PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ CUỘC LÀM VIỆC CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỚI UBND TP.HÀ NỘI VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với UBND TP. Hồ Chí Minh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi.
Cùng dự còn có: đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; Thường trực HĐND và Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh; đại diện các sở, ban, ngành… và các thành viên Đoàn giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, trong 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình), các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời văn bản chỉ đạo từ các cấp về việc thực hiện Chương trình theo Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Từ đó, xây dựng các kế hoạch, ban hành quyết định, hướng dẫn thực hiện Chương trình cụ thể, rõ ràng.
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh còn một số tồn tại, hạn chế như: do dịch bệnh Covid-19 nên ngay từ khi triển khai Chương trình đối với lớp 1, việc tập huấn sử dụng bộ sách giáo khoa và dạy học luôn phải thay đổi hình thức vừa trực tuyến, vừa trực tiếp đã gây trở ngại, khó khăn, lúng túng cho giáo viên. Một số học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng dịch Covid-19, phụ huynh lo kinh tế gia đình nên chưa quan tâm sâu sát đến việc học của con, còn khoán trắng việc học của con em cho giáo viên và nhà trường.
Bên cạnh đó, do hạn chế về quỹ đất, tiến độ xây mới và mở rộng trường thực tế chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích sân chơi bãi tập; trường còn có điểm lẻ... nên gặp khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Đội ngũ giáo viên một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu; một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai chương trình mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu
UBND TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, sớm xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình.
Quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, đảm bảo đủ định biên theo định mức số tiết quy định và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình. Có sách giáo khoa Tiếng Trung và Tiếng Pháp để đáp ứng yêu cầu học tập ngoại ngữ 1 của học sinh về hai môn ngoại ngữ này. Có quy định cho phép các địa phương linh hoạt trong việc mua sắm thiết bị dạy học trong Chương trình theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu
Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung làm việc của Thành phố, đáp ứng yêu cầu của Đoàn. Các báo cáo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, nhiều kiến nghị cụ thể, sát đáng, phản ánh khá toàn diện việc thực hiện trên địa bàn Thành phố. Với truyền thống thống năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tích cực đổi mới, Thành ủy, HĐND, UBND Ủy ban MTTQ, các sở ngành, địa phương của TP.Hồ Chí Minh đã nỗ lực, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình.
Đoàn giám sát cũng đánh giá cao Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch giám sát từ rất sớm; phối hợp chặt chẽ với HĐND thành phố trong việc tổ chức giám sát, mỗi cơ quan có báo cáo riêng gửi Đoàn giám sát.
Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu
Đoàn giám sát đánh giá, việc triển khai Chương trình trên địa bàn Thành phố còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đó là: đội ngũ giáo viên thiếu ở nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới đưa vào chương trình ở các cấp học, trong khi nguồn tuyển dụng rất hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho việc đổi mới giáo dục phổ thông còn thấp so với nhu cầu thực tế; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số nơi chậm được mua sắm, bổ sung. Nội dung một số môn học chưa thực sự giảm tải; giá sách giáo khoa tăng cao và tình trạng lãng phí do không sử dụng lại được sách giáo khoa gây bức xúc cho nhân dân một số nơi.
Đây là những thách thức đã và đang đặt ra đối với lộ trình thực hiện Chương trình trên địa bàn Thành phố. Thành phố cũng đã nêu được những kiến nghị, đề xuất để các cấp, các ngành cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị UBND Thành phố và Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc. Các ý kiến nêu hết sức thẳng thắn về thực trạng, yêu cầu cụ thể về giải pháp; có những vấn đề cấp bách cần mạnh dạn thực hiện ngay, có những vấn đề lâu dài cần có lộ trình, bước đi phù hợp; những vấn đề nào thuộc trách nhiệm của cơ quan Trung ương, của địa phương; những vấn đề về cơ chế, chính sách, đặc biệt là những thuận lợi, khó khăn có tính chất đặc thù của TP.Hồ Chí Minh và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, TP.Hồ Chí Minh rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI. Thành phố cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60 ngày 21.6.2021 và Nghị định số 32 ngày 10.4.2019 của Chính phủ.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh
Cùng với đó, Thành phố cần tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn cho ngành Giáo dục đào tạo. Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. Các kiến nghị của TP.Hồ Chí Minh sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp đầy đủ, phân tích, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.