TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/3: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Tiếp thu, giải trình việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Thể chế các chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới như thế nào để sau khi được thông qua, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các hợp tác xã (HTX) phát triển là một trong những vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21.
Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo về nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật trong đó có việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế; bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan; chính sách về đất đai đối với HTX cần bảo đảm, thống nhất, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến; chính sách tín dụng đối với HTX cần bảo đảm thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Một số ý kiến đề nghị xác định rõ các tiêu chí lựa chọn đối tượng được Nhà nước hỗ trợ cho phù hợp với từng nội dung hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Có ý kiến cho rằng sẽ khó thực hiện nếu dự thảo Luật không quy định cụ thể chính sách ưu đãi đối với một số tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX có tiêu chí được ưu tiên và cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Có ý kiến đề nghị quy định ưu tiên cho tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Một số ý kiến nhất trí với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trong việc hỗ trợ lãi suất và thực hiện các chế độ khác để khuyến khích việc thành lập và phát triển HTX vững mạnh, trở thành một động lực cho nền kinh tế; đề nghị luật hóa những nội dung của Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Có ý kiến chưa tán thành việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vì cho rằng không nên thành lập bộ máy mới, mô hình mới; khi quy định pháp luật chưa rõ thì chưa nên quy định quỹ ngoài ngân sách nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ban soạn thảo đã nỗ lực, cố gắng thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhưng một số quy định vẫn dừng lại như chủ trương của Nghị quyết; đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo rà soát các dự thảo nghị định, chắt lọc một số vấn đề lớn có thể đưa vào trong dự án luật cụ gtheer hơn.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về việc tiếp thu, giải trình dự thảo Luật HTX (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các quy định về thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết 20-NQ/TW, đảm bảo khả thi, hiệu quả, đảm bảo các chính sách đi vào cuộc sống. Đặc biệt là quy định về tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường tín dụng, các chính sách ưu đãi về thuế, phí, bảo hiểm…
Các ý kiến góp ý vào dự thảo Luật HTX (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang được cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến tổ chức vào tháng 4/2023), trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, tháng 5/2023.
Mức độ thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) chưa cao, chưa cụ thể.
Quan tâm theo dõi quá trình sửa đổi luật và góp ý hoàn thiện luật với vai trò chuyên gia, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể” với 8 nhóm chính sách cụ thể, gồm: (1) Chính sách phát triển nguồn nhân lực; (2) Chính sách đất đai; (3) Chính sách tài chính; (4) Chính sách tín dụng; (5) Chính sách khoa học - công nghệ; (6) Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; (7) Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và (8) Chính sách bảo hiểm xã hội. Về cơ bản, các chính sách này đã được thể chế hóa tại dự thảo Luật nhưng mức độ thể chế hóa các chính sách này chưa cụ thể.
Phân tích cụ thể về các chính sách này, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, mặc dù dự thảo Luật HTX (sửa đổi) đã quy định cho hầu hết các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề cập. Tuy nhiên phần lớn các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các đầu mục như đã nêu trong Nghị quyết, thậm chí còn chưa cụ thể như trong Nghị quyết. Một số chính sách hỗ trợ nếu khi triển khai thực hiện sẽ vướng do mâu thuẫn với các Luật khác, ví dụ chính sách về tích tụ đất, vay vốn ngân hàng cần tài sản thế chấp, bố trí quỹ đất cho HTX, thu tiền cho thuê đất, ưu đãi thuế…
Đối với chính sách phát triển nguồn nhân lực, Nghị quyết 20-NQ/TƯ nêu rõ cần phải “Đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Hàng năm dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh”.
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Theo GS.TS Trần Đức Viên, trong dự thảo Luật HTX (sửa đổi) chưa đề cập đến việc “…dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh”. Mặt khác, vấn đề “…đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học…” trong Nghị quyết được diễn giải thành “Xây dựng chương trình đào tạo chính quy về các tổ chức kinh tế hợp tác và giảng dạy chính thức tại các trường đại học” trong dự thảo Luật chưa thực sự trọng tâm. Nội dung Nghị quyết nhấn mạnh “đào tạo về kinh tế tập thể” chứ không phải “đào tạo về các tổ chức kinh tế hợp tác”.
Nghị quyết 20-NQ/TƯ nêu: “Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể.” Tuy nhiên, trong dự thảo Luật quy định “Hỗ trợ lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động có chất lượng cao làm việc tại các tổ chức kinh tế hợp tác” để thực hiện chủ trương “Khuyến khích thu hút cán bộ quản lý và khoa học về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể, nhà nước hỗ trợ trả lương cho cán bộ quản lý và khoa học được đào tạo tại các trường đại học có chuyên ngành phù hợp, được đại hội thành viên nhất trí nhận về công tác tại các tổ chức kinh tế tập thể.” GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, quy định như vậy cho thấy mức độ thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW chưa cao, thậm chí những gì quy định trong dự thảo Luật thậm chí chưa “cụ thể” như trong Nghị quyết.
GS.TS Trần Đức Viên kiến nghị dự thảo Luật cần chi tiết hơn về hình thức khuyến khích, đối tượng cần được khuyến khích, chế độ khuyến khích… Trong trường hợp chưa thể quy định chi tiết trong dự thảo Luật HTX thì cần quy định theo hướng Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để chủ trương của Đảng dễ dàng, thuận tiện đi vào thực tế cuộc sống, tránh trường hợp “chủ trương đúng nhưng không thực hiện được.
Đối với chính sách đất đai, Nghị quyết 20-NQ/TW nêu: “Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn”. Tuy nhiên, dự thảo Luật HTX chưa quy định chi tiết về chủ trương khuyến khích tích tụ đất nông nghiệp của HTX, trong đó nhấn mạnh hình thức tích tụ, hạn mức diện tích.... GS.TS Trần Đức Viên đề xuất có thể giao cho Chính phủ quy định về việc này.
Về chính sách tín dụng, Nghị quyết 20-NQ/TW nêu rõ: “Các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác; được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả”. Theo quan điểm của GS.TS Trần Đức Viên, việc quy định cho các tổ chức kinh tế hợp tác được hưởng ưu đãi về lãi suất và các hỗ trợ khác là rất đúng. Tuy nhiên, thực tế các tổ chức kinh tế hợp tác gặp khó khăn trong vay vốn chủ yếu do không có tài sản thế chấp (không có/ít tài sản chung có thể dùng để thế chấp). Do vậy, cần quy định chi tiết hơn về vấn đề này dựa trên đặc điểm của HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác.
Về chính sách khoa học - công nghệ, Nghị quyết 20-NQ/TW nêu: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý và khoa học - công nghệ cho các tổ chức kinh tế tập thể trên cơ sở nhu cầu và theo hợp đồng được ký kết với cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn; Hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Hướng dẫn các tổ chức kinh tế tập thể có dự án ứng dụng, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo được vay vốn trung và dài hạn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương”. Về vấn đề này, dự thảo Luật HTX cũng mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê các “quyền lợi” mà tổ chức kinh tế tập thể được hưởng như đã nêu trong Nghị quyết, chưa thể hiện làm như thế nào để các tổ chức kinh tế hợp tác được hưởng các “quyền lợi” này./.