong công tác đào tạo, trong đó có đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: NÊN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA NGHIÊN CỨU SINH

* Nhiều chuyên gia cho rằng, cần bổ sung vào trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nguyên tắc pháp lý chung mà cơ quan Nhà nước phải tuân thủ khi xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu nhạy cảm liên quan đến cá nhân và nguyên tắc này phải đồng bộ với các nguyên tắc chung về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Một số ý kiến cho rằng, trên thực tiễn về bảo vệ dữ liệu ở các nước, chỉ có các sự cố và vi phạm xâm hại trực tiếp đến dữ liệu cá nhân của người dùng mới cần phải thông báo đến người dùng. Các sự cố khác không liên quan đến dữ liệu người dùng, nếu được thông báo cho người dùng, sẽ tạo ra sự phiền nhiễu không đáng có, lãng phí tài nguyên kỹ thuật của nhà cung cấp dịch vụ và của quốc gia.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐỀ XUẤT BỔ SUNG XỬ LÝ DỮ LIỆU CÁ NHÂN ĐỒNG BỘ VỚI BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN, AN NINH MẠNG TRONG DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

* Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Dự thảo tiếp tục nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, cử tri, Nhân dân góp ý vào dự thảo luật, trong đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với Liên đoàn hợp tác xã nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.

Bên cạnh ý kiến đề nghị thí điểm Liên đoàn Hợp tác xã trước khi thể chế hóa trong luật, một số ý kiến cho rằng cần có một điều luật cơ bản trong dự thảo luật lần này để thể chế hóa, có căn cứ pháp lý về việc thành lập và phát triển các mô hình Liên đoàn Hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LIÊN ĐOÀN HỢP TÁC XÃ: XÂY DỰNG THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH HAY LUẬT HÓA TRONG DỰ THẢO LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)?

* Sáng 24/02, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk do Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021. 

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát nêu lên vấn đề còn tồn tại mà các địa phương và doanh nghiệp đề xuất với UBND tỉnh Đắk Lắk trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng về quy hoạch đất cho các dự án; tiếp nhận lưới điện. UBND tỉnh cùng các Sở, ban ngành liên quan đã tiếp thu và giải trình với Đoàn giám sát, đồng thời bổ sung thêm những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc còn gặp phải.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK LẮK GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2021

* Sáng 24/2, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã nêu mục đích, yêu cầu, những nội dung trọng tâm cần đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời mong muốn các cử tri phát huy trách nhiệm và trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để đoàn tổng hợp, đóng góp với Ban soạn thảo.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA TIẾP XÚC CỬ TRI HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH THEO CHUYÊN ĐỀ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Sáng 24/2, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Công Thương giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021”.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Yến đánh giá cao vai trò phát triển năng lượng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp vào phát triển nguồn năng lượng quốc gia. Bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Sở Công Thương tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản, kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIÁM SÁT VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TẠI SỞ CÔNG THƯƠNG

Thế Hà