TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 07/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc lấy ý kiến Nhân dân về về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ban soạn thảo cần quy định việc lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một bước bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời phải xác định rõ đối tượng Nhân dân được lấy ý kiến, không nên quy định chung các đối tượng được lấy ý kiến như dự thảo Luật. Theo đó, Nhân dân được lấy ý kiến là những tổ chức, cá nhân nằm trong khu vực chịu sự tác động của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, khi người dân góp ý cần quy định tỷ lệ phần trăm ý kiến góp ý nếu như chưa đồng thuận với dự thảo quy hoạch thì phải điều chỉnh, thay đổi toàn bộ hoặc một phần hay là không thay đổi thì phải giải trình cho Nhân dân được biết lý do.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Liên quan đến việc công bố công khai quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, dự thảo Luật quy định công khai tại trụ sở cơ quan. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng quy định này còn mang tính hình thức bởi người dân khó có thể tiếp cận được trụ sở của các cơ quan để đến xem, nghiên cứu thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm một số hình thức công khai như phát trên hệ thống loa phát thanh của huyện, của xã và thông qua hội nghị ở thôn, tổ dân phố theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần được đặc biệt quan tâm. Điều 66 của dự thảo Luật đã quy định về lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó thì tùy từng cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ có những hình thức lấy ý kiến khác nhau. Đại biểu cho rằng các hình thức được quy định dự thảo Luật là khá phong phú, đa dạng và có sự ứng dụng của công nghệ 4.0.
Để tránh việc lấy ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở nên hình thức, thủ tục, không phát huy hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần quy định việc đăng tải công khai lấy ý kiến tại trụ sở làm việc hay cổng thông tin điện tử, phải được thông báo đến cho Nhân dân biết. Việc thông báo địa điểm, thời gian công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể thông qua những hình thức Nhân dân dễ thấy, dễ nghe hơn như thông qua loa phát thanh, kênh truyền hình địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Hiện nay nhiều người dân không thường xuyên đến trụ sở làm việc của xã, của huyện hay của tỉnh, nhất là ở các vùng nông thôn. Chưa kể đến những rào cản về chữ viết, về ngôn ngữ hay trình độ sử dụng công nghệ thông tin. Vì vậy, nếu không được thông báo rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công khai để lấy ý kiến thì nhiều người dân sẽ không biết để tham gia ý kiến. Đây là nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nên việc lấy ý kiến càng rộng rãi thì càng thu hút được nhiều ý kiến bao nhiêu, sau này sẽ càng hạn chế được những phản ánh, khiếu nại tiêu cực của người dân bấy nhiêu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thực tế quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh rất nhiều lần, đặc biệt là tương đối bị động ở cấp huyện hoặc cấp tỉnh, do phải đợi hoặc thay đổi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổng thể của cấp cao hơn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, xây dựng mối quan hệ và quy trình thuận lợi để thực hiện thống nhất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, đề cao trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng cấp để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch bị động của các địa phương hiện nay.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại Điều 69 dự thảo Luật về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định theo hướng trong quá trình tổ chức thực hiện có thể điều chỉnh về quy mô, về địa điểm hoặc nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Đại biểu cho rằng, chỉ tiêu sử dụng đất của các dự án khu vực chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đã được xác định trong quy hoạch, mở rộng quy mô, địa điểm hoặc nhu cầu của hộ gia đình, cá nhân nằm ngoài quy hoạch chắc chắn sẽ làm thay đổi chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng. Ví dụ, cần điều chỉnh quy mô về địa điểm của một công trình đường giao thông trên nằm trong quy hoạch và thu hồi chuyển mục đích sử dụng các loại đất như đất lúa, đất rừng sản xuất. Khi đó, chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất hạ tầng giao thông sẽ tăng và chỉ tiêu sử dụng đất lúa, đất rừng theo khu chức năng tại vị trí thực hiện dự án sẽ thay đổi. Nêu rõ quy định này là chưa phù hợp, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng quy định tại Điều 58 dự thảo Luật quy định về kế hoạch sử đất cấp huyện được lập hàng năm không phù hợp với thực tiễn. Đại biểu làm rõ, việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công hàng năm. Trong khi việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công cũng luôn luôn có sự điều chỉnh thế vì vậy mà việc mà lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm có thể sẽ bị chậm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 5 năm như Luật Đất đai năm 2003.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng cho rằng quy định tại Điều 61 dự thảo Luật về việc quy hoạch kế hoạch ruộng đất phải chi tiết đến từng công trình, dự án đã được phê duyệt. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều dự án đã được phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm triển khai thực hiện chậm tiến độ, thậm chí là khi hết cả thời hạn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thậm chí là kế hoạch 5 năm cấp tỉnh cũng chưa xong. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật không nên quy định chi tiết kế hoạch sử dụng đất đến từng hạng mục công trình, dự án mà chỉ nêu và quy định chỉ tiêu, diện tích, địa điểm, hạng mục công trình để cho đảm bảo thuận lợi thực hiện trong thực tiễn, linh hoạt với điều kiện hiện nay.
Quan tâm đến sử dụng đất đa mục đích, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, việc xây dựng, đầu tư xây dựng trên đất hỗn hợp rất đa dạng, thường do chủ đầu tư đề xuất, gây khó khăn trong quản lý, gây áp lực với quy mô dân số, hạ tầng kinh tế - xã hội và gây áp lực về giao thông. Việc quy định đất cùng một lúc có quá nhiều mục đích sử dụng cũng sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai nói chung và thực hiện nghĩa vụ tài chính nói riêng. Vì vậy đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể để khống chế số lượng chức năng sử dụng, từ đó có căn cứ quản lý, tránh làm mất cân đối trong việc sử dụng đất. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cụ thể, đầy đủ hơn trong dự thảo Luật về các loại đất được sử dụng đa mục đích. Đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về mục đích sử dụng đất chính trong việc sử dụng đất đa mục đích; nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về nguyên tắc xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất đa mục đích./.