DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024: ĐẢM BẢO TÍNH MỚI, CẤP THIẾT, PHỤC VỤ TRỰC TIẾP CHO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI
PHIÊN HỌP THỨ SÁU HỘI ĐỒNG KHOA HỌC CỦA UBTVQH: CHO Ý KIẾN DANH MỤC NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024 VÀ DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Quang phiên họp.
Tham dự Phiên họp có: Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học; các thành viên Hội đồng Khoa học; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh; các chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nhằm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm và huy động tối đa trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của các nhà khoa học, thành viên của Hội đồng khoa học, Phiên họp tiếp tục góp ý vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) - một trong những dự án luật quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 5 (5/2023) tới đây.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, dự án Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và thực tế thi hành đã cho thấy có nhiều điều bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.
Điều hành nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã có báo cáo về các nội dung tiếp thu, giải trình.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu, chuyên gia góp ý vào các nội dung lớn của dự thảo luật như: quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam, về chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang; về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; về áp dụng pháp luật;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành nội dung thảo luận.
Góp ý tại Phiên họp, các chuyên gia tán thành sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, nhấn mạnh, việc sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, các ý kiến cũng lưu ý, việc sửa đổi phải phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Góp ý vào dự thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất của dự án luật Nhà ở với Luật đất đai đang được sửa đổi, trong đó có vấn đề liên quan đến đất dành cho nhà ở xã hội và các quy định hiện hành.
TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Về nội dung này , TS. Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy viên Hội đồng khoa học cho rằng, một số quy định tại Dự thảo chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác. Dẫn chứng cho quan điểm này, TS. Đậu Anh Tuấn chỉ rõ, các quy định về: Lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở; Điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; Chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở;...
Theo TS. Đậu Anh Tuấn, đối với quy định về Điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở (Điều 37), Dự thảo không cần thiết phải quy định về điều kiện của chủ đầu tư dự án, vì hoặc là chồng lấn, hoặc là chưa thống nhất với các văn bản khác (pháp luật về đất đai, đầu tư không quy định về điều kiện “có kinh nghiệm để thực hiện đối với từng dự án”). Đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 37 Dự thảo.
Từ góc nhìn của Hội Luật gia Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị và bổ sung dự thảo các văn bản dự kiến quy định chi tiết nội dung của dự thảo Luật vào hồ sơ dự án Luật.
TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Tuân lưu ý, một số nội dung cụ thể cần nghiên cứu, chỉnh lý để đảm bảo tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung dự thảo Luật với các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,...
Cũng tại Phiên họp, các ý kiến thành viên Hội đồng Khoa học còn cho ý kiến cụ thể về quy định đối với vấn đề sở hữu nhà chung cư; chính sách phát triển nhà ở xã hội, tính thống nhất trong quy định đối với các luật có liên quan,...
Báo cáo làm rõ một số nội dung các đại biểu, chuyên gia nêu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đối với vấn đề sở hữu nhà ở chung cư có thời hạn, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn , tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;...
Liên quan đến sử dụng đất để phát triển nhà thương mại, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo tính thống nhất với nội dung này trong Luật Đất đai.
Ngoài ra, về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị giữ nguyên khái niệm, chỉ quy định rõ hơn nội hàm của nội dung này. Theo đó, sẽ tiến hành rà soát, chỉnh sửa lại các nội dung trong Dự thảo như: quy định về xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư xây dựng nhà ỏ xã hội, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội,... để đảm bảo tính thống nhất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là dự án luật lớn, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và qua ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Nhấn mạnh đây cũng là dự án luật phức tạp, có liên quan chặt chẽ đến nhiều luật, bộ luật khác, nhất là các luật đang được sửa đổi, lấy ý kiến như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản..., Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quá trình soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) cần được thực hiện thật sự bài bản, khoa học, kỹ lưỡng, nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân..., đảm bảo dự án Luật thể chế hóa được đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách nhà ở, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định pháp luật về nhà ở và thực tiễn thực hiện trong những năm vừa qua, đồng thời chú trọng bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Ghi nhận và đánh giá các ý kiến góp ý tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao của chuyên gia, các nhà khoa học, các thành viên Hội đồng khoa học. tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cơ quan trình dự án và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dự án Luật.
Từ kết quả của Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp trong phạm vi trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị thật tốt các nguồn tư liệu tham khảo, thông tin khoa học lập pháp để góp phần phục vụ các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) thời gian tới./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Chủ tịch Hội đồng Khoa học, chủ trì Phiên họp.
Các thành viên Hội đồng Khoa học; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng các đại biểu dự phiên họp.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học phát biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành nội dung thảo luận.
Góp ý tại Phiên họp, các chuyên gia tán thành sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở (sửa đổi).
Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Nhà ở nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Phạm Phú Bình phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh Báo cáo làm rõ một số nội dung tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận.