PHẦN MỀM QUẢN LÝ, THEO DÕI SỨC KHỎE: KHÔNG CÓ SỰ LIÊN THÔNG, KẾT NỐI, CHIA SẺ THÔNG TIN

27/03/2023

''Có tình trạng phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe, nhất là tại tuyến cơ sở bị phân mảnh, không có sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; ở tuyến cơ sở có nhiều phần mềm quản lý do các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cung cấp, gây khó khăn trong quá trình sử dụng…'' là một trong những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nêu sau khi khảo sát tại cơ sở và làm việc với các bộ, ngành liên quan.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ THIẾU THỐNG NHẤT

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Báo cáo kết quả giám sát; dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” vào tháng 4/2023 tới, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu tài liệu, khảo sát tại các địa phương, làm việc với các bộ ngành và làm việc với Chính phủ.

Theo đó, qua giám sát thực tế ở cơ sở và các bộ, ngành, bên cạnh ghi nhận những kết quả của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã nêu một số bất cập trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong đó có việc thiếu thống nhất, đồng bộ trong các phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe. Từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Trong quá trình giám sát tại cơ sở, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã nêu lên một số bất cập trong việc ứng dụng phần mền trong quản lý, theo dõi sức khỏe.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn, bảo đảm đến cuối năm 2020 có ít nhất 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Dự kiến đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe người dân tại trạm y tế còn hạn chế. Trong đó, các trạm y tế sử dụng nhiều phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Nhưng các phần mềm chưa tương thích với các bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi tiền sử bệnh tật của người dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đánh giá cao Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế nói chung và trong y tế tuyến huyện, tuyến xã nói riêng. Nhưng qua giám sát thực tế của Đoàn cho thấy ở tuyến huyện, tuyến xã có rất nhiều phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe cho người dân. Việc đưa phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe là rất rốt, nhưng những phần mềm này chưa có sự liên thông, kết nối với nhau, khiến hiệu quả của việc theo dõi sức khỏe ban đầu cho người dân chưa thực sự đạt hiệu quả. Đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với người khám bệnh, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tư nhân có được cập nhật, theo dõi trong phần mềm theo dõi sức khỏe của ngành y tế tại các cơ sở y tế công lập?

  

Bà Trần Thị Nhị Hà, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Vừa là thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, vừa là Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu thực tế, tại trạm y tế xã, phường, thị trấn ở Hà Nội hiện nay đang quản lý 7-8 phần mềm do các Vụ, Cục khác nhau của Bộ Y tế cung cấp. Ví dụ như phần mềm tiêm chủng, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm, phần mềm báo cáo dịch bệnh theo Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế, phần mềm quản lý giám sát phát hiện người nhiễm HIV, phần mềm quản lý bệnh nhân phục hồi chức năng, phần mềm chăm sóc sức khỏe sinh sản… Mỗi phần mềm này do các Vụ, Cục khác nhau của Bộ Y tế cung cấp và trạm y tế như “chiếc túi” để thực hiện những nhiệm vụ của tuyến y tế cơ sở nhưng các phần mềm này không liên thông với nhau. Điều này gây ra sự khó khăn rất lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ y tế cơ sở. Trong khi đó,phần mềm vô cùng quan trọng là phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân với mục tiêu quản lý sức khỏe toàn dân và quản lý các bệnh không lây nhiễm lại chưa có, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói.

Đại biểu cho rằng, để quản lý sức khỏe người dân, cần có tiêu chí quản lý rõ ràng, nhưng Quyết định 813/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành mẫu hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân đang gây khó khăn, vướng mắc khi áp dụng tại các địa phương; mặc dù đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) vẫn chưa ban sửa đổi, bổ sung quy định về việc quản lý sức khỏe người dân.

Tương tự, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm tại cơ sở là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc quản lý bệnh không lây nhiễm đang khó khăn do tổng mức thanh toán bảo hiểm ở tuyến cơ sở thấp, nên người dân có xu hướng chuyển lên tuyến trên. Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, theo đó đã tháo gỡ vướng mắc là được đơn thuốc ở tuyến y tế cơ sở theo phác đồ của Bộ Y tế, nhưng tại trạm y tế vẫn gặp khó bởi tổng mức thanh toán bằng bảo hiểm y tế rất thấp.

Báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế do các phần mềm hiện đang triển khai tại các trạm y tế xã còn phân mảnh, không có sự liên thông giữa các phần mềm và giữa các tuyến nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết có nhiều phần mềm quản lý, theo dõi sức khỏe khác nhau nên đã chỉ đạo rà soát để có giải pháp khắc phục.

Thừa nhận những bất cập được thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong ngành y tế đặc biệt là các tuyến dưới có rất nhiều phần mềm khác nhau. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng chuẩn hóa một phần mềm tại các Trạm y tế, theo đó, mỗi một Trạm y tế chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất, tất cả thông tin của trạm y tế sẽ được liên thông qua một nền tảng quản lý y tế cơ sở với tên gọi V20. Hiện, phần mềm này đang được triển khai thí điểm ở các địa phương và được tổng kết và thực hiện thống nhất trong năm 2024.

Bộ Y tế nhận thấy, việc thống nhất phần mềm rất quan trọng để triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhìn đến năm 2030"). Bộ Y tế đang rà soát, đánh giá nhằm thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế quyết liệt hơn, từ việc cấp thuốc đến quản lý sổ sức khỏe điện tử tại cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh./.

Lan Hương