QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI THỊ TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU
ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH KHỐNG CHẾ VỀ CHỨC NĂNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐA MỤC ĐÍCH
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật là quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Theo nhiều chuyên gia, hiệp hội, cùng với phân cấp cho cấp tỉnh thực hiện, cần có quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.
Ths.Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ths.Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nêu quan điểm: Điều 122 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 116 của Luật này. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện, kiểm tra, giám sát do Chính phủ quy định.
Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng được phân cấp cho cấp tỉnh thực hiện là một bước tiến bộ. Tuy nhiên, nếu Chính phủ quy định không chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng các địa phương chuyển đổi những vùng đất lúa trọng điểm có hạ tầng thuỷ lợi, giao thông hoàn chỉnh sang đất khu công nghiệp, dịch vụ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, cùng với phân cấp cho cấp tỉnh thực hiện, cần có quy định trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đưa ra lập luận về nội dung trên, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Điều 122 không đảm bảo được yêu cầu của quy định pháp luật vì không cho thấy rõ các điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có sự đan xen trong Điều này giữa các điều kiện và trình tự, thủ tục. Điều 122 chỉ liệt kê một số loại đất được giao, cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất cần có Nghị quyết của HĐND tỉnh; Tiêu chí do Chính phủ quy định. Câu hỏi đặt ra các tiêu chí do Chính phủ quy định là điều kiện hay quy trình thực hiện?
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, cần luật định các điều kiện về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo chống lại tham nhũng chính sách. Các điều kiện phải được quy định dưới dạng những đòi hỏi bắt buộc phải có, bắt buộc phải đúng.
Liên quan đến việc giao đất gắn liền với giao rừng cho cộng đồng, TS.Ngô Văn Hồng – Trung tâm CEGORN nhận định: Hiện nay, cả Luật Lâm nghiệp và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đều quy định giao đất gắn liền với giao rừng cho cộng đồng. Tuy nhiên, Luật Đất đai trước đây và dự thảo Luật Đất đai hiện nay chưa có một khoản nào quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đối tượng quản lý là cộng đồng. Điều này, dẫn tới nhiều địa phương trên cả nước trong thời gian qua phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng vì chưa có quy định trong Luật và đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân. Thực tế, đã có cộng đồng đề nghị trả lại phần rừng đã giao cho Nhà nước sau khi bị thu hồi.
TS.Ngô Văn Hồng – Trung tâm CEGORN.
Mặt khác, hiện nay theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cả nước có khoảng trên 1 triệu ha đất rừng do cộng đồng quản lý theo truyền thống mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là các khu rừng có chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao và đã được quy hoạch là rừng đặc dụng. Tại Điều 180 trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) mới quy định giao rừng đặc dụng là rừng tín ngưỡng cho cộng đồng. Các trường hợp khác không quy định. Thực tế cộng đồng đang quản lý các khu rừng đặc dụng này theo truyền thống hoàn toàn tự nguyện. Ví dụ như bảo vệ Vọc gáy trắng, bảo vệ cua đá, bảo vệ rừng lim, rừng săng lẻ… để bảo vệ môi trường và bảo vệ tài sản cho thế hệ mai sau. Điều gì xảy ra trong tương lai nếu như cộng đồng không có khả năng kinh tế hoặc động lực để bảo vệ những khu rừng này.
Về nội dung cho thuê đất rừng đặc dụng và phòng hộ, TS.Ngô Văn Hồng bày tỏ ý kiến: Tại Điều 122 và 123 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng và phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Trong khi đó, tại Điều 17 của Luật Lâm nghiệp không quy định cho tổ chức kinh tế thuê rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế có thể ký hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng với Ban quản lý rừng đặc dụng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (Điều 75). Như vậy, có sự khác biệt cả về thẩm quyền và loại hình thuê đất, rừng giữa hai Luật.
TS.Ngô Văn Hồng lo ngại, vấn đề có thể phát sinh là nếu căn cứ theo Luật Đất đai, UBND cấp tỉnh sẽ cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng, trên đó có rừng, trái với luật Lâm nghiệp nên có thể dẫn đến phức tạp trong quản lý tài nguyên rừng. Do đó, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát thuê đất rừng./.