LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI): CẦN KHẮC PHỤC NHỮNG CHỒNG CHÉO, BẤT CẬP HIỆN HÀNH

14/03/2023

Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước, qua đó tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập. Do đó, GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần khắc phục được những chồng chéo, bất cập hiện hành.

GS.TS ĐÀO XUÂN HỌC: LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI) PHẢI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ, HIỆU QUẢ, HIỆU LỰC TRONG THI HÀNH

Ảnh minh hoạ

Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013 đến nay. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước như: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước... Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, sau hơn 10 năm thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật, GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam bày tỏ băn khoăn đối với hai cụm từ “nguồn nước” và “tài nguyên nước”, bởi hai cụm từ này hoàn toàn đồng nghĩa với nhau về mọi phương diện để chỉ dòng nước do thiên nhiên ban tặng. Theo đó, cụm từ “thuỷ lợi” được lấy theo nghĩa hán, có nghĩa rộng hơn, bao hàm cả cụm từ “nguồn nước” hay “tài nguyên nước”. Mặt khác, sự tác động của con người nhằm hạn chế mặt hại và tăng thêm lợi ích do nước đem nhằm phục vụ phát triển dân sinh và kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do cách vận dụng khác nhau nên các Bộ, ngành cùng thực hiện một công việc.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thuỷ lợi, trong đó có quản lý nguồn nước, xây dựng công trình để phát triển nguồn nước, điều hoà dòng chảy và quản lý phân phối nước sau khi công trình được xây dựng. Để làm nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; để quản lý Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thực hiện quy hoạch tổng hợp nguồn nước lưu vực sông... Mặt khác, Luật Tài nguyên nước không có nội dung phát triển nguồn nước, không nói đến xây dựng công trình để phát triển nguồn nước và điều hoà dòng chảy, không nhắc đến quản lý công trình thuỷ lợi sau khi đã xây dựng. GS.TS Đào Xuân Học băn khoăn rằng với quy định như vậy, các cơ quan có thể hoàn thành nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước không?

GS.TS Đào Xuân Học - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam

Dẫn chứng thêm, GS.TS Đào Xuân Học cho biết, hơn 20 năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không thực hiện được vai trò điều phối trong lĩnh vực tài nguyên nước, và sẽ vẫn không làm được nếu cứ để tình trạng chồng chéo, trùng lặp như hiện nay. Minh chứng rõ nhất là cấp phép lấy nước cho các công trình đã được xây dựng từ trước, thậm chí cách đây 100 năm.

GS.TS Đào Xuân Học cho biết thêm, Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu “Sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, địa phương; rà soát, thống nhất đơn vị quản lý, khai thác thuỷ lợi vùng, quốc gia.” Và “….rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương; có đầu mối tổ chức triển khai bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nghiên cứu thống nhất đơn vị quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thuỷ lợi vùng, quốc gia”. Do đó, nếu thực hiện nghiêm túc kết luận của Bộ Chính trị sẽ có thể giảm được khoảng 300 biên chế, giảm 50% kinh phí làm quy hoạch thuỷ lợi và tài nguyên nước song song như hiện nay.

Từ những phân tích trên, GS.TS Đào Xuân Học đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối. Đầu mối này đặt ở Bộ, ngành nào sẽ do Chính phủ quyết định./.

Vũ Hà